Phiên sáng 17/11: Áp lực bán gia tăng, VN-Index quay đầu giảm điểm

(ĐTCK) Áp lực bán gia tăng mạnh khi VN-Index được kéo lên sát ngưỡng 900 điểm đã khiến hàng loạt bluechip đảo chiều, đẩy VN-Index lùi mạnh về dưới tham chiếu khi chốt phiên giao dịch sáng nay.
Phiên sáng 17/11: Áp lực bán gia tăng, VN-Index quay đầu giảm điểm

Bất chấp những lo ngại rủi ro các mã vốn hóa và chỉ số chung tăng quá nóng, thị trường vẫn vững bước đi lên và có chuỗi 10 phiên tăng ròng rã, liên tiếp chinh phục những đỉnh cao mới. Đặc biệt, trong phiên hôm qua, dòng tiền đã có sự lan tỏa khá tốt với độ rộng được cải thiện giúp các mã lớn bé đồng loạt khới sắc, giúp VN-Index tăng tới hơn 10 điểm và chính thức vượt mốc 890 điểm.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài cũng trở lại xu hướng mua ròng mạnh 300 tỷ đồng sau phiên bán ròng nhẹ ngày 15/11 trên sàn HOSE. Khối ngoại tiếp tục rót tiền mạnh vào các cổ phiếu lớn như VNM, VJC, cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, thép.

Với những diễn biến tích cực trên, hầu hết giới phân tích đã có cái nhìn lạc quan hơn và kỳ vọng VN-Index sẽ tiếp tục kiểm nghiệm các ngưỡng kháng cự cao hơn 895-900 điểm trong những phiên tới.

Bước vào phiên giao dịch sáng cuối tuần 17/11, sau ít phút đầu thận trọng, thị trường đã tăng vọt lên sát ngưỡng 900 điểm khi dòng tiền vẫn chảy mạnh. Tuy nhiên, ở ngưỡng này, áp lực bán đã xuất hiện, đẩy VN-Index lùi về sát mốc tham chiếu, nhất là việc VNM và SAB đảo chiều.

Thị trường sau đó lại được kéo trở lại khi một số mã bluechip hồi phục. Trong đó, các cổ phiếu ngân hàng đã hồi nhẹ, SAB lấy lại cân bằng và trở về mốc tham chiếu, cùng đà tăng khá tốt ở một số mã lớn khác như MSN, BVH...

Đáng chú ý, cổ phiếu đầu ngành bất động sản VIC tiếp tục tăng mạnh. Bên cạnh kết quả kinh doanh 9 thánh tăng trưởng mạnh, việc công bố hàng loạt thông tin đột phá trong chiến lược kinh doanh của mình như sản xuất ô tô made in Việt Nam, đưa Vincom Retail lên niêm yết…, là những động lực tiếp sức cho màn bứt phá của VIC.

Sau hơn 1 giờ giao dịch, hiện VIC đang tăng 2% lên mức giá 71.300 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 453.750 đồng/CP.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, nhiều mã cũng đua nhau tăng trần như OGC, VHG, AMD… Trong đó, OGC có phiên tăng trần thứ 3 liên tiếp, với mức tăng 6,7% tạm đứng tại mức giá 2.060 đồng/CP và thanh khoản dẫn đầu sàn HOSE đạt 3,87 triệu đơn vị, cùng lượng dư mua trần khá lớn 4,23 triệu đơn vị.

Việc chinh phục đỉnh cao mới thường đi kèm với những rủi ro lớn. Ngay khi VN-Index áp sát đỉnh 900 điểm, áp lực bán gia tăng và tập trung vào nhóm cổ phiếu VN30 đã khiến nhiều mã lớn quay đầu giảm, là tác nhân chính kéo tụt thị trường đi xuống. Sau gần 90 phút giao dịch, chỉ số VN-Index bị đẩy về sát mốc tham chiếu.

Bên cạnh các mã lớn như VNM rung lắc, GAS, HPG, PLX, VJC… lần lượt chuyển sang sắc đỏ, các cổ phiếu trong nhóm thoái vốn như FPT, BMP, DMC, NTP, VCG cũng lần lượt đảo chiều giảm sau những phiên khởi sắc trước đó.

Áp lực bán khá lớn trong khi dòng tiền cũng hoạt động sôi động giúp thị trường cầm chừng đi ngang trong gần 1 giờ giao dịch sau đó bất chấp sắc đỏ có phần chiếm áp đảo trên bảng điện tử. Tuy nhiên, nhóm trụ cột đã không làm tốt nhiệm vụ nâng đỡ thị trường khi đồng loạt quay đầu đi xuống, tác động thiếu tích cực đẩy VN-Index đột ngột lao về dưới mốc tham chiếu và tạm chốt phiên sáng trong sắc đỏ.

Chốt phiên, sàn HOSE có 142 mã giảm và 115 mã tăng, VN-Index giảm 1,17 điểm (-0,13%) xuống 891,63 điểm. Thanh khoản vẫn tích cực với tổng khối lượng giao dịch đạt 117,3 triệu đơn vị, với tổng giá trị tương ứng 3.145,95 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 12,66 triệu đơn vị, giá trị 646,73 tỷ đồng. Đáng kể, VNM thỏa thuận 2,28 triệu đơn vị, giá trị hơn 424 tỷ đồng.

