Không nằm ngoài dự báo của một số chuyên gia chứng khoán khi cho rằng, tỷ lệ margin đã giảm dần về mức 70-75%, mức được xem là thị trường sẽ tạo đáy, đà phục hồi của thị trường sẽ quay lại. Sau khi điều chỉnh về ngưỡng 757 điểm, lực cầu bắt đáy đã nhập cuộc giúp VN-Index bật tăng trở lại để chinh phục các ngưỡng cản cũ.
Trong tuần vừa qua, thị trường đã khởi sắc trở lại. Với sự trở lại của nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng, VN-Index đã tăng hơn 15 điểm, tương đương tăng 2% lên mức 777,09 điểm; còn HNX-Index tăng 2,59 điểm (+2,6%) lên 100,55 điểm.
Đà tăng được duy trì khá tốt trong phiên đầu tuần và cũng là phiên cuối cùng của tháng 7, đã giúp VN-Index tiến sát tới mức đỉnh cũ 783,73 điểm được thiết lập từ đầu phiên sáng 7/7. Tuy nhiên, lực hãm từ một số mã lớn như VNM, PLX, MWG, BHN, nhóm cổ phiếu thép, VN-Index đã chưa chinh phục lại được.
Một điểm tích cực khác trong phiên hôm qua là dòng tiền chảy vào thị trường khá mạnh giúp thanh khoản cải thiện đáng kể. Thêm vào đó, nhà đầu tư nước ngoài cũng đã tăng giao dịch và tăng mạnh giá trị mua ròng, lên mức 260 tỷ đồng.
Với những diễn biến trên, nhiều công ty chứng khoán vẫn đánh giá cao về khả năng các chỉ số sẽ tiếp tục tăng điểm để kiểm nghiệm các ngưỡng kháng cự tại vùng đỉnh cũ 783,73 điểm với VN-Index và 103 điểm với HNX-Index.
Bước vào phiên giao dịch sáng 1/8, sau phiên khởi sắc hôm qua, nhóm cổ phiếu bluechip đã trở nên phân hóa và đặc biệt ở nhóm cổ phiếu trụ cột hầu hết quay đầu điều chỉnh, ngoại trừ mã đầu ngành VCB vẫn tăng khá tốt. Tuy nhiên, cùng với VCB, các mã vốn hóa lớn khác như SAB, GAS, HPG…, tiếp tục hỗ trợ giúp thị trường duy trì đà tăng điểm.
Sau khoảng 1 giờ giao dịch, nhóm cổ phiếu ngân hàng phân hóa khá mạnh. Bên cạnh STB, MBB, CTG tiếp tục giảm điểm thì VCB tăng 2,1%, EIB đảo chiều tăng kịch trần với biên độ 6,9%; trên sàn HNX có ACB tăng 1,2%, SHB giằng co nhẹ quanh mốc tham chiếu.
Trong khi đó ở nhóm dầu khí, thông tin giá dầu khởi sắc đã hỗ trợ giúp các mã họ P đua nhau tăng mạnh. Đáng kể, PVD tăng 6% và có thời điểm chạm mức giá trần, GAS tăng 2,2%, PVC tăng 3,4%, PVS tăng 3,1%...
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, cặp đôi HAR và HAI vẫn nổi sóng khi duy trì sắc tím với lượng dư mua trần khá lớn, trong khi đó TNI chưa thoát khỏi tình trạng giảm sàn.
Cùng với thị trường giao dịch khá cân bằng, các chỉ số vẫn tiếp tục tiến bước. Trong khi HNX-Index giao dịch trên ngưỡng 101 điểm thì VN-Index lập đỉnh mới trong 10 năm, vượt mốc 785 điểm.
Chốt phiên sáng, VN-Index tăng 2,79 điểm (+0,36%) lên 786,34 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 131,82 triệu đơn vị, giá trị 2.273,49 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 1,68 triệu đơn vị, giá trị 32,22 tỷ đồng. VN30-Index tăng 1,66 điểm (+0,22%) lên 757,9 điểm với 14 mã tăng, 14 mã giảm và 2 mã đứng giá.
Trong khi đó, sàn HNX có chút rung lắc nhẹ, tuy nhiên lực cầu khá tốt đã giúp sắc xanh được bảo toàn.
Với mức tăng 0,27 điểm (+0,27%), HNX-Index chốt phiên tại mức 101,45 điểm. Thanh khoản cũng tăng khá mạnh với khối lượng giao dịch đạt 46,41 triệu đơn vị, giá trị 427,24 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 1,56 triệu đơn vị, giá trị 12,17 tỷ đồng.
Theo thống kê mới đây, Vietcombank đã vươn lên vị trí số 1 hệ thống ngân hàng về lợi nhuận với 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế VCB đạt 5.254 tỷ đồng, tăng trưởng 23% so với cùng kỳ năm trước. Thông tin này đã tiếp sức giúp cổ phiếu VCB tăng vọt trong phiên sáng nay.
Là điểm sáng của nhóm cổ phiếu vua, VCB tăng 2,3% và chốt phiên tại mức giá 38.600 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh tăng vọt, đạt 1,18 triệu đơn vị, cao hơn mức thanh khoản của cả phiên hôm qua.
Cũng với báo cáo lợi nhuận 6 tháng tăng vọt, EIB đã có cú đảo chiều ngoạn mục sau phiên giảm khá sâu hôm qua. Kết phiên, EIB tăng 6,9% lên mức giá trần 12.400 đồng/CP và khớp 681.240 đơn vị.
Bên cạnh đó, các mã vốn hóa lớn cũng có mức tăng khá tốt, hỗ trợ cho thị trường duy trì đà tăng ổn định như SAB tăng 1,27%, GAS tăng 1,28%, ROS tăng 0,55%, BVH, FPT…
Không chỉ GAS, các cổ phiếu khác trong nhóm dầu khí cũng khởi sắc. Trong đó đáng chú ý là PVD. Sau những phiên lình xình trong biên độ hẹp, PVD đã tăng vọt trong phiên sáng nay dù chịu sức ép từ cung ngoạn khá lớn với khối lượng bán ròng gần 1,23 triệu đơn vị.
Cụ thể, với mức tăng 6,9%, PVD được kéo lên mức giá trần 14.200 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh tăng vọt, dẫn đầu thanh khoản thị trường đạt hơn 7,33 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu thép, ngoại trừ HPG đã tìm thấy sắc xanh với mức tăng 1,2%, còn lại các mã vẫn chịu áp lực bán và tiếp tục giảm điểm như POM giảm 0,9%, NKG giảm 0,6%, VGS giảm 1,1%, VIS giảm 2,1%; còn HSG, DNY, TLH đứng giá tham chiếu.
Trái với phiên hôm qua, nhiều mã thị trường đã lấy lại sắc xanh nhạt, nhưng giao dịch giảm khá mạnh như FLC tăng 0,8% và khớp 6,23 triệu đơn vị, KBC tăng 1,7% và khớp 1,26 triệu đơn vị, HHS tăng 0,9% và khớp 0,66 triệu đơn vị…
Trong khi đó, HAR đã đánh mất sắc tím nhưng vẫn tăng khá mạnh 5,88% và chuyển nhượng thành công 1,67 triệu đơn vị. Còn HAI vẫn nóng bỏng tay với khối lượng dư mua trần 1,67 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, các cổ phiếu dầu khí cũng giao dịch khởi sắc cả về giá và thanh khoản, trong đó PVX tăng 4% và khối lượng khớp lệnh lớn nhất sàn, đạt 4,83 triệu đơn vị. Tiếp đó, PVS khớp 4,6 triệu đơn vị và kết phiên tăng 2,45%.
Cổ phiếu lớn ACB vẫn tăng khá vững với biên độ tăng 1,2%, trong khi “người anh em” SHB tiếp tục giữ mức giá tham chiếu.
Trái với 2 sàn chính, sau nhịp rung lắc nhẹ đầu phiên, sàn UPCoM đã quay đầu đi xuống do áp lực bán gia tăng mạnh.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,63 điểm (-1,12%) xuống 55,8 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 4,15 triệu đơn vị, giá trị 53,35 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 1,25 triệu đơn vị, giá trị 9,23 tỷ đồng.
PFL vươn lên vị trí dẫn đầu thanh khoản trên sàn UPCoM với khối lượng giao dịch đạt 1,2 triệu đơn vị. Trong khi đó, DVN lùi về vị trí thứ 2 khi chuyển nhượng thành công 528.300 đơn vị và tiếp tục chốt phiên trong sắc đỏ với mức giảm 5,7%.
Bên cạnh DVN, nhiều mã lớn khác cũng chốt phiên giảm điểm như HVN, VGT, LTG. FOX, VIB…, đã tạo gánh nặng cho thị trường.