Trong phiên giao dịch hôm qua, dù có đôi chút khăn đầu phiên sáng, nhưng với đà tăng trở lại của VNM, GAS, cùng sự khởi sắc của cặp đôi VIC và VRE, đã giúp VN-Index chính thức vượt qua ngưỡng 900 điểm.
Ngoài các mã trên, thị trường còn được trợ lực bởi nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn như SAB, VCB, CTG, MSN… Bênh cạnh đó là sự hỗ trợ đến từ PLX, MBB, FPT, SSI, MWG, DPM, BHN… Trong khi chỉ có BVH, VPB, NVL, HBC, HPG, HSG cản bước tiến.
Theo FPTS, thống kê giá trị giao dịch cho thấy, dòng tiền vẫn đang tập trung ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và là động lực chính trong việc duy trì xu hướng tăng ngắn hạn.
Hầu hết các tín hiệu kỹ thuật chỉ báo đều đang ở trạng thái tích cực, nhưng chỉ duy nhất có Stochastic oscillator chững lại và đi ngang ở gần mức giá trị cực đại.
Điều này hàm ý rằng xu hướng giá lên vẫn duy trì, nhưng có thể sẽ xen kẽ với những phiên hiệu chỉnh kỹ thuật.
Bước vào phiên giao dịch sáng nay (21/11), không hề có chút khó khăn nào, VN-Index tăng vọt gần 19 điểm chỉ sau hơn 50 phút giao dịch, vượt qua ngưỡng 920 điểm.
VN-Index tăng mạnh không chút khó khăn trong phiên sáng nay là do không có lực cản đủ mạnh. Tất cả 10 mã vốn hóa lớn nhất thị trường đều tăng mạnh, trong đó VIC và VRE có lúc tiếp tục lên trần. Còn tính trong top 20 mã có vốn hóa lớn nhất thị trường, chỉ có VPB, FPT và NVL giảm nhẹ, còn lại đều tăng giá.
VIC và VRE tiếp tục nóng ngay từ đầu phiên khi được kéo lên mức giá trần khá sớm. Tuy nhiên, áp lực ngắn hạn cũng gia tăng mạnh, khiến cả 2 không giữ được sắc tím. Hiện VRE được khớp hơn 6 triệu đơn vị và giao dịch gần mức trần, còn VIC khớp gần 1 triệu đơn vị và đẩy lùi khá xa so với mức trần.
Trong nhóm cổ phiếu thị trường, OGC tiếp tục nổi sóng lớn khi lên mức trần 2.350 đồng với hơn 7 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua giá trần. Đây là phiên tăng trần thứ 5 liên tiếp của OGC.
Trong khi đó, các mã khác như FLC, HQC, HAI... khá lặng sóng với biên độ giá hẹp và thanh khoản thấp.
Nhóm cổ phiếu trụ đỡ và lực kéo quen thuộc tiếp tục nâng VN-Index bay cao trong phiên sáng nay, thậm chí đã có lúc tăng hơn 23 điểm. Sau đó, đà tăng của VN-Index có hãm lại đôi chút do áp lực chốt lời, nhưng chỉ số này vẫn có một phiên thăng hoa.
Cụ thể, chốt phiên sáng, VN-Index tăng 18,87 điểm (2,09%), lên 922,42 điểm với 105 mã tăng và 153 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 127,82 triệu đơn vị, giá trị 3.318,87 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 4,57 triệu đơn vị, giá trị 97,73 tỷ đồng.
VN-Index tăng mạnh bất chấp số mã giảm chiếm ưu thế nhờ nhận được sự hỗ trợ từ các mã lớn. Cụ thể, như đã đề cập ở trên, tất cả 10 mã vốn hóa lớn nhất thị trường đều tăng mạnh, trong đó VIC và VRE có lúc tiếp tục lên trần. Còn tính trong top 20 mã có vốn hóa lớn nhất thị trường, chỉ có VPB, FPT và NVL giảm nhẹ, còn lại đều tăng giá.
Trong đó, VNM tăng 3,7% lên 193.900 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh hơn 700.000 đơn vị. VIC tăng 2,88% lên 78.500 đồng/cổ phiếu và khớp 1,79 triệu đơn vị. Cổ phiếu này bị chốt lời khá mạnh sáng nay sau khi được kéo lên mức giá trần 81.600 đồng.
Trong khi đó, dù cũng có lực cung mạnh, nhưng VRE vẫn có lực cầu tốt, giúp mã này giữ được mức trần 51.000 đồng/cổ phiếu và khớp hơn 7,93 triệu đơn vị, đứng thứ 3 thanh khoản toàn sàn HOSE.
