Phiên sáng 21/11: BID hồi phục hãm đà rơi của thị trường

(ĐTCK) Giảm sâu theo chứng khoán thế giới ngay khi mở cửa, nhưng đà rơi của VN-Index sau đó đã được hãm lại nhờ sự hồi phục của một số mã bluechip, đặc biệt là BID.
Phiên sáng 21/11: BID hồi phục hãm đà rơi của thị trường

Trong phiên hôm qua, thị trường chịu áp lực khá lớn trong phần lớn thời gian giao dịch, do nhà đầu tư thận trọng và ảnh hưởng từ đà giảm mạnh của chứng khoán thế giới.

Tuy nhiên, với việc nhiều cổ phiếu lớn phục hồi, trong đó đầu tàu VHM dẫn dắt đã giúp VN-Index giữ được sắc xanh khi kết phiên.

Theo MBS, vùng đáy cũ vẫn đang có tác dụng hỗ trợ tốt và thị trường đang đi ngang phân hóa tại đây. Nhiều cổ phiếu đang có nhiều hơn dấu hiệu tạo đáy ngắn hạn, hoặc ít nhất là nếu giảm thêm cũng không nhiều.

Trong kịch tích cực, thì thị trường tiếp tục tích lũy đi ngang với thanh khoản trung bình và kéo dài thêm thời gian, đồng thời không có phản ứng sốc với diễn biến xấu bên ngoài.

Bước vào phiên giao dịch sáng nay 21/11, VN-Index đổ đèo ngay khi mở cửa do tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng từ phố Wall diễn biến tiêu cực đêm qua với phiên thứ 2 liên tiếp bị bán tháo khá mạnh, và chung nhịp đi xuống cùng một số thị trường chứng khoán châu Á khác.

Tuy nhiên, ngay khi thủng ngưỡng 910 điểm và đi ngang trong trong khoảng 30 phút tiếp theo, chỉ số đã có dấu hiệu hồi phục dần khi lực mua bắt đáy nhập cuộc, nhưng do còn khá yếu nên chưa thể đưa chỉ số trở lại tham chiếu sau hơn 1 giờ giao dịch.

Nhìn chung diễn biến của các cổ phiếu không có quá nhiều điểm đáng chú ý, khi đa số các mã cổ phiếu vốn hóa lớn, bluechip chỉ giảm nhẹ không đáng kể, trừ ROS đang mất hơn 3% cùng một vài mã ngân hàng đang có dấu hiệu nới rộng đà giảm như VPB, HDB, CTG, trong khi các mã tăng cũng chỉ với biên độ thấp.

Thanh khoản tốt nhất HOSE đang thuộc về AAA với gần 2,5 triệu đơn vị được khớp lệnh, có lẽ phiên tăng trần bất ngờ hôm qua của mã này đã khiến dòng tiền tham lam nhập cuộc.

Sau khi cố gắng phục hồi nhưng với lực cầu yếu, VN-Index chỉ có thể đi ngang cho đến hết phiên, nhưng điểm tích cực là thanh khoản được duy trì khá tốt.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 84 mã tăng và 163 mã giảm, VN-Index giảm 5,26 điểm (-0,57%), xuống 913,76 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 82,3 triệu đơn vị, giá trị 2.218,44 tỷ đồng, tương đương về khối lượng và tăng nhẹ 7% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 23,4 triệu đơn vị, giá trị 987,7 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, bluechip vẫn tiếp diễn lình xình, tăng/giảm với biên độ thấp.

Ngoại trừ GAS -2,1% xuống 94.100 đồng; SAB -1,9% xuống 239.000 đồng; ROS -3,7% xuống 35.200 đồng và một số mã ngân hàng như HDB -2,5% xuống 29.700 đồng; VPB -1,8% xuống 21.400 đồng, cùng BVH -1,6% xuống 93.200 đồng; NVL -1,9% xuống 67.900 đồng, hay như CII -2% xuống 26.450 đồng. Còn lại VHM -0,13%; VCB -0,74%; MSN -1%; PLX -1%...

Các mã tăng có BID +1,1% lên 32.050 đồng; CTD +1,1% lên 152.600 đồng; BMP +1,6% lên 56.000 đồng; REE +1,8% lên 31.700 đồng, còn lại chỉ có sắc xanh nhạt như KDC, VRE, HPG, DPM...

Cổ phiếu lớn nhất thị trường VIC đã hồi phục, nhưng cũng chỉ kịp lên đứng ở mức tham chiếu 97.200 đồng.

Khớp lệnh cao nhất nhóm là HPG với hơn 2,24 triệu đơn vị; VPB có 2,15 triệu đơn vị; SBT, MBB, STB, CTG có từ hơn 1 triệu đến 1,58 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ đáng chú ý vẫn là AAA, khi tăng 2% lên 15.100 đồng, khớp lệnh đứng thứ 2 sàn HOSE với 2,6 triệu đơn vị.

Khớp lệnh cao nhất là FLC với hơn 3,22 triệu đơn vị, nhưng FLC giảm 1,9% xuống 5.280 đồng.

Các mã khác đáng kể là OGC +2,3% lên 3.450 đồng, khớp 2,4 triệu đơn vị; KSH đánh mất sắc tím, nhưng chốt phiên vẫn +5,6% lên 1.710 đồng, khớp hơn 1 triệu đơn vị.

Trong khi đó, CMX gặp áp lực chốt lời mạnh, giảm sàn -6,8% xuống 16.450 đồng, khớp gần 450.000 đơn vị.

Một số cổ phiếu khác trên bảng điện tử thu hút nhà đầu tư như HAX +5,2%; SKG +5%; FTS +4,7%; SFG +4,4%;  FMC +3,5%; BFC +3,4%...

Trên sàn HNX, diễn biến tương đồng trên HOSE, khi chỉ số HNX-Index lao dốc ngay khi mở cửa, và sau đó hồi dần, nhưng cũng chỉ với lực cầu thấp đã khiến chỉ số chỉ lình xình, giằng co nhẹ dưới vùng giá thấp cho đến hết phiên.

Số mã giảm chiếm áp đảo với ACB -0,7% xuống 28.700 đồng; NVB -1,9% xuống 10.100 đồng; PVS -1% xuống 19.800 đồng; PVB -2,2% xuống 17.800 đồng; CEO -0,8% xuống 12.800 đồng; NDN -3,4% xuống 11.400 đồng; VC3 -0,5% xuống 18.200 đồng; và PHP giảm mạnh 9% xuống 11.100 đồng…

Ngược lại, gần như chỉ còn VCS làm đối trọng, khi +2,7% lên 75.400 đồng cùng VCG +1,1% lên 18.500 đồng và VGC +0,6% lên 15.800 đồng.

Khá nhiều mã đứng giá tham chiếu là SHB, HUT, TNG, SHS, MBS, PVI, PLC…

Khớp lệnh PVS cao nhất sàn với hơn 2,88 triệu đơn vị; VCG có 2,32 triệu đơn vị; ACB có 1,2 triệu đơn vị; SHB có 1,1 triệu đơn vị.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 32 mã tăng và 59 mã giảm, HNX-Index giảm 0,44 điểm (-0,42%), xuống 103,47 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 17,5 triệu đơn vị, giá trị 236,52 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận không đáng kể.

Trên UpCoM, diễn biến tương tự 2 sàn với chỉ số UpCoM-Index lao dốc từ sớm, chạm đáy và đi ngang trong suốt thời gian còn lại của phiên.

Các mã tăng lác đác có MPC +1,5%; NTC +1%; ACV +0,5%, cùng nhóm VGT, LPB, GVR, MCH đứng tham chiếu, còn lại đều chìm trong sắc đỏ.

Cổ phiếu CEN tiếp diễn chuỗi lao dốc không phanh, giảm sàn -14,6% xuống 17.800 đồng, nếu không có thay đổi thì đây sẽ là phiên thứ 6 liên tiếp giảm mạnh của cổ phiếu này, với 3 phiên giảm sàn.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,36 điểm (-0,69%), xuống 51,7 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 3,87 triệu đơn vị, giá trị 76,8 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận cũng không đáng kể.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục