Phiên sáng 20/1: Dùng trụ đỡ chỉ số

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lệnh bán vẫn rất mạnh và sắc đỏ chiếm thế áp đảo, nhưng VN-Index chốt phiên sáng nay (20/1) không giảm nhiều nhờ các trụ được kéo tăng.
Phiên sáng 20/1: Dùng trụ đỡ chỉ số

Chuỗi tăng điểm ấn tượng của thị trường trong thời gian qua với việc VN-Index phá hết đỉnh này đến đỉnh khác, thậm chí mức đỉnh lịch sử 1.204,33 điểm cũng chỉ nằm trong tầm tay khiến nhiều nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư F0 chủ quan.

Tâm lý “bán là thua, mua là thắng” khiến nhiều người có tâm lý sợ mất hàng khi bán ra. Thực tế, trong thời gian qua, nhiều nhà đầu chốt lãi sớm đã không khỏi tiếc nuối khi cổ phiếu vừa bán ra tiếp tục tăng mạnh.

Diễn biến thị trường đã khiến nhiều nhà đầu tư chủ quan, xuất hiện tâm lý coi thường phân tích và kinh nghiệm, như “Mấy thể loại kinh phân tích kỹ thuật hay kinh nghiệm bao năm giờ đây vứt vào sọt rác hết. Công thức thành công năm 2021 chỉ đơn giản là 3 Đ: Đần - Đui - Điếc”.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư F0 đã lần đầu tiên nếm trải sóng gió của thị trường chứng khoán trong phiên lao dốc ngày 19/1. Lệnh bán tháo ồ ạt đã khiến VN-Index mất tới hơn 74 điểm trong phiên sáng, với hàng trăm mã giảm sàn. Trong phiên chiều, nhờ lệnh gom hàng giá thấp và hệ thống nghẽn mạng, đà giảm của VN-Index đã được thu hẹp.

Tưởng chừng phiên giao dịch ngày 19/1 sẽ giúp nhiều nhà đầu tư rút ra được bài học cho riêng mình, nhưng 1 phiên lao dốc là chưa đủ.

Mở cửa phiên sáng nay, lệnh mua giá cao được đưa vào từ rất sớm, giúp hàng loạt cổ phiếu hồi phục khá mạnh như FLC, ROS, ITA, TCH, STB… Điều này tạo tâm lý tiếc nuối bị mất hàng cho nhà đầu tư đã bán trong phiên hôm qua và xuống tiền cover lại hàng, giúp VN-Index tăng mạnh khi mở cửa.

Tuy nhiên, dường như đây chỉ là cái bẫy. Ngay khi VN-Index vượt qua 1.140 điểm, lệnh bán chuẩn bị sẵn đang nhanh chóng được tung vào, khiến hàng loạt mã nhanh chóng quay đầu giảm, thậm chí về thẳng mức sàn như HQC, ITA, STB, PVD, HAG, HNG, TCH, FLC… Qua đó, kéo VN-Index lao thẳng đứng mất hơn 44 điểm, từ mức tăng hơn 11 điểm xuống giảm gần 33 điểm, xuống dưới mốc 1.100 điểm.

Ngay khi xuyên thủng ngưỡng 1.100 điểm, nhiều mã trụ đã được kéo tăng, giúp VN-Index bật trở lại mạnh như lúc giảm xuống, vượt qua tham chiếu. Điều này giúp tâm lý nhà đầu tư cải thiện hơn và kích thích lực cầu bắt đáy diễn ra ở nhiều mã, qua đó góp phần giúp số mã giảm bớt đi, nhất là số mã giảm sàn, chỉ còn 10 mã.

Dù VN-Index đã thoát khỏi phiên giảm sâu thứ 2 liên tiếp, nhưng chỉ là phiên xanh vỏ đỏ lòng. Các mã trụ như VCB, VIC, VHM, VNM, GAS đã được sử dụng để giữ thị trường, dù thanh khoản không quá lớn.

Chốt phiên, VN-Index giảm nhẹ 0,64 điểm (-0,06%), xuống 1.130,36 điểm với 151 mã tăng và 297 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 728,3 triệu đơn vị, giá trị 14.833,7 tỷ đồng, giảm 12% về khối lượng và 8% về giá trị so với phiên giao dịch sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 15,9 triệu đơn vị, giá trị 380 tỷ đồng.

Trong Top 6 mã vốn hóa lớn nhất thị trường, chỉ có BID giảm nhẹ 0,11%, còn lại đều tăng. Trong đó, VCB tăng 1,01% lên 100.000 đồng, khớp 1,83 triệu đơn vị; VIC tăng 1,56% lên 104.300 đồng, khớp 1,57 triệu đơn vị; VHM tăng 1,03% lên 97.800 đồng, khớp 3 triệu đơn vị; VNM tăng 0,93% lên 108.700 đồng, khớp 2,88 triệu đơn vị; GAS tăng 1,29% lên 86.100 đồng, khớp chưa tới 1 triệu đơn vị.

Ngoài ra, còn phải kể đến TCB tăng 0,29% lên 34.000 đồng, khớp 22,4 triệu đơn vị; NVL tăng mạnh 5,2% lên 72.800 đồng, khớp 2,76 triệu đơn vị; VJC tăng 1,56% lên 129.900 đồng, khớp hơn nửa triệu đơn vị; PLX tăng 1,51% lên 53.800 đồng, khớp 1,23 triệu đơn vị; FPT tăng 1,77% lên 63.100 đồng, khớp 3,2 triệu đơn vị.

Trong khi đó, các mã giảm cũng nhẹ hơn hôm qua rất nhiều khi giảm mạnh nhất là GVR chỉ mất 3,63% xuống 30.550 đồng; khớp 4,87 triệu đơn vị; VRE giảm 2,82% xuống 36.250 đồng, khớp hơn 6 triệu đơn vị…, các mã khác chỉ giảm nhẹ.

Trong các mã bluechip, HPG có thanh khoản tốt nhất với gần 33 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 0,6% xuống 41.350 đồng. Tiếp đến là STB khớp gần 30 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,3% xuống 18.950 đồng.

Trong nhóm cổ phiếu nhỏ, lực cầu bắt đáy giúp nhiều mã thoát mức sàn, thậm chí đảo chiều tăng. Trong đó, HQC khớp 38,2 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 5,3% xuống 2.680 đồng; FL khớp gần 29 triệu đơn vị, đóng cửa giảm nhẹ 0,2% xuống 5.270 đồng; ITA giảm 3,5% xuống 7.690 đồng, khớp hơn 20 triệu đơn vị; HAG giảm 4,6% xuống 5.590 đồng, khớp 19,7 triệu đơn vị; DLG giảm 2,4% xuống 2.020 đồng, khớp 14,9 triệu đơn vị…

Trong khi đó, ROS bất ngờ đảo chiều thành công khi đóng cửa tăng 1,6% lên 3.700 đồng, khớp 29,2 triệu đơn vị. KBC tăng 2,4% lên 37.700 đồng, khớp 10,8 triệu đơn vị.

Trên HNX, đồ thị diễn biến của HNX-Index cũng tương tự VN-Index, nhưng mức giảm lúc đảo chiều không sâu và chỉ số này đóng cửa với mức tăng khá tốt.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 3,97 điểm (+1,77%), lên 227,99 điểm với 49 mã tăng, trong khi có tới 127 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 122 triệu đơn vị, giá trị 1.498,3 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.

Điều đáng chú ý là dù số mã giảm chiếm ưu thế, trong đó các mã trụ lớn nhất đều giảm, nhưng HNX-Index lại đóng cửa tăng mạnh.

Cụ thể, cả 3 mã có vốn hóa lớn nhất sàn đều giảm từ hơn 2% đến hơn 3%, trong đó SHB giảm 2,37% xuống 16.500 đồng, khớp 26,5 triệu đơn vị. VCS giảm 3,14% xuống 83.300 đồng, khớp chỉ hơn 250.000 đơn vị. IDC giảm 2,35% xuống 41.500 đồng, khớp 2,67 triệu đơn vị.

Ngoài ra, còn có các mã PVI, SHS, PHP, NVB, NTP cũng giảm, trong đó SHS giảm 1,67% xuống 29.400 đồng, khớp 3,3 triệu đơn vị, NVB giảm 2,29% xuống 12.800 đồng, khớp 1,7 triệu đơn vị.

Tuy nhiên, HNX-Index có lẻ được cứu vớt nhờ THD đi ngược dòng với mức tăng kịch trần 10% lên 159.500 đồng, nhưng thanh khoản chỉ đì đẹt. Ngoài ra, DTK tăng 3,28% lên 12.600 đồng, khớp cũng chỉ hơn 10.000 đơn vị.

UPCoM cũng có lúc lao dốc mạnh theo HOSE, nhưng sau đó đã nhanh chóng hồi phục và thu hẹp đà giảm điểm khi chốt phiên.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,53 điểm (-0,69%), xuống 75,63 điểm với 86 mã tăng và 124 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 41,6 triệu đơn vị, giá trị 686 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,3 triệu đơn vị, giá trị 41 tỷ đồng.

Các mã có thanh khoản tốt nhất trên thị trường này đều đóng cửa giảm giá. Trong đó, BSR giảm 0,9% xuống 11.300 đồng, khớp 7,72 triệu đơn vị, SBS giảm 1,4% xuống 6.900 đồng, khớp 3 triệu đơn vị, AAS giảm 3,7% xuống 10.500 đồng, khớp 2,4 triệu đơn vị và KSH giảm 8,7% xuống 2.100 đồng, khớp 2,2 triệu đơn vị.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,205.61 0.0 0.0% 198,469 tỷ
HNX 227.87 0.0 0.0% 0 tỷ
UPCOM 88.37 0.0 0.0% 0 tỷ