Một mã lớn khác là SAB cũng tăng mạnh, có thời điểm đã tăng mạnh lên 299.000 đồng/cổ phiếu sát mức giá trần, trước khi chốt phiên tăng 4,4%, lên 293.000 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu SAB tăng mạnh sau khi Bộ Công Thương chỉ đạo bộ phận đại diện vốn nhà nước tại Sabeco giới thiệu cơ hội tìm kiếm đầu tư (roadshow) cho các nhà đầu tư nước ngoài tại hai thị trường lớn là Singapore và Vương quốc Anh.
Theo đó, roadshow tại Singapore sẽ bắt đầu từ 8h sáng ngày 24/11/2017. Còn tại thị trường London – Anh, sự kiện sẽ diễn ra từ 8h ngày 27/11/2017.
Trong top 10 còn có các mã khác tăng như VCB tăng 3,78%, lên 46.700 đồng/cổ phiếu và khớp 2,52 triệu đơn vị; CTG tăng 2,64% lên 21.350 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh 3,77 triệu đơn vị (đồng thời thanh khoản cũng cao nhất VN30); BID tăng 1,04% lên 14.250 đồng/cổ phiếu và khớp hơn 1,26 triệu đơn vị; ROS tăng 0,61%, lên 182.500 đồng với 601.480 đơn vị được khớp; PLX tăng 4,53% lên 60.000 đồng/cổ phiếu và khớp hơn 680.000 đơn vị.
Dù sức cản không lớn, nhưng các cổ phiếu như HSG, FPT, PVD, STB, CII… với mức giảm chỉ từ 0,2% đến 0,6%, cũng phần nào hãm bớt đà tăng của VN-Index.
Trong nhóm cổ phiếu thị trường, sự phân hóa diễn ra khá rõ. Trong đó, FLC, HQC, OGC, IDI, HHS, HVG, SCR tăng và có thanh khoản cao, còn lại đa số chìm trong sắc đỏ hoặc đứng tham chiếu như ITA, HTT, HAI, FIT… và thanh khoản kém xa nhóm tăng điểm.
Trong đó, FLC vươn lên dẫn đầu với hơn 13,78 triệu đơn vị được khớp, chốt phiên tăng 3% lên 6.500 đồng/cổ phiếu. OGC tăng 2,7% lên 2.260 đồng/cổ phiếu và khớp lệnh đứng sau FLC với 8,67 triệu đơn vị….
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index rung lắc mạnh do chịu ảnh hưởng tương tự từ các cổ phiếu có thanh khoản cao trên sàn như SHB, PVS, VCG, KLF, CEO.
Chốt phiên sáng, HNX-Index giảm nhẹ 0,16 điểm (-0,25%), xuống 107,95 điểm với 42 mã tăng và 82 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt 28,82 triệu đơn vị, giá trị 378,37 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận không đáng kể với hơn 186.000 đơn vị, giá trị 3,17 tỷ đồng.
Trong các mã lớn, ACB giảm 0,61%, xuống 32.600 đồng với 732.787 đơn vị được khớp; VCS giảm 0,22%, xuống 222.700 đồng với 102.855 đơn vị được khớp.
SHB thoát tham chiếu, tăng nhẹ 1,2% lên 8.200 đồng/cổ phiếu và khớp 4,9 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn. PVS ngược lại, bị đẩy ngược về tham chiếu 17.100 đồng/cổ phiếu và khớp lệnh đứng chỉ sau SHB với hơn 4,24 triệu đơn vị.
VCG duy trì đà tăng, chốt phiên cộng thêm 2,4% lên 25.600 đồng/cổ phiếu và khớp 2,45 triệu đơn vị.
Trong các mã có thanh khoản tốt khác, KLF giảm 2,8% xuống 3.500 đồng, khớp 2,21 triêu đơn và CEO giảm 1%, xuống 10.400 đồng, khớp 1,71 triệu đơn vị.
Trên sàn UpCoM, diễn biến của thị trường dường như không có nhiều điểm đáng chú ý, khi dòng tiền hầu hết đã đổ vào HOSE.
Chốt phiên sáng, UPCoM-Index tăng 0,16 điểm (+0,30%), lên 53,48 điểm với 6,07 triệu đơn vị được khớp, giá trị 108,85 tỷ đồng. Trong khi đó, giao dịch thỏa thuận có hơn 1,89 triệu đơn vị, giá trị tới 29,6 tỷ đồng.
Trong đó, cổ phiếu GEX có thanh khoản tốt nhất cũng chưa đến 1 triệu đơn vị, chốt phiên tăng 3,7% lên 22.500 đồng/cổ phiếu.
SBS và QPH cũng có được sắc xanh nhạt và khớp lần lượt hơn 700.000 và 490.000 đơn vị.
Các mã giảm có một số cái tên quen thuộc như LPB, DVN, HVN, ATB…