Lực bán gia tăng mạnh sau những phiên leo đỉnh khiến thị trường đón nhận những nhịp rung lắc và điều chỉnh trong phiên hôm qua (15/6). Tuy nhiên, dòng tiền trong nước và nước ngoài vẫn chảy mạnh và tập trung vào các cổ phiếu bluechip, giúp đà giảm của VN-Index được hãm đáng kể.
Phiên giao dịch 16/6 được dự đoán sẽ giao dịch sôi động bởi đây là ngày cơ cấu danh mục cuối cùng của 2 quỹ ETFs. Ngay khi bước vào đầu phiên sáng, nhà đầu tư nước ngoài đã bất ngờ mua vào hơn 3 triệu cổ phiếu ROS.
Được biết, ROS là cổ phiếu Việt Nam duy nhất được cả 2 quỹ ETFs thêm mới vào rổ danh mục trong kỳ cơ cấu quý II/2017 này. Trong đó, quỹ VNM sẽ mua vào hơn 4 triệu cổ phiếu ROS.
Mặc dù nhà đầu tư ngoại ồ ạt mua vào nhưng áp lực bán trong nước vẫn dâng cao khiến ROS chưa thoát khỏi sắc xanh mắt mèo. Sau khoảng 35 phút giao dịch, ROS giảm gần 7% xuống mức 97.000 đồng/CP và đã chuyển nhượng 3,53 triệu đơn vị.
Như vậy, ROS đã lao xuống mức giá thấp nhất trong hơn nửa năm qua (từ ngày 10/11/2016 đến nay) và tiếp tục đóng vai trò là tác nhân chính kéo thị trường đi xuống.
Diễn biến chỉ số chung của thị trường vẫn phụ thuộc lớn vào nhóm cổ phiếu bluechip. Sau ít phút "mất thăng bằng", nhóm VN30 đã lấy lại “phong độ”, giúp VN-Index bật mạnh lên sau khi điều chỉnh xuống dưới ngưỡng 760 điểm.
Nhìn chung diễn biến phiên giao dịch sáng cuối tuần khá trầm lắng. Dòng tiền trong nước có phần thận trọng khiến thanh khoản sụt giảm và thị trường vẫn duy trì trạng thái phân hóa. Trong đó, nhóm cổ phiếu bluechip vẫn là điểm tựa chính giữ nhịp tăng cho thị trường.
Chốt phiên sáng, VN-Index tăng 1,12 điểm (+0,15%) lên 761,69 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 85,45 triệu đơn vị, giá trị 1.898,15 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 8,12 triệu đơn vị, giá trị 194,49 tỷ đồng.
Tương tự trên sàn HNX, sau khi nhận tín hiệu xanh ở sàn HOSE, chỉ số sàn này cũng đã hồi phục và duy trì trạng thái lình xình trong suốt thời gian còn lại của phiên sáng.
Với mức tăng 0,16 điểm (+0,17%), HNX-Index chốt phiên sáng tại mức 97,94 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 32,32 triệu đơn vị, giá trị 275,87 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 2,27 triệu đơn vị, giá trị hơn 44 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng biến động duy trì trạng thái giao dịch lình xình, trong khi BID, STB giảm nhẹ thì VCB, CTG và MBB chỉ tăng 50-100 đồng/CP. Còn trên HNX, SHB đứng giá tham chiếu, ACB điều chỉnh nhẹ dưới mốc tham chiếu 1 bước giá.
Hôm nay là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ phiếu ưu đãi của HPG, với tỷ lệ 5:1. Theo đó, HPG sẽ điều chỉnh giá tham chiếu từ 32.400 đồng/CP xuống còn 30.350 đồng/CP. Chốt phiên sáng, HPG tăng 1,9% và đã chuyển nhượng thành công hơn 4 triệu đơn vị.
Ngoài HPG, các mã lớn khác cũng đóng vai trò là lực đỡ cho thị trường như GAS tăng 1,23%, VIC tăng 0,71%, REE tăng 1,86%, DHG tăng 2,14%...
Tâm điểm đáng chú ý trong phiên sáng nay là nhóm cổ phiếu bất động sản với nhiều điểm sáng. Điển hình là DXG, mặc dù chịu áp lực bán đầu phiên nhưng lực cầu hấp thụ mạnh đã giúp cổ phiếu này đảo chiều với giao dịch sôi động. Hiện DXG tăng 2,4% lên mức 17.400 đồng/CP với thanh khoản dẫn đầu sàn HOSE, đạt 4,22 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, KBC, LDG, SCR, OGC, HDC… cũng đều khởi sắc; đáng kể, QCG dành lại sắc tím với mức tăng 6,8% và đã khớp hơn nửa triệu đơn vị.
Trái lại, bộ đôi ROS-AMD vẫn bị bán ra ồ ạt và tiếp tục nằm sàn với lượng dư bán sàn lớn. Trong đó, ROS xuống mức giá 97.000 đồng/CP với lượng khớp 3,66 triệu đơn vị và dư bán sàn gần 1,9 triệu đơn vị; còn AMD giảm 6,9% với lượng khớp hơn 4 triệu đơn vị và dư bán sàn 1,23 triệu đơn vị.
Theo đó, AMD đang dần mất hết thành quả có được trong đợt tăng phi mã từ cuối tháng 5. Chỉ tính trong 7 phiên gần đây, AMD đã mất gần 40% từ mức 23.450 đồng/CP (giá đóng cửa ngày 7/6) xuống còn 14.250 đồng/CP (chốt phiên sáng 16/6).
Trong khi đó, FLC chỉ tăng nhẹ 0,14%, lên 7.130 đồng/cổ phiếu với hơn 3 triệu cổ phiếu được khớp.
Với mức giá này của ROS và FLC, tài sản của ông Trịnh Văn Quyết giảm xuống chỉ còn 28.973 tỷ đồng.
Trong khi đó, VIC tiếp tục duy trì đà tăng, lên 0,79%, lên 42.600 đồng/cổ phiếu, giúp tài sản của ông Phạm Nhật Vượng tăng lên mức 30.841 tỷ đồng.
Như vậy, sau 7 tháng ngồi ở ngôi vị người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam (14/11/2016), ông Trịnh Văn Quyết đã nhường lại vị trí này cho ông Phạm Nhật Vượng.
Điểm sáng trên sàn HNX là KLF. Sau diễn biến lình xình ở mốc tham chiếu, KLF đã được kéo lên mức giá trần nhờ lực cầu tích cực. Hiện KLF tăng 7,7% lên mức 2.800 đồng/CP với khối lượng khớp hơn 6 triệu đơn vị.
Trên sàn UPCoM, sau phiên khởi sắc hôm qua, thị trường đã đảo chiều giảm trong phiên sáng cuối tuần do áp lực bán gia tăng.
Chốt phiên, sàn UPCoM có 37 mã tăng/50 mã giảm, UPCoM-Index giảm nhẹ 0,07 điểm (-0,12%) xuống 56,82 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 6,96 triệu đơn vị, giá trị 33,68 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 2,46 triệu đơn vị, giá trị hơn 72,3 tỷ đồng.
Cặp đôi cổ phiếu lớn ngành hàng không tăng khá tốt, cụ thể, HVN đảo chiều tăng 1,5% sau 4 phiên giảm, còn ACV tiếp tục ghi nhận phiên tăng điểm thứ 4 liên tiếp với biên độ tăng 1%.
Đáng chú ý, sau 3 phiên “nghỉ ngơi” NTB lại tiếp tục được giao dịch mạnh. Hiện NTB tăng trần 11,1% với khối lượng giao dịch dẫn đầu sàn UPCoM, đạt 3,18 triệu đơn vị.