Tương tự, lực bán gia tăng cũng khiến thị trường có phần chững lại về cuối phiên, tuy nhiên sàn HNX vẫn giữ vững sắc xanh.

Với 76 mã giảm và 49 mã tăng, HNX-Index tăng 0,14 điểm (+0,13%) lên 108,43 điểm. Thanh khoản tăng khá mạnh với khối lượng giao dịch đạt 39,59 triệu đơn vị, giá trị 462 tỷ đồng, tăng 34,57% về lượng và 16,71% về giá trị so với phiên sáng qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm 270.180 đơn vị, giá trị 3,65 tỷ đồng.

Nhóm VN30 có tới 22 mã giảm và chỉ 6 mã tăng, 2 mã đứng giá, trong đó VIC vẫn tăng khá tốt 1,9% lên mức 71.200 đồng với khối lượng khớp lệnh 823.210 đơn vị.

Các cổ phiếu vừa và nhỏ trong nhóm bất động sản cũng khá lan tỏa với nhiều mã tăng điểm như FLC, HQC, ITA, ASM, NLG…

Một trong những điểm sáng trong phiên này là nhóm cổ phiếu chứng khoán với nhiều mã được kéo lên mức giá trần như AGR, TVS, VIG, SBS. Còn các mã như VDS, ORS, TVB có mức tăng trên dưới 4,5%; APG, CTS và VND tăng hơn 1,5%.

Trái lại, các mã trụ cột như VNM, GAS, HPG, MSN đều đứng dưới mốc tham chiếu. Dòng bank cũng giao dịch thiếu tích cực khi hầu hết đều quay đầu đi xuống như BID giảm 1,45% xuống mức 23.800 đồng/CP, CTG giảm 1,43% xuống 20.700 đồng/CP, STB giảm 1,7% xuống 11.800 đồng/CP.

Bên cạnh “ông lớn” VNM, các cổ phiếu khác trong nhóm thoái vốn cũng đều giao dịch trong sắc đỏ như FPT giảm 1,2% về mức 56.300 đồng/CP, BMP giảm 1,5% về mức 88.100 đồng/CP, DMC giảm 0,4% xuống mức 125.500 đồng/CP, NTP giảm 0,7% xuống mức 79.700 đồng/CP.

Đáng chú ý là màn lội ngược dòng của VRE cũng phần nào giúp thị trường không bị rơi quá sâu. Sau 2 phiên giảm khá mạnh, lực cầu gia tăng giúp VRE khởi sắc với mức tăng 1,3% lên mức 44.550 đồng/CP và đã chuyển nhượng thành công 6,95 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản trên sàn HOSE.

Cổ phiếu thị trường OGC có phiên tăng trần thứ 3 liên tiếp, chốt phiên tại mức giá 2.060 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 3,97 triệu đơn vị và dư mua trần 3,79 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, SHB đã trở thành điểm sáng trong phiên. Dù giao dịch vẫn khá rung lắc nhưng lực cầu mạnh giúp SHB tạm chốt phiên sáng trong sắc xanh với mức tăng 1,3% lên mức 8.000 đồng/CP và dẫn đầu thanh khoản toàn thị trường với 16,59 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công.

Đứng ở vị trí thứ 2 về thanh khoản là PVS với hơn 4 triệu đơn vị được khớp lệnh. Chốt phiên, PVS tăng nhẹ 0,6% lên mức 16.500 đồng/CP.

Ngoài SHB và PVS, một số mã lớn khác cũng duy trì đà tăng như VCG, CEO, HUT, PGS… là điểm tựa chính giúp thị trường bảo toàn sắc xanh trong phiên sáng nay.

Trên sàn UPCoM, diễn biến cũng khá rung lắc và lình xình, tuy nhiên đà tăng nhẹ đã được giữ đến hết phiên.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,01 điểm (+0,03%) lên 53,09 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 5,94 triệu đơn vị, giá trị 80,89 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 4,79 triệu đơn vị, giá trị 92,78 tỷ đồng, trong đó SAS thỏa thuận hơn 3 triệu đơn vị, giá trị 70,8 tỷ đồng và SP2 thỏa thuận 1,46 triệu đơn vị, giá trị 14,6 tỷ đồng.

Cổ phiếu LPB giao dịch tốt nhất sàn UPCoM với 945.300 đơn vị được chuyển nhượng thành công và chốt phiên sáng tạm đứng ở mốc tham chiếu 13.100 đồng/CP.

Trong khi đó, cổ phiếu cùng ngành VIB tăng gần 2,3% lên mức 22.300 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt 45.000 đồng/CP.

Cặp đôi lớn HVN và ACV tiếp tục duy trì đà tăng nhẹ, trong đó ACV tăng 0,5% lên mức 82.600 đồng/CP, còn HVN tăng 0,34% lên mức 29.500 đồng/CP.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục