Phiên sáng 2/10: Dòng tiền rút lui, VN-Index vất vả gượng dậy

(ĐTCK) Sau phiên lao dốc bất ngờ cuối tuần trước, VN-Index nỗ lực phục hồi trở lại trong phiên giao dịch đầu tuần mới, cũng là phiên đầu tháng 10, nhưng do dòng tiền chủ yếu rút ra và đứng ngoài nhìn khiến VN-Index gặp nhiều khó khă, thanh khoản èo uột.
Phiên sáng 2/10: Dòng tiền rút lui, VN-Index vất vả gượng dậy

Trong phiên giao dịch cuối tuần trước, VN-Index có đà tăng khá tốt trong phiên sáng và những phút đầu phiên chiều. Tuy nhiên, lực cung gia tăng sau đó khiến dần hạ nhiệt, giao dịch lình xình trên ngưỡng 806 điểm.

Tưởng chừng thị trường sẽ giữ được sắc xanh nhẹ khi chốt phiên giao dịch cuối cùng của quý III, thì bất ngờ lực cung gia tăng mạnh trong đợt ATC, khiến VN-Index lao mạnh cuối phiên, đóng cửa trong sắc đỏ, cũng là mức điểm thấp nhất ngày 804,42 điểm. Qua đó, khiến VN-Index đảo chiều giảm trong tuần trước.

Dù đóng cửa giảm điểm trong tuần giao dịch cuối tháng 9, nhưng VN-Index vẫn tăng 2,77% trong tháng cuối của quý III và nếu tính trong quý III, VN-Index tăng 3,60%.

Trong khi đó, HNX-Index lại có phiên hồi phục tốt cuối tuần trước sau 2 phiên giảm trước đó. Chốt tuần, chỉ số này tăng nhẹ 1,07%, trong tháng 9 tăng 3,64% và trong quý III tăng tới 8,59%.

Nhận định về diễn biến thị trường trong tuần này, cũng như trong tháng 10, nhiều khuyến nghị của các chuyên gia chứng khoán, cũng như từ các công ty chứng khoán đều cho rằng, thị trường cần thêm thời gian điều chỉnh và khuyến nghị nhà đầu tư đứng ngoài quan sát, chờ đợi chỉ báo dòng tiền đảo chiều.

Chính vì vậy, thị trường bước vào phiên giao dịch sáng nay với sự thận trọng rất lớn từ nhà đầu tư. Dòng tiền chỉ đứng ngoài quan sát, khiến thanh khoản thị trường trên cả 2 sàn èo uột.

Trong đó, nhờ sự hỗ trợ của một số mã lớn như VCB, BID, CTG, GAS, ROS, BHN, VJC, HPG, VN-Index đã lấy lại được sắc xanh, nhưng đà tăng khá khiêm tốn. Trong khi đó, HNX-Index dù rất nỗ lực, nhưng không thể duy trì được đà tăng khi quay đầu mất điểm đáng tiếc trong ít phút cuối phiên do ACB đảo chiều giảm giá.

Cụ thể, chốt phiên giao dịch sáng nay, VN-Index tăng 0,63 điểm (+0,08%), lên 805,05 điểm với 120 mã tăng và 124 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch chỉ đạt 57,35 triệu đơn vị, giá trị 1.239,5 tỷ đồng, giảm 25,5% về khối lượng và giảm 24,2% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 5,81 triệu đơn vị, giá trị 113 tỷ đồng.

HNX-Index giảm 0,03 điểm (-0,03%), xuống 107,62 điểm với 62 mã tăng và 70 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 28,46 triệu đơn vị, giá trị 260,7 tỷ đông, giảm 35,58% về khối lượng và giảm 22,79% về giá trị so với phiên trước. Giao dịch sáng nay cũng rất khiêm tốn, giao dịch không đáng kể.

Như đã đề cập, đà tăng trở lại của VN-Index nhờ một số mã lớn, trong đó ấn tượng là BHN tiếp tục duy trì đà tăng trần lên 133.400 đồng, nhưng thanh khoản thấp, chỉ 41.650 đơn vị được khớp, còn dư mua giá trần không lớn.

3 cổ phiếu lớn nhất nhóm ngân hàng là VCB, BID và CTG cũng có sắc xanh nhạt với mức tăng lần lượt là 0,66%, 0,77% và 0,54%.

GAS tăng 0,87%, ROS cũng hồi phục 0,56% sau tuần giảm mạnh trước đó. Ngoài ra, còn phải kể đến HPG, MWG, DPM, PVD, NVL.

Trong khi đó, sắc đỏ cũng có sự đóng góp của các mã lớn như SAB giảm 0,77%, MSN giảm 0,73%, VIC giảm 0,59%, BVH giảm 1,27%, PLX giảm 0,63%..., còn VNM đứng ở mức tham chiếu.

Trong nhóm cổ phiếu thị trường, FIT bị bán mạnh giảm xuống mức sàn 8.260 đồng với 3,58 triệu đơn vị. Dù lượng khớp không lớn, nhưng FIT vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất sàn HOSE trong phiên sáng nay.

HAI cũng có lúc bị đẩy xuống mức sàn 7.610 đồng trước khi đóng cửa ở mức 7.780 đồng, giảm 4,89% với hơn 2,1 triệu đơn vị được khớp.

Tương tự, HAR cũng có lúc giảm về mức sàn 11.300 đồng trước khi đóng cửa ở mức 11.700 đồng, giảm 3,7% với 608.120 đơn vị được khớp.

Các mã khác như HQC, FLC, OGC, HNG, TSC, HAR cũng giảm nhẹ với thanh khoản không mạnh như thường ngày.

Trên HNX, ACB, VCG giảm nhẹ một bước gía khiến HNX-Index không giữ được sắc xanh, trong khi VGC tăng 0,88%, lên 23.000 đồng. Thanh khoản các mã này cũng khá èo uột trong phiên sáng nay.

Trong nhóm thị trường, KLF dù mở cửa trong sắc xanh, lên sát mức trần, nhưng đóng cửa tiếp tục giảm 5,26%, xuống 3.600 đồng, thấp hơn mức giá 3.700 đồng thời điểm bắt đầu đợt sóng vừa qua. Như vậy, KLF đã trả lại hết những gì đã có được trong đợt sóng này, thậm chí còn thiệt hại hơn. Chốt phiên sáng nay, KLF được khớp 5,38 triệu đơn vị, cao nhất sàn HNX.

PVX lại bị giảm sàn xuống 2.500 đồng với hơn 4 triệu đơn vị được khớp sau thông tin Tổng giám đốc bị bắt giam cuối tuần trước.

SHB và PVS đều đứng ở mức tham chiếu và có thanh khoản đứng ở các vị trí tiếp theo.

Ở các mã khác, SPI sau thông tin đầu tư 20% để sở hữu 4% Công ty TNHH Thép Việt Đức Đông Anh, đã tăng mạnh 7,41%, lên 5.800 đồng trong phiên sáng nay. Có thời điểm, mã này đã được khớp ở mức trần 5.900 đồng. Dù vậy, trong phiên thỏa thuận SPI lại được chuyển nhượng ở mức sàn 4.900 đồng.

Trên sàn UPCoM, sau ít phút tăng đầu phiên, UPCoM-Index đã quay đầu giảm trong phần lớn thời gian còn lại của phiên sáng. Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,21 điểm (-0,39%), xuống 54,18 điểm với 2,63 triệu đơn vị được khớp, giá trị 70 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 140.003 đơn vị, giá trị 7,98 tỷ đồng.

Trong phiên sáng nay, GEX và HVN là 2 mã có thanh khoản tốt nhất sàn UPCoM với hơn 500.000 đơn vị được khớp, cả 2 đóng cửa tăng với mức tăng lần lượt là 3,21% lên 22.500 đồng và 5,54% lên 26.700 đồng.

Trong khi đó, ART tiếp tục giảm 5,08%, xuống 18.700 đồng với 238.300 đơn vị được khớp, đứng thứ 3 về thanh khoản.

Mã có mức tăng tốt nhất là SMB với mức tăng trần, lên 33.400 đồng, tổng khớp 128.700 đơn vị.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục