Phiên sáng 17/1: Cổ phiếu nhỏ hút dòng tiền

(ĐTCK) Dù dòng tiền chảy vào thị trường vẫn khá thận trọng, khiến VN-Index gặp khó, nhưng một số cổ phiếu nhỏ lại có sức hút lớn với nhà đầu tư.
Phiên sáng 17/1: Cổ phiếu nhỏ hút dòng tiền

Trong phiên hôm qua (16/1), VN-Index mở cửa tăng điểm, nhưng rất nhanh bị đẩy lùi trở lại xuống dưới tham chiếu. Dù nỗ lực trở lại, nhưng cuối cùng cũng không giữ được sắc xanh.

Càng về cuối phiên, lực cung lớn tại VNM cùng một số mã bluechip khác khiến VN-Index nới rộng đà giảm. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu họ “Vin”, chỉ số đã bật mạnh trở lại, vượt qua ngưỡng 910 điểm.

Tuy nhiên, trong đợt ATC, lực cung gia tăng tại các mã ngân hàng lớn, VNM và khiến VN-Index lỗi hẹn với mốc 910 điểm khi đóng cửa.

Phiên hôm nay sẽ là phiên đáo hạn của HĐTL VN30 T1, do đó, SHS nhận định thị trường có thể sẽ có biến động rõ ràng hơn nhưng có lẽ chỉ là trên thị trường phái sinh, trên thị trường cơ sở diễn biến giằng co khó chịu có thể tiếp tục.

Bước vào phiên giao dịch sáng nay 17/1, chỉ số VN-Index mở cửa trong sắc đỏ, và mặc dù sau đó có nhịp hồi nhẹ, nhưng diễn biến chung của VN-Index vẫn chỉ là biến động nhẹ không đáng kể quanh mức tham chiếu trên nền thanh khoản thấp và độ rộng thị trường nghiêng về các mã giảm.

Đáng chú ý trên bảng điện tử  là khối lượng khớp lệnh đột biến của FLC, với gần 10 triệu đơn vị chỉ sau hơn 1 giờ giao dịch, chỉ thấp hơn đôi chút so với con số 10,8 triệu đơn vị trong cả phiên hôm qua. Tuy nhiên, cổ phiếu này chỉ nhích nhẹ hơn 1%.

Tương tự là HQC, cũng đã có gần 5 triệu cổ phiếu được sang tay, gấp 2,5 lần khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên gần nhất. Nhưng mã này lại giảm điểm và giao dịch dưới tham chiếu từ sớm.

Ngoài sự kém may mắn của HQC thì những mã thị trường khác lại đang thu hút một bộ phận nhà đầu tư, khi đồng loạt tăng và thanh khoản chỉ đứng sau 2 mã trên là OGC, DLG, QCG...

Ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, biên độ tăng giảm của hầu hết 30 mã cổ phiếu vốn hóa lớn nhất HOSE đều khá thấp, trên dưới 0,5%. Trừ một vài cái tên như VRE mất 2,4%; ROS mất hơn 1,5%, và ngược lại là BVH tăng 1,7% cùng MBB tăng hơn 2% và có thanh khoản khá tốt.

Diễn biến chủ đạo của VN-Index ở nửa sau của phiên sáng vẫn là giằng co dưới vùng giá thấp trên nền tảng thanh khoản suy yếu, số mã giảm điểm gia tăng chứng tỏ tâm lý nhà đầu tư cũng dần mất kiên nhẫn, tuy nhiên điểm tích cực là dường như vùng đáy đã dần hình thành khiến các mã bị bán cũng không giảm sâu.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 77 mã tăng và 162 mã giảm, VN-Index giảm 1,49 điểm (-0,16%), xuống 907,21 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 69,1 triệu đơn vị, giá trị 1.039,32 tỷ đồng, giảm nhẹ về khối lượng và 44% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 3,45 triệu đơn vị, giá trị 116,2 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nhất tác động mạnh đến chỉ số đa phần biến động không đáng kể với mức giảm nhẹ của VIC -0,3%; VNM -0,5%; SAB -0,4%; MSN -0,1%, trong khi VNM +0,4%, TCB +0,2% và VCB, GAS, CTG cùng BID đứng tham chiếu.

Các bluechip khác đáng kể có đà tăng khá của BVH +2,2% lên 92.000 đồng; MBB +1,8% lên 19.800 đồng; EIB +1,7% lên 14.750 đồng; DHG +1,2% lên 83.100 đồng; DPM +2,5% lên 22.650 đồng...

Ngược lại thì VRE -2,2% xuống 30.750 đồng; VJC -1,3% xuống 114.500 đồng; ROS -1,7% xuống 35.000 đồng; HSG -2,1% xuống 6.630 đồng...cùng sắc đỏ tại HPG, PLX, VPB, NVL, HDB, STB...tuy nhiên thì mức giảm cũng không đáng kể.

Khớp lệnh cao nhất là MBB với hơn 4,5 triệu đơn vị; CTG có 1,5 triệu đơn vị; HSG có 1,3 triệu đơn vị. Các mã khác có từ 0,5 triệu đến 0,9 triệu đơn vị gồm VPB, SBT, HPG, SSI, DPM, ROS.

Nhóm cổ phiếu thị trường phiên sáng nay thu hút sự chú ý của nhà đầu tư nhiều hơn, với thanh khoản cao. Đặc biệt là FLC với hơn 17,6 triệu đơn vị khớp lệnh, và chốt phiên tăng khá mạnh +3,5% lên 5.610 đồng.

HQC vươn lên tham chiếu và đứng thứ 2 về thanh khoản với gần 5 triệu đơn vị khớp lệnh.

Các mã OGC, QCG, DLG cũng thuộc top khớp lệnh cao nhất HOSE, từ 1,4 triệu đến 2,1 triệu đơn vị.

Trong khi số còn lại chìm trong sắc đỏ như ASM, HAG, FTM, ITA, PHR...khớp lệnh có từ 0,6 triệu đến 1,35 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index lại may mắn hơn, khi bảo toàn được sắc xanh cho đến hết phiên, mặc dù thời điểm cuối phiên khá khó khăn khi có vài nhịp bị đẩy xuống tham chiếu.

Việc giữ được sắc xanh của chỉ số đến từ sự hỗ trợ của ACB +0,7% lên 29.000 đồng; SHB +1,4% lên 7.100 đồng; PVI +6,2% lên 34.500 đồng; VCS +2% lên 62.200 đồng; TNG +0,6^ lên 17.700 đồng...

Các mã khác mất điểm như VCG -0,4% xuống 22.800 đồng; VGC -0,5% xuống 18.400 đồng; MBS -1,4% xuống 14.300 đồng; HUT -2,6% xuống 3.700 đồng; PTI -7% xuống 16.100 đồng; VC3 -1,3% xuống 23.500 đồng...cùng hàng loạt mã đứng tham chiếu như PVS, CEO, NVB, SHS, ART...

Khớp lệnh cao nhất sàn là SHB với hơn 1,1 triệu đơn vị; HUT có 1,08 triệu đơn vị; ART, PVS, NVB, MPC, VCG có trên dưới nửa triệu đơn vị...

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 26 mã tăng và 45 mã giảm, HNX-Index tăng 0,28 điểm (+0,28%), lên 102,27 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 9,63 triệu đơn vị, giá trị gần 102 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 0,7 triệu đơn vị, giá trị 26 tỷ đồng.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index tăng từ sớm, mặc dù sau đó bị đẩy xuống dần, nhưng kết phiên vẫn ở mức trên tham chiếu.

Sự phân hóa mạnh ở UpCoM khi sắc xanh thuộc về BSR, VIB, DVN, VEA, CTR. Trái ngược là HVN, VGT, VGI, KOS, GVR, ACV mang sắc đỏ, cùng khá nhiều đứng tham chiếu như MSR, MCH, LPB, QNS, MPC, FOX...

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,06 điểm (+0,11%), lên 53,38 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 2,83 triệu đơn vị, giá trị hơn 70 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 1,69 triệu đơn vị, giá trị 13,3 tỷ đồng.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục