Phiên sáng 21/12: Chìm trong sắc đỏ

(ĐTCK) Áp lực bán gia tăng mạnh ngay khi mở cửa phiên giao dịch cuối tuần, ngày 21/12 khiến thị trường chìm trong sắc đỏ.
Phiên sáng 21/12: Chìm trong sắc đỏ

Không nằm ngoài dự đoán của giới phân tích, quyết định tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã không tác động nhiều tới diễn biến thị trường chứng khoán trong nước.

Những tưởng thị trường sẽ có được phiên hồi phục ngày 20/12, chấm dứt chuỗi 5 phiên giảm liên tiếp trước đó nhưng dòng tiền chưa đủ mạnh trong khi áp lực bán thường trực khiến chỉ số VN-Index lùi nhẹ dưới mốc tham chiếu.

Bước vào phiên giao dịch cuối tuần ngày 21/12, là thời điểm 2 quỹ ETF hoàn tất việc đảo danh mục và được dự báo sẽ gây nên những diễn biến khó lường cho nhà đầu tư, áp lực bán trở lại khá mạnh khiến sắc đỏ bao trùm và chỉ số VN-Index lùi về sát mốc 910 điểm.

Đà giảm càng nới rộng hơn trong đợt khớp lệnh liên tục khi gánh nặng ở các cổ phiếu lớn gia tăng mạnh hơn, đẩy VN-Index lùi về dưới ngưỡng kháng cự 910 điểm. Trên sàn HOSE, cố mã giảm đã gấp hơn 2 lần số mã tăng, đáng kể, top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất đều mất điểm.

Trong đó, trụ cột VNM có phiên giảm khá mạnh thứ 5 liên tiếp, với mức giảm hơn 2,6%, tạm đứng tại mức giá 122.900 đồng/CP, đang là mã tác động mạnh nhất tới chỉ số chung của thị trường.

Ở nhóm VN30, KDC đang dẫn đầu tăng khá nhưng giao dịch khá nhỏ giọt. Một trong những nguyên nhân giúp KDC khởi sắc là do thông tin nới room ngoại lên 100%. Hiện KDC tăng 2,1% lên 24.000 đồng/CP với khối lượng khớp chỉ 18.510 đơn vị.

Sau khoảng 90 phút giao dịch, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã dần lấy lại thăng bằng với một số mã như CTG, STB, VPB khởi sắc nhưng đà tăng khá hạn chế khiến VN-Index chưa thể hồi phục và diễn biến giằng co nhẹ quanh mốc 910 điểm.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 82 mã tăng và 187 mã giảm, chỉ số VN-Index giảm 5,9 điểm (-0,64%) xuống 912,34 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 99,6 triệu đơn vị, giá trị 2.324,15 tỷ đồng, tăng 43,52% về lượng và 46,86% về giá trị so với phiên sáng qua. Giao dịch thỏa thuận đạt 41,7 triệu đơn vị, giá trị 1.121,79 tỷ đồng, trong đó riêng TCB thỏa thuận 25,69 triệu đơn vị, giá trị hơn 655,7 tỷ đồng; VPB thỏa thuận 5,8 triệu đơn vị, giá trị 125,86 tỷ đồng.

Một số mã lớn đã đảo chiều hồi phục hoặc hồi phục khá tốt, giúp đà giảm thị trường được thu hẹp chút ít như CTG tăng 3,2% lên 20.850 đồng/CP, BID tăng nhẹ 0,1% lên 34.000 đồng/CP, PLX tăng 0,9% lên 56.400 đồng/CP, VPB tăng 1% lên 20.500 đồng/CP.

Tuy nhiên, cặp đôi VNM và GAS vẫn đóng vai trò là lực hãm chính với mức giảm tương ứng 2,5% xuống 123.000 đồng/CP và giảm 1,6% xuống 92.000 đồng/CP.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, sau thông tin Tổng giám đốc đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu, DLG đã khởi sắc sau 8 phiên giảm và có lúc tăng trần. Hiện DLG tăng 6,1% lên 1.730 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh dẫn đầu sàn đạt 3,47 triệu đơn vị.

Tương tự, đà giảm trên sàn HNX cũng có phần thu hẹp. Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,46 điểm (-0,44%) xuống 104,07 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 16,7 triệu đơn vị, giá trị 232,12 tỷ đồng, tăng 41,17% về lượng và 24,64% về giá trị so với phiên sáng qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,88 triệu đơn vị, giá trị 54,75 tỷ đồng.

Đáng chú ý, 2 mã lớn bất động sản là VCG và VGC đã đảo chiều hồi phục, trong đó VCG tăng 3,7% lên 25.000 đồng/CP với khối lượng khớp dẫn đầu sàn HNX đạt 2,85 triệu đơn vị; còn VGC tăng 1,68% lên 18.200 đồng/CP và khớp 1,85 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, SHB đã có thời điểm khởi sắc, tuy nhiên chốt phiên tại mốc tham chiếu 7.500 đồng/CP và khớp 2,47 triệu đơn vị; còn ACB giảm 0,7% xuống 29.400 đồng/CP và NVB giảm 4,5% xuống 8.400 đồng/CP.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục