Phiên sáng 18/1: Dòng tiền nhỏ giọt, VN-Index "bất động"

(ĐTCK) Nếu loại trừ giao dịch thỏa thuận đột biến từ MSN, diễn biến thị trường trong phiên giao dịch sáng nay (18/1) rất đìu hiu.
Phiên sáng 18/1: Dòng tiền nhỏ giọt, VN-Index "bất động"

Trong phiên hôm qua, VN-Index mở cửa lình xình sát mốc tham chiếu với giao dịch khá chậm. Sự sôi động chỉ diễn ra ở một số mã thị trường, đặc biệt là FLC. Mặc dù nỗ lực đảo chiều nhờ sự hồi phục của một số mã lớn như VNM, VCB, BID…

Tuy nhiên, càng về cuối phiên, lực cung gia tăng mạnh trở lại, đặc biệt trong đợt khớp ATC, nhất là ở các mã cổ phiếu lớn, khiến VN-Index rơi xuống ngưỡng gần 900 điểm khi đóng cửa.

Theo MBS, thị trường ngày hôm qua biến động mạnh hơn có thể do ảnh hưởng từ ngày đáo hạn của hợp đồng tương lai tháng 1 vì vậy thị trường sẽ trở lại bình thường trong phiên hôm nay.

Bước vào phiên giao dịch sáng nay 18/1, lực mua kỹ thuật ngay khi mở cửa đã kéo VN-Index thẳng lên trên 906 điểm, nhưng mức điểm này cũng không giữ được lâu do dòng tiền vào thị trường rất nhỏ giọt. VN-Index nhanh chóng bị đẩy xuống dưới mốc 905 điểm và đi ngang, rồi xuống dưới tham chiếusau hơn 1 giờ giao dịch. 

Diễn biến thị trường rất ảm đạm do dòng tiền chỉ chảy vào một cách nhỏ giọt. .

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đa số đang giằng co nhẹ quanh mức giá tham chiếu, phần còn lại tăng hoặc giảm với biên độ hẹp, qua đó, là tác nhân chính khiến đà đi lên của VN-Index bị thu hẹp, tuy nhiên cũng có một vài điểm sáng như VNM, HPG và VPB tăng điểm, níu kéo động lực đi lên của thị trường.

Nhóm cổ phiếu thị trường, đặc biệt là FLC và HQC trong phiên hôm qua có thanh khoản đột biến vẫn tiếp tục dẫn đầu khối lượng khớp lệnh trên HOSE, tuy nhiên đã không còn cao. HQC có hơn 4,5 triệu đơn vị; FLC có hơn 2,5 triệu đơn vị, đồng loạt tăng nhẹ.

Sau khi chạm nhẹ xuống dưới tham chiếu, VN-Index cố gắng trở lại, nhưng động lực là quá yếu, chỉ số chỉ nhúc nhắc tăng không đáng kể, trước khi chính thức trở lại tham chiếu khi nghỉ giờ trưa.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 109 mã tăng và 139 mã giảm, VN-Index không đổi ở mức 901,03 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 84,3 triệu đơn vị, giá trị 2.473,51 tỷ đồng, tăng 22% về khối lượng và 138% về giá trị so với phiên sáng hôm qua.

Mặc dù thanh khoản nhìn có vẻ như tăng mạnh, nhưng thực chất là đóng góp quá lớn của giao dịch thỏa thuận hơn 35 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.656 tỷ đồng. Như vậy, thanh khoản khớp lệnh chỉ hơn 810 tỷ đồng, thấp hơn phiên sáng hôm qua hơn 100 tỷ đồng.

Giao dịch thỏa thuận đột biến đến từ hơn 12,3 triệu cổ phiếu MSN, trị giá 918,4 tỷ đồng và gần 19,4 triệu cổ phiếu VRE, giá trị 583 tỷ đồng.

Về diễn biến giá cổ phiếu trên sàn không có quá nhiều điểm đáng chú ý. Đối với các mã vốn hóa lớn sự phân hóa diễn ra, nhưng mức độ tăng giảm chỉ ở mức thấp.

Cụ thể, các mã giảm có VIC -0,6%; VCB -0,5%; GAS -0,1%; BID -0,16%; TCB -0,4%; CTG -0,3%; VJC -0,9%; MBB -0,5%, giảm sâu hơn chỉ có VRE -1% xuống 29.800 đồng; BVH -1% xuống 91.000 đồng cùng bluechip STB -1,3% xuống 11.050 đồng và ROS -1,6% xuống 35.000 đồng là đáng kể.

Ngược lại, có sắc xanh gồm VHM +0,5%; MSN +0,9%; NVL +0,5%; HDB +0,2%, VNM +1,6% 134.300 đồng; HPG +1,4% lên 29.300 đồng; VPB +1,3% lên 19.250 đồng…

Khớp lệnh cao nhất là STB, nhưng cũng chỉ có gần 1,7 triệu đơn vị; CTG có 1,6 triệu đơn vị và đứng tham chiếu; ROS, MBB và HPG có trên dưới 1,5 triệu đơn vị; và VPB có hơn 1 triệu đơn vị…

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, sự chú ý vẫn đồn vào QHC và FLC, mặc dù thanh khoản không còn cao như phiên hôm qua, nhưng vẫn là 2 mã khớp lệnh cao nhất HOSE với lần lượt 4,7 triệu và 3,76 triệu đơn vị. HQC tăng 0,7% lên 1.410 đồng; FLC tăng 0,2% lên 5.510 đồng.

SFJ đứng ngay sau 2 mã trên với hơn 1,9 triệu đơn vị, và chốt phiên giảm 0,9% xuống 5.500 đồng, mặc dù hầu hết thời gian giao dịch đều ở mức giá sàn.

Ngược lại, YBM bất ngờ được kéo lên mức giá trần +6,8% lên 16.600 đồng, khớp lệnh cũng tăng mạnh so với các phiên trước, với hơn 441.000 đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index có nửa đầu phiên trái ngược, khi mở cửa tăng và giữ được sắc xanh, nhưng trong nửa sau của phiên đã bị đẩy xuống dưới tham chiếu khi đồng loạt nhiều mã lớn đảo chiều mất điểm.

Theo đó, ACB -0,4% xuống 28.800 đồng; PVI -0,9% xuống 33.600 đồng; MBS -1,4% xuống 14.100 đồng; NVB -1,2% xuống 8.300 đồng; VCS -0,2% xuống 62.500 đồng; PVS -0,6% xuống 17.700 đồng; VGC -1,3% xuống 22.300 đồng; VC3 -1,7% xuống 23.600 đồng.

Ít mã còn giữ được đà tăng là SHB +1,4% lên 7.100 đồng; VGC +2,2% lên 18.600 đồng; PGS +3% lên 34.000 đồng; DBC +7% lên 24.400 đồng; SRA tăng trần +9,9% lên 16.600 đồng…cùng những mã đứng tham chiếu như CEO, HUT, TNG, SHS, ART…

Khớp lệnh cao nhất sàn là SHB với hơn 1,57 triệu đơn vị; ART có 1,4 triệu đơn vị; VCG và VGC có trên dưới 1 triệu đơn vị; ACB, TNG, HUT, PVS có từ 0,4 triệu đến 0,9 triệu đơn vị.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 28 mã tăng và 58 mã giảm, HNX-Index giảm 0,11 điểm (-0,11%), xuống 101,81 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 11,82 triệu đơn vị, giá trị 137,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 1 triệu đơn vị, giá trị 10,6 tỷ đông.

Trên UpCoM, diễn biến tương tự như sàn HNX, khi chỉ số UpCoM-Index tăng từ sớm, nhưng duy trì sắc xanh không được lâu, khi phần còn lại giao dịch trong sắc đỏ.

Chỉ còn một điểm xanh tăng giá là MPC, GEG, VTP, KOS, GVR. Trong khi mang sắc đỏ chiếm khá lớn như BSR, OIL, HVN, VGT, VIB, VGI, VEA, QNS, NTC, ACV, MSR…

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,2 điểm (-0,37%), xuống 53,09 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 2,95 triệu đơn vị, giá trị 65 tỷ đồng. Giao dịch thoa thỏa thuận có thêm hơn 340.000 đơn vị, giá trị 5,6 tỷ đồng.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục