Phiên sáng 21/8: VN-Index được cứu, hấp dẫn cuộc chiến tại HAI

(ĐTCK) VN-Index đã nảy trở lại khi về sát ngưỡng 766 điểm. Tuy nhiên, tâm điểm đáng chú ý phiên sáng nay vẫn là diễn biến giao dịch của HAI khi mã này lại có biên độ dao động tới gần 15%. Chốt phiên, phần thắng đang tạm nghiêng về bên nắm giữ tiền mặt.
Phiên sáng 21/8: VN-Index được cứu, hấp dẫn cuộc chiến tại HAI

Trong phiên giao dịch cuối tuần trước, dù chìm trong sắc đỏ trong phần lớn thời gian của phiên giao dịch, nhưng trong nửa cuối phiên chiều, với lực cầu bắt đáy chảy mạnh ở nhóm cổ phiếu đầu cơ, sau đó lan rộng ra một số nhóm ngành khác, giúp thị trường hồi phục trở lại.

Tuy thị trường hồi phục trở lại, nhưng giới phân tích vẫn có cái nhìn khá thận trọng khi cho rằng, rủi ro vẫn hiện hữu.

Đúng như dự báo trên, thị trường mở cửa phiên sáng nay trong sắc đỏ, sau đó dù nỗ lực hồi phục, nhưng trước sức ép lớn từ các mã lớn, VN-Index nhanh chóng trở lại đà giảm và sắc đỏ cũng dần chiếm ưu thế trước sắc xanh.

Tuy nhiên, sau khi về sát ngưỡng 766 điểm, lực cầu bất ngờ gia tăng, giúp VN-Index bất trở lại và bất ngờ có được sắc xanh khi chốt phiên.

Việc VN-Index đảo chiều thành công một phần nhờ việc SAB được đưa về tham chiếu dù lực cầu không quá mạnh, trong khi nhóm cổ phiếu dầu khí nới rộng đà tăng.

Chốt phiên sáng, VN-Index tăng 0,51 điểm (+0,07%), lên 769,48 điểm với 112 mã tăng, 134 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 86,78 triệu đơn vị, giá trị 1.636,1 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 7,2 triệu đơn vị, giá trị 164,36 tỷ đồng.

Với việc giá dầu thô thế giới tăng mạnh trong phiên cuối tuần trước, nhóm cổ phiếu dầu khí tăng khá mạnh trong phiên sáng nay, góp phần giúp VN-Index có được sắc xanh nhạt. Trong đó, GAS tăng 0,66%, PLX tăng 2,57%, PVD tăng 0,67%. Ngoài ra, còn có sự hỗ trợ của một số mã khác như ROS, VJC, MSN, FPT, REE và có thêm BHN vào cuối phiên. Trong khi đó, VNM, VCB, VIC, VPB, MBB, NVL, HPG… gây sức ép lên thị trường.

Với nhóm cổ phiếu nhỏ, diễn biến tại HAI tiếp tục trở thành tâm điểm của thị trường. Sau chuỗi giảm sàn 7 phiên liên tiếp và đang hướng tới phiên giảm sàn thứ 8 trong phiên cuối tuần trước, HAI đã bất ngờ nhận được lực cầu bắt đáy, kéo thẳng từ mức sàn 12.700 đồng (tức giảm 47% so với mức giá cao nhất trước khi điều chỉnh), lên mức trần 14.600 đồng khi chốt phiên. Trong phiên sáng nay, HAI tiếp tục mở cửa trong sắc xanh và lại được kéo lên mức trần 15.600 đồng. Tuy nhiên, lực bán gia tăng mạnh đã kéo mã này trở lại mức sàn 13.600 đồng.

Không chấm nhận để HAI trở lại xu thế giảm, lực cầu lại được tung mạnh vào, hấp thụ hết lượng bán giá thấp, kéo HAI tăng trở lại khi chốt phiên sáng. Chốt phiên, HAI tăng 5,48%, lên 15.400 đồng với 6,73 triệu đơn vị được khớp, đứng thứ 2 sau FLC.

Dù không gay cấn như HAI, nhưng FLC sáng nay cũng có giao dịch khá sôi động với hơn 8,4 triệu đơn vị được khớp, đóng cửa tăng nhẹ 0,28%, lên 7.130 đồng. Các cổ phiếu thị trường khác cũng chỉ biến động nhẹ và giao dịch cũng không quá sôi động.

Nhóm ngân hàng đang có sự phân hóa khi STB tăng nhẹ, BID, CTG, MBB đứng ở tham chiếu, trong khi VCB, VPB và EIB giảm nhẹ.

Trên HNX, với sự hỗ trợ của ACB và nhóm dầu khí, HNX-Index lại duy trì được sắc xanh khá lâu trước khi quay đầu giảm theo VN-Index. Tuy nhiên, sau đó với sự chắc chắn của ACB, cùng sự góp sức của VCG, PVI, PGS…, HNX-Index đã bứt tốc trở lại trong nửa cuối phiên.

Chốt phiên sáng, HNX-Index tăng 0,83 điểm (+0,83%), lên 101,66 điểm. Tổng khối lượng khớp đạt 22,5 triệu đơn vị, giá trị 293,23 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,45 triệu đơn vị, giá trị 38,84 tỷ đồng.

ACB là mã có thanh khoản tốt nhất sàn HNX với 2,39 triệu đơn vị được khớp, đóng cửa tăng 3,89%, lên 26.700 đồng, cũng là mức giá cao nhất phiên. Tiếp đến là SHB với 2,29 triệu đơn vị được khớp và đóng cửa ở mức tham chiếu 7.800 đồng.

Một số mã có sắc tím tốt trong phiên sáng nay là SVN, CMI, MST… và đặc biệt là tân binh DS3.

Cổ phiếu TAG vẫn im ắng trong phiên giao dịch sáng nay sau thông tin hủy niêm yết và “bán mình” cho Thế Giới Di Động.

Trong khi đó, UPCoM-Index lại trái chiều với 2 sàn niêm yết khi đóng cửa giảm 0,32 điểm (-0,6%), xuống 54,19 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 2,67 triệu đơn vị, giá trị 49,82 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 112.310 đơn vị, giá trị 4,44 tỷ đồng.

Cổ phiếu ART vẫn chưa ngừng đợt tăng phi mã của mình khi đóng cửa ở mức trần 21.000 đồng với 1,12 triệu đơn vị được chuyển nhượng, còn dư mua giá trần 842.000 đơn vị. So với mức giá tham chiếu lúc chào sàn, cổ phiếu ART đã tăng tới 320% chỉ sau 13 phiên giao dịch.

Chứng khoán phái sinh sáng nay có 1.965 hợp đồng được giao dịch, giá trị 146,42 tỷ đồng.

T.L

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục