Thị trường vừa đón nhận một tuần giao dịch khá tiêu cực với 5 phiên giảm điểm liên tiếp. Việc chưa quen với các quy chế giao dịch mới cùng áp lực bán mạnh của nhà đầu tư nước ngoài khi các quỹ ETF thực hiện việc tái cơ cấu danh mục trong kỳ đã khiến các cổ phiếu bluechip quay đầu giảm điểm mạnh, là tác nhân chính kéo thị trường đi xuống.
Không chỉ các phiên giảm điểm mạnh, giao dịch thị trường còn khá ảm đạm. Tâm lý thận trọng quan sát khiến dòng tiền tham gia hạn chế, thanh khoản thị trường qua các phiên đều suy giảm mạnh, ngoại trừ phiên giao dịch cuối tuần sôi động hơn nhờ yếu tố nhà đầu tư ngoại.
Bên cạnh việc phân tích và việc bảo lưu quan điểm ủng hộ cho các quy chế giao dịch mới, các chuyên gia chứng khoán tiếp tục đánh giá sự tác động của dòng vốn ngoại lên thị trường trong tuần mới. Dù vẫn cho rằng khối này kéo dài chuỗi ngày bán ròng nhưng nhiều nhà phân tích đã đánh giá tích cực về dòng vốn nội.
Theo ông Hoàng Thạch Lân, Chuyên gia chứng khoán đã nhận định, “nói chung vẫn còn nguy cơ khối ngoại bán ròng ở các mã lớn, nhưng tôi cho rằng lực cầu nội ở chính các mã này sẽ tăng lên, chủ yếu do tâm lý bắt đáy, và sẽ giúp cổ phiếu hồi giá kỹ thuật. Việc này sẽ tác động lan tỏa tích cực lên index và các cổ phiếu khác.”
Mặt khác, một trong những yếu tố lo ngại tác động mạnh tới thị trường chứng khoán toàn cầu nói chung và của Việt Nam nói riêng là khả năng FED tăng lãi suất. Theo kế hoạch, FED sẽ tăng lãi suất 2 lần trong năm 2016 nhưng đến nay, FED vẫn chưa thực hiện lần tăng lãi suất nào khiến áp lực tăng lãi suất của FED sẽ dần tăng trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, theo phân tích của giới chuyên gia chứng khoán, 3 thông số vĩ mô gần đây của Mỹ cho thấy khả năng FED sẽ tiến hành tăng lái suất trong tháng 9 này là không cao.
Với những phân tích trên, thị trường chứng khoán bước vào phiên đầu tuần khá tích cực. Dù áp lực bán của khối ngoại vẫn khá lớn nhưng cầu nội hấp thụ mạnh giúp các mã bluechip đua nhau đảo chiều khởi sắc. Đà tăng điểm đã lan rộng bảng điện tử giúp sắc xanh chiếm áp đảo, thị trường hồi phục khá mạnh ngay từ đầu phiên.
Kết thúc đợt 1, Vn-Index tăng 5,37 điểm (+0,82%) lên 656,68 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 3,75 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 65,13 tỷ đồng.
Sang đợt khớp lệnh liên tục, thị trường không có nhiều biến động, chỉ số Vn-Index vẫn duy trì trạng thái tăng khá tích cực nhờ lực đỡ chính đến từ các cổ phiếu bluechip.
“Ông lớn” VNM dù vẫn bị nhà đầu tư nước ngoài đẩy bán mạnh ngay từ đầu phiên nhưng sau 1 tuần giao dịch tiêu cực, cổ phiếu này đã khởi sắc và tăng mạnh. Đà tăng có phần hãm lại khi lực bán khối ngoại dâng cao, sau hơn 40 phút giao dịch, VNM chỉ còn tăng 0,7% lên 138.900 đồng/CP và khớp hơn nửa triệu đơn vị, khối ngoại bán ròng gần 0,1 triệu đơn vị.
Bên cạnh VNM, các mã lớn khác cũng tăng khá mạnh như MSN tăng 2,31%, VCB tăng 2,71%, BVH tăng 2,56%, HPG tăng 2,47%, KDC tăng 2,84%...
Ngoài VCB, các cổ phiếu khác trong nhóm ngân hàng như BID, CTG, STB, MBB cũng hồi phục nhẹ. Trên sàn HNX, SHB là điểm sáng khi tăng 4,35% và đã chuyển nhượng được hơn 1,24 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản trên sàn.
Trong nhóm cổ phiếu đáng chú ý thời gian vừa qua, thành viên mới nhất của sàn HOSE là ROS đã có dấu hiệu bị chốt lời sau chuỗi ngày dài từ khi chào sàn đến nay tăng trần. Hiện ROS đang giao động nhẹ quanh mức giá trần với lượng khớp hơn nửa triệu đơn vị.
Đà tăng lan mạnh và dâng cao của các trụ cột giúp Vn-Index có nhịp hồi phục mạnh đầu phiên, tiến tới đích ngắm 660 điểm. Tuy nhiên, sau gần nửa thời gian thăng hoa của phiên sáng, áp lực bán dâng cao, một số mã lớn như VNM, VIC, BID, MWG… khiến đà tăng dần thu hẹp, chỉ số VN-Index lình xình quanh ngưỡng 655 điểm.
Chốt phiên sáng, thị trường khá cân bằng khi sàn HOSE có mã 113 tăng và 106 mã giảm. Chỉ số VN-Index tăng 4,01 điểm (+0,62%) lên 655,32 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 52,87 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 1.222,66 tỷ đồng. VN30-Index tăng 6,57 điểm lên 645,94 điểm với 16 mã tăng, 9 mã giảm và 5 mã đứng giá.
Trong khi sàn HNX có 75 mã tăng và 74 mã giảm, chỉ số HNX-Index tăng 0,34 điểm (+0,42%) lên 82,7 điểm. Thanh khoản cũng tăng tích cực với tổng khối lượng giao dịch đạt 21,34 triệu đơn vị, trị giá 284,55 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 1,9 triệu đơn vị, trị giá hơn 45 tỷ đồng. HNX30-Index tăng 1,16 điểm lên 149,91 điểm với 12 mã tăng, 10 mã giảm và 8 mã đứng giá.
Các mã lớn đóng vai trò là lực đỡ chính của thị trường như MSN tăng 4,62%, VCB tăng 3,29%, HPG tăng 2,47%, BVH tăng hơn 2,9%... Trên sàn HNX có sự góp sức của các mã lớn như DBC tăng 4,66%, PVS tăng 2,09%, cùng đà tăng nhẹ của các mã NTP, HUT. SHB, CEO, AAA…
Trái với diễn biến tăng mạnh của mã đầu ngành VCB, các cổ phiếu khác trong nhóm ngân hàng lại giao dịch thiếu tích cực như BID quay đầu giảm điểm, MBB lùi về mốc tham chiếu.
Bên cạnh đó, “ông lớn” VNM sau thời gian tăng tích cực đầu phiên đã quay đầu giảm điểm trước áp lực bán của cả khối nội và ngoại. Với mức giảm 0,94%, VNM chốt phiên ở mức giá 136.700 đồng/CP và đã khớp 1,93 triệu đơn vị, khối ngoại bán ròng 0,44 triệu đơn vị. Đồng thời, mã lớn khác là VIC giảm 1,4%, MWG giảm 2,31%, cũng tác động thiếu tích cực đến thị trường.
Ở nhóm cổ phiếu mía đường phân hóa khá mạnh, trong khi các mã SLS, BHS và LSS tăng mạnh từ 3-4% thì SBT bị bán mạnh và đảo chiều giảm sâu, thậm chí có thời điểm giảm sàn. Chốt phiên, SBT giảm 4,25% xuống mức giá 30.400 đồng/CP với khối lượng khớp gần 1,6 triệu đơn vị và dư bán sàn hơn 40.000 đơn vị.
Cặp đôi HAG-HNG có diễn biến thiếu tích cực sau cuộc họp ĐHCĐ thường niên năm 2016 vừa diễn ra vào cuối tuần trước. Trong khi HAG lùi về mức giá tham chiếu và khớp gần 2 triệu đơn vị thì HNG giảm 6,89% xuống giá sàn 5.810 đồng/CP và khớp 1,3 triệu đơn vị.
Bên cạnh các mã lớn, thị trường còn đón nhận nhiều điểm sáng đến từ nhóm cổ phiếu đầu cơ. Lần lượt các mã FLC, KBC, ITA, GTN, HQC… đều tăng điểm, trong đó, đáng chú ý, FIT tăng hết biên độ với lượng khớp gần 0,85 triệu đơn vị và dư mua trần 0,42 triệu đơn vị. FLC vẫn duy trì vị trí dẫn đầu thanh khoản thị trường với 3,46 triệu đơn vị và đóng cửa ở mức giá 4.300 đồng/CP, tăng 2,87%.