Phiên sáng 18/8: Tiếp tục chìm trong sắc đỏ

(ĐTCK) Áp lực bán vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm khiến thị trường tiếp tục chìm trong sắc đỏ, các chỉ số tiếp tục có phiên giảm điểm, dù đà giảm không còn mạnh như phiên trước.
Phiên sáng 18/8: Tiếp tục chìm trong sắc đỏ

Dù tâm lý nhà đầu tư vẫn rất thận trọng nhưng sức ép lên thị trường đã không còn mạnh như hôm trước khiến VN-Index chỉ rung lắc nhẹ trong phiên sáng qua. Tuy nhiên, bất ngờ đã xẩy ra trong phiên chiều.

Nhịp hồi phục khá tích cực trong nửa đầu phiên đã giúp nhà đầu tư kỳ vọng về khả năng tăng điểm của thị trường, tuy nhiên áp lực bán bất ngờ tăng vọt về cuối phiên. Bất chấp diễn biến tăng khá tốt ở cặp đôi lớn nhất thị trường là VNM và SAB, việc nhà đầu tư đồng loạt xả hàng trên diện rộng khiến VN-Index quay đầu lao dốc, rơi xuống mốc thấp nhất ngày.

Tâm điểm đáng chú ý trong phiên hôm qua là giao dịch nhà đầu tư nước ngoài. Sau phiên mua ròng đột biến PGD trong tháng 7, khối này đã tiếp tục tạo kỷ lục trong phiên hôm qua với việc mua ròng mạnh tới hơn 1.400 tỷ đồng cổ phiếu mới VPB, góp phần đẩy thanh khoản thị trường tăng vọt.

Với diễn biến trên, một số công ty chứng khoán đánh giá, thị trường vẫn chưa sẵn sàng cho việc hồi phục và áp lực bán có thể sẽ còn tiếp diễn trong các phiên tới. Theo dự báo của MBS, phiên cuối tuần, nhiều khả năng các chỉ số có thể kiểm nghiệm lại ngưỡng hỗ trợ 760-765 điểm với VN-Index và 100 điểm với HNX-Index.

Bước vào phiên giao dịch cuối tuần 18/8, lực bán tiếp tục tăng cao và tập trung vào nhóm cổ phiếu bluechip, khiến sắc đỏ bao trùm thị trường và VN-Index lùi sâu về mốc 762 điểm.

Sang đợt khớp lệnh liên tục, trong khi dòng tiền nhúc nhắc vào thị trường thì áp lực bán giá thấp được tiết chế phần nào giúp nhiều mã hồi phục. Đặc biệt, nhiều cổ phiếu bluechip đã đảo chiều tăng điểm thành công bên cạnh đà tăng nhẹ của VNM như GAS, BID, BVH, HPG, MWG, ROS… Tuy nhiên đà tăng của các mã này còn khá hạn chế và kém bền vững khiến thị trường chưa đủ sức để hồi phục.

Nỗ lực kéo thị trường đi lên bất thành trước sức cầu khá yếu khiến VN-Index tiếp tục quay đầu đầu đi xuống trước khi chạm được mốc tham chiếu.

Thanh khoản thị trường khá thấp. Trong phiên sáng qua có sự góp mặt của giao dịch đột biến VPB thì ở phiên sáng nay, cổ phiếu ngân hàng khác là EIB cũng đã đóng góp tích cực khi thỏa thuận gần 20 triệu đơn vị, giá trị tương ứng gần 210 tỷ đồng. Như vậy, nếu loại trừ giao dịch thỏa thuận này, tổng giá trị giao dịch trên 2 sàn sau khoảng 1 giờ chỉ đạt khoảng 1.000 tỷ đồng.

Hiện FLC đang là cổ phiếu giao dịch tốt nhất trên sàn HOSE cũng chỉ chuyển nhượng được hơn 2,4 triệu đơn vị; còn lại các mã giao dịch sôi động khác như DXG, HQC, HAG… cũng chỉ khớp hơn 1 triệu đơn vị.

Đáng chú ý, cổ phiếu HAI tiếp tục bị bán tháo trong khi lực cầu vắng bóng. Hiện HAI chỉ khớp 242.310 đơn vị và dư bán sàn hơn 16,4 triệu đơn vị, tiếp tục ghi nhận phiên giảm sàn thứ 8 liên tiếp. Ngoài ra, các mã nóng như TSC, HAR tiếp tục giảm sàn với lượng dư bán sàn khá lớn.

“Tân binh” VPB quay đầu giảm 1,5% xuống mức 38.400 đồng/CP với giao dịch giảm mạnh, chỉ có 413.980 đơn vị được chuyển nhượng thành công.

Mặc dù sắc đỏ vẫn ngập tràn bảng điện tử nhưng nhóm cổ phiếu bluechip tiếp tục phân hóa, trong đó các cổ phiếu ngân hàng đang hồi nhẹ giúp thị trường thu hẹp đà giảm, VN-Index vượt qua mốc 765 điểm khi kết phiên sáng.

Trên sàn HOSE có 171 mã giảm/84 mã tăng, VN-Index giảm 1,49 điểm (-0,19%) xuống 766,1 điểm. VN30-Index giảm 0,27 điểm (-0,04%) xuống 742,93 điểm với 11 mã tăng, 14 mã giảm và 5 mã đứng giá.

Tổng khối lượng giao dịch đạt 127,6 triệu đơn vị, giá trị 2.033,34 tỷ đồng, giảm 8,5% về lượng và giảm tới 43,53% về giá trị so với phiên đột biến sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 26 triệu đơn vị, giá trị hơn 298 tỷ đồng. Riêng EIB thỏa thuận 19,89 triệu đơn vị, giá trị 209,8 tỷ đồng.

Trong khi đó, trên sàn HNX, những tưởng thị trường thoát hiểm nhờ nhịp hồi nhẹ vào cuối phiên nhưng lực bán vẫn khá lớn khiến chỉ số sàn trở lại giao dịch trong sắc đỏ.

Với 91 mã giảm/68 mã tăng, HNX-Index giảm 0,12 điểm (-0,11%) xuống 100,38 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 32,59 triệu đơn vị, giá trị 372,5 tỷ đồng, tăng 7,3% về lượng và hơn 10% về giá trị so với phiên sáng qua. Giao dịch thỏa thuận chỉ đạt 142.410 đơn vị, giá trị 3,23 tỷ đồng.

VNM tiếp tục tăng nhẹ 0,4% trong khi người anh em SAB rung lắc khá mạnh và đã đảo chiều giảm 1% sau 2 phiên liên tiếp khởi sắc.

Các cổ phiếu ngân hàng sau những phiên điều chỉnh liên tiếp cũng đã hồi phục dù đà tăng còn khá hạn chế như VCB, BID, CTG, MBB có mức tăng 0,1-0,8%.

Trong khi đó, dù giá dầu thô đã tăng trở lại nhưng các cổ phiếu dầu khí vẫn chưa thoát khỏi sự điều chỉnh như GAS giảm 0,5%, PVD giảm 0,3%, PVC giảm 3,4%, các mã PLX, PVS, PLC đứng giá tham chiếu.

Đáng chú ý là HAI và TSC đã thu hẹp đà giảm điểm nhờ lực cầu bắt đáy gia tăng mạnh. Đặc biệt, toàn bộ hơn 16,5 triệu cổ phiếu HAI dư bán sàn đã được hấp thụ toàn bộ giúp thanh khoản cổ phiếu này tăng vọt và đã thoát khỏi sắc xanh mắt mèo sau 8 phiên liên tiếp giảm sàn. Hiện HAI giảm 5,13% xuống mức 12.950 đồng/CP với thanh khoản dẫn đầu thị trường đạt 18,7 triệu đơn vị.

Tiếp đó, TSC đứng thứ 2 về thanh khoản trên thị trường với 4,59 triệu đơn vị được chuyển nhượng và chốt phiên tại mức giá 4.900 đồng/Cp, giảm 5,95%.

Trên sàn HNX, cổ phiếu ngân hàng ACB cũng đã đảo chiều thành công với mức tăng 0,4%, kết phiên tại mức giá 25.700 đồng/CP và đã chuyển nhượng thành công 886.200 đơn vị.

Trong khi đó, SHB tiếp tục giảm 1,3% xuống mức giá 7.700 đồng/CP với khối lượng khớp 3,84 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX.

Đáng chú ý, sau 10 phiên giao dịch thiếu tích cực, cổ phiếu SEB đã có phiên tăng đột biến cả về giá và thanh khoản. Với mức tăng 10%, SEB đứng tại mức giá trần 39.600 đồng/CP và đã chuyển nhượng hơn 2 triệu đơn vị, thuộc top 5 cổ phiếu thanh khoản tốt nhất trên sàn HNX.

Trên sàn UPCoM, cũng giống 2 sàn chính khi chốt phiên trong sắc đỏ.

Cụ thể, UPCoM-Index giảm 0,12 điểm (-0,22%) xuống mức 54,52 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 4,43 triệu đơn vị, giá trị 48,68 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 1,28 triệu đơn vị, giá trị 3,72 tỷ đồng.

Sau thông tin dự kiến sẽ niêm yết trên sàn HNX trong quý I/2018, cổ phiếu ART đã đảo chiều tăng vọt lên kịch trần. Với mức tăng 14,9%, ART chốt phiên tại mức giá 18.500 đồng/CP với khối lượng giao dịch 668.500 đơn vị, dẫn đầu thanh khoản trên sàn UPCoM.

Cổ phiếu TOP lùi về vị trí thứ 2 về thanh khoản với 563.800 đơn vị được chuyển nhượng thành công và kết phiên tại mức giá 2.000 đồng/CP, giảm 4,76%.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục