Thị trường đã chứng kiến chuỗi tăng điểm dài từ đầu tháng 11 đưa VN-Index liên tiếp chinh phục những đỉnh cao mới. Trong đó, các cổ phiếu lớn thay nhau làm trụ đỡ giúp thị trường thăng hoa. Sau màn biểu diễn của cặp đôi SAB và ROS, tuần vừa qua thị trường đã đón nhận sự bùng nổ của “ông lớn” VNM và “tân binh” VRE.
Việc VN-Index được kéo lên quá cao cùng với đà tăng mạnh của các cổ phiếu lớn khiến giới phân tích dự báo thị trường đang tiềm ẩn biến động khó lượng khi nhóm bluechips đã tăng khá mạnh, đang chạm các vùng kháng cự mạnh.
Bất chấp những lo ngại rủi ro, VNM và VRE tiếp tục leo cao trong phiên đầu tuần ngày 13/11, giúp VN-Index tăng tới hơn 11 điểm và tiệm cận vùng kháng cự mới 880 điểm. Dù áp lực bán có dấu hiệu gia tăng khiến thị trường đón nhận những nhịp rung lắc trong phiên tiếp đó (ngày 14/11), nhưng dòng tiền sôi động cùng sự dẫn dắt của thành viên mới VRE tiếp tục giúp VN-Index giữ được sắc xanh.
Với dự báo thị trường chuẩn bị bước vào một nhịp điều chỉnh trong khoảng 2 tháng tới, ông Dương Văn Chung, Giám đốc miền Bắc CTCK MBS cho rằng, nhà đầu tư nên tạm thời giảm tỷ trọng cổ phiếu trên tài khoản trong 1 tháng tới, đặc biệt là các mã có tính thị trường cao. “Nếu thị trường giảm sẽ tạo cơ hội để sàng lọc cổ phiếu có cơ bản tốt chuẩn bị cho chu kỳ mới của năm 2018”, ông Chung nói.
Bước vào phiên giao dịch sáng 15/11, áp lực bán gia tăng và tập trung vào nhóm cổ phiếu lớn khiến thị trường quay đầu điều chỉnh sau 8 phiên liên tiếp tăng điểm.
Hai mã tác động mạnh nhất tới diễn biến chỉ số chung của thị trường là VNM và SAB đang giao dịch khá tiêu cực. Tại thời điểm 9h45, VNM tiếp tục giảm 1,1% và tạm đứng ở mức giá 177.500 đồng/CP, trong khi SAB có phiên giảm thứ 7 liên tiếp với biên độ giảm được nới rộng hơn 1,5% xuống mức giá 270.000 đồng/CP.
Bên cạnh đó, các mã lớn khác như VIC, GAS, BID, CTG cũng góp phần gia tăng gánh nặng lên thị trường.
Đặc biệt, VRE sau 3 phiên liên tiếp làm bệ đỡ vững chắc cho thị trường đã quay đầu giảm khá mạnh và ghi nhận phiên giảm điểm đầu tiên kể từ ngày chào sàn. Hiện VRE giảm 2,1% xuống mức giá 46.000 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 1,76 triệu đơn vị.
Tâm điểm đáng chú ý trong phiên sáng nay là các cổ phiếu nằm trong danh mục thoái vốn của SCIC trong thời gian tới đây là FPT, BMP, DMC, NTP, VCG đang tăng điểm khá mạnh.
Cụ thể, DMC sau 2 phiên tăng trần đã tiếp tục khởi sắc với mức tăng 5%, tạm đứng ở mức giá 126.000 đồng/CP, FPT tăng 4,3% lên mức 56.200 đồng/CP, BMP tăng 1,7% lên mức 88.500 đồng/CP, VCG tăng 0,8% lên mức 25.000 đồng/CP, NTP tăng 3,8% lên mức 82.000 đồng/CP.
Mặc dù chủ yếu thời gian trong phiên sáng, VN-Index đều đứng dưới mốc tham chiếu nhưng màn đảo chiều thành công của “ông lớn” VNM đã trở thành điểm tựa giúp chỉ số này hồi phục và kịp chớm chạm sắc xanh khi chốt phiên.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE khá cân bằng với 131 mã tăng và 127 mã giảm, VN-Index tăng nhẹ 0,51 điểm (+0,06%) lên 881,41 điểm. Thanh khoản giảm đáng kể so với phiên sáng qua với khối lượng giao dịch đạt 102,82 triệu đơn vị, giá trị hơn 3.634 tỷ đồng, giảm 22,18% về lượng và 38,51% về giá trị.
Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 7,7 triệu đơn vị với tổng giá trị 1.239,57 tỷ đồng, trong đó riêng VNM thỏa thuận 6,43 triệu đơn vị, giá trị 1.192,12 tỷ đồng.
Trong nhóm cổ phiếu lớn, SAB, VIC, GAS, MSN vẫn chưa thoát khỏi sắc đỏ, đáng kể VRE khá tiêu cực khi giảm mạnh 5,1% xuống mức giá 44.600 đồng/CP với khối lượng khớp 4,58 triệu đơn vị, đóng vai trò là lực hãm chính của thị trường.
Trái lại, nhờ sự hậu thuẫn của nhà đầu tư ngoại, cổ phiếu VNM đã đảo chiều hồi phục về cuối phiên, sau phiên giảm khá sâu ngày hôm qua. Hiện VNM tăng 0,9% lên mức 181.600 đồng/CP với khối lượng khớp 648.450 đơn vị.
Bên cạnh VNM, những mã trong danh mục thoái vốn của SCIC trong năm 2017 cũng đều giữ sắc xanh vững chắc như FPT tăng 3,7% lên mức 55.900 đồng/CP, BMP tăng 1,4% lên mức 88.200 đồng/CP, DMC tăng mạnh 6% lên mức 127.200 đồng/CP, NTP tăng 0,8% lên mức 79.600 đồng/CP, VCG tăng 0,4% lên mức 24.900 đồng/CP.
Nhóm cổ phiếu thép tiếp tục duy trì đà tăng tốt như HPG tăng 2,7% lên mức 38.400 đồng/CP, HSG tăng 2,3% lên mức 24.400 đồng/CP, NKG tăng 1,7% lên mức 38.200 đồng/CP, TLH tăng 0,5% lên mức 10.900 đồng/CP.
Một trong những điểm đáng chú ý trong phiên sáng nay là HDG. Sau phiên hồi nhẹ ngày hôm qua, HDG đã trở lại rung lắc ngay đầu phiên sáng nay, tuy nhiên lực cầu hấp thụ mạnh đã giúp cổ phiếu này bật cao. Đóng cửa, HDG tăng 6,9% lên mức giá trần 32.700 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lớn nhất kể từ ngày chào sàn (tháng 2/2010) đạt 5,55 triệu đơn vị và dư mua trần 462.930 đơn vị.
Trên sàn HNX, diễn biến phiên sáng nay kahs rung lắc với những nhịp điều chỉnh nhẹ, tuy nhiên chỉ số sàn đã may mắn chốt phiên trong sắc xanh nhạt.
Cụ thể, HNX-Index tăng nhẹ 0,05 điểm (+0,04%) lên 107,11 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 11 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 182,81 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 28.800 đơn vị, giá trị chỉ 2,2 tỷ đồng.
Các mã hỗ trợ giúp thị trường giữ đà tăng điểm như ACB tăng 0,93% lên mức 32.500 đồng/CP, DBC tăng 6,09% lên mức 24.400 đồng/CP, TV2 tăng 2,96% lên mức 156.500 đồng/CP, VCG, NTP, VCS…
Trong khi đó, các cổ phiếu chứng khoán và dầu khí đang giao dịch thiếu tích cực như BVS giảm 3,6% xuống mức 19.000 đồng/CP, CTS giảm 1,5% xuống 9.800 đồng/CP, MBS giảm 0,8% xuống 13.000 đồng/CP… hay PVS giảm 0,6% xuống mức 15.900 đồng/CP, PVC giảm 2% xuống mức 9.800 đồng/CP, PVB giảm 1,9% xuống 15.700 đồng/CP…
Thanh khoản trên sàn HNX khá hạn chế, chỉ có 4 mã có khối lượng khớp lệnh với đơn vị triệu. Trong đó, CEO dẫn đầu với khối lượng khớp 2,72 triệu đơn vị; tiếp đến SHB khớp 2,18 triệu đơn vị, PVS và VCG cùng khớp trên dưới 1,7 triệu đơn vị.
Trái lại, trên sàn UPCoM, sau nhịp điều chỉnh nhẹ đầu phiên đã hồi phục và duy trì đà tăng khá tốt.
Chốt phiên sáng, UPCoM-Index tăng 0,16 điểm (+0,3%) lên 52,82 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 5,98 triệu đơn vị, giá trị 106,34 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt hơn 1,5 triệu đơn vị, giá trị 159,65 tỷ đồng, trong đó SCS thỏa thuận 1,28 triệu đơn vị, giá trị 155,3 tỷ đồng.
Các cổ phiếu lớn đã tăng khá tốt như DVN, GEX, MSR, ACV, MCH, TLT…, hỗ trợ tích cực cho thị trường giữ nhịp tăng.
Đáng kể, ART sau 2 phiên điều chỉnh đã khởi sắc với mức tăng 14,7% lên mức giá trần 16.400 đồng/CP với khối lượng giao dịch sôi động đạt 2,06 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản trên sàn UPCoM và còn dư mua trần 2,03 triệu đơn vị.
Trong khi đó, DVN đứng thứ 2 về thanh khoản với hơn 1 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công và chốt phiên đứng tại mức giá 17.800 đồng/CP, tăng hơn 4,7%.