Trong phiên giao dịch cuối tuần trước, áp lực chốt lời mạnh đã xuất hiện khá sớm trong phiên sáng, đặc biệt ở nhiều mã cổ phiếu ngân hàng, và tiếp tục giằng co trong phiên chiều.
Tuy nhiên, với dòng tiền nhập cuộc và chuyển hướng sang một số cổ phiếu thị trường, và các mã vốn hóa lớn như VIC, VRE, MSN, ROS..cũng giúp VN-Index đứng vững trên mốc 1.050 điểm khi chốt phiên.
Theo một số công ty Chứng khoán, việc nhóm cổ phiếu “nóng” hút dòng tiền là ngân hàng và đang dẫn dắt tâm lý thị trường gặp áp lực bán chốt lời sẽ có ảnh hưởng lớn đến xu hướng của thị trường trong tuần này.
Do đó, đa số đều cho rằng trong tuần giao dịch này, VN-Index sẽ giằng co và đi ngang trong biên độ khoảng 1.040 và 1.060 điểm.
Bước vào phiên giao dịch sáng nay (15/1), đúng như dự đoán, nhiều cổ phiếu ngân hàng tiếp tục giao dịch trong sắc đỏ như STB MBB, CTG, ACB, VCB, (đặc biệt STB thanh khoản hơn 10 triệu đơn vị khớp lệnh chỉ sau gần 1h giao dịch) cùng sự hỗ trợ không thực sự tốt từ một số cổ phiếu vốn hóa lớn như GAS, VNM, MSN, và một vài bluechip đã khiến VN-Inde lao thẳng xuống dưới tham chiếu, mất gần 7 điểm chỉ sau vài phút giao dịch.
Nhưng điểm rơi này không làm nhà đầu tư nao núng, dòng tiền ngay lập tức nhập cuộc trở lại, các mã nhỏ và vừa nổi sóng, độ rộng thị trường cân bằng trở lại trên HOSE và nhóm VN30 nói riêng.
HHS, HAG, HAI, ASM, SCR, KSA, DXG...đang hút dòng tiền, trong khi MBB và VPB cũng trở lại sắc xanh, VCB vươn lên tham chiếu, cùng đà tăng được nới rộng của VIC, PLX, BVH đã kéo VN-Index tăng điểm nhẹ trở lại.
Dòng tiền trong phiên giao dịch sáng nay có phần thận trọng hơn khi áp lực bán lớn xuất hiện ở cuối phiên trước và đầu phiên sáng nay, khiến thanh khoản sụt giảm. Tuy nhiên, thị trường vẫn đang duy trì trạng thái tích cực khi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn đứng vững.
Ngoài ra, độ rộng thị trường trên HOSE cũng nghiêng dần về các mã tăng điểm, kể cả trong nhóm VN30, cũng là động lực tâm lý tốt, kéo VN-Index tăng điểm trở lại sau khi điều chỉnh đầu phiên.
Chốt phiên sáng 15/1, sang HOSE có 146 mã tăng và 127 mã giảm, VN-Index tăng 2,35 điểm (+0,22%) lên 1.052,46 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 162,75 triệu đơn vị, giá trị 3.959,98 tỷ đồng, giảm 24,65% về lượng và 29,83% về khối lượng so với phiên sáng 12/1. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 19,95 triệu đơn vị, giá trị 549,33 tỷ đồng.
Tâm điểm phiên sáng nay vẫn là STB khi có khối lượng khớp lệnh rất cao và bỏ cách rất xa phần còn lại trên sàn HOSE với hơn 23,4 triệu đơn vị. Tuy nhiên chốt phiên, STB giảm 1,9% xuống 15.200 đồng/cổ phiếu, mặc dù đã có lúc được kéo lên tham chiếu.
Ngoại trừ STB, điều chỉnh trở lại trong nhóm ngân hàng sáng nay còn có HDB và EIB đứng ở tham chiếu. Trong khi đó, các mã ngân hàng khác lại đồng loạt khởi sắc trở lại sau giao dịch với sắc đỏ trong hầu hết thời gian giao dịch sáng như CTG, BID, MBB, VCB, VPB.
Cụ thể, MBB tăng 2,5%, khớp 4,33 triệu đơn vị; CTG tăng 0,4%, khớp hơn 2 triệu đơn vị; VPB tăng 1,7%, khớp 1,63 triệu đơn vị, BID và VCB tăng nhẹ hơn 0,3% và có hơn 800.000 đơn vị khớp lệnh.
Top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn đang duy trì được sức nặng của mình, khi chỉ còn 3 mã giảm là VNM (-0,8%), MSN (-1,5%) và GAS (-0,6%), trong khi SAB, VIC, PLX và sự trở lại của 3 cổ phiếu ngân hàng lớn là VCB, CTG và BID đều tăng điểm.
Trong đó, hôm nay là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức của SAB. Chốt phiên, cổ phiếu này tăng nhẹ 0,3%, lên 158.000 đồng; VIC tăng 2,1% lên 87.200 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh gần 2 triệu đơn vị; PLX tăng 1,2% lên 87.700 đồng/cổ phiếu, khớp gần 600.000 đơn vị.
Nhìn rộng ra hơn là top 20 mã vốn hóa lớn nhất, ngoài HDB, cũng chỉ có thêm ROS và BHN giảm, còn lại đều tăng, với nhiều mã tăng tốt như VJC (+,186%), (VPB (+1,7%), BVH (+1,88%)…
Nhóm VN30 cũng giao dịch tích cực trở lại, các mã có hơn 1 triệu đơn vị ngoài STB chỉ còn KBC giảm, SBT vươn lên tham chiếu sau khi bị bán mạnh đầu phiên thì còn lại đều tăng như SSI, HSG, PVD, VIC, FPT, HPG, NVL…
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, trong khi các cổ phiếu FLC, HAI, AMD, OGC, HQC, IDI và ITA đóng cửa trong sắc đỏ, thì phần còn lại đều duy trì được sắc xanh và thanh khoản tốt như HHS, ASM, HAG, HAG, SCR, DXG, KSA.
Trong đó, HHS có hơn 5,96 triệu đơn vị khớp lệnh, ASM có 5,2 triệu đơn vị, HAG khớp 4,33 triệu đơn vị, SCR khớp 4,08 triệu đơn vị, KSA tăng kịch trần, khớp 2,4 triệu đơn vị, DXG khớp 2,73 triệu đơn vị…
FLC khớp 4,12 triệu đơn vị, HAI khớp 3,64 triệu đơn vị, AMD khớp 1,8 triệu đơn vị, HQC khớp 2,52 triệu đơn vị; OGC khớp 1,42 triệu đơn vị, IDI khớp hơn 2,1 triệu đơn vị…
Trên sàn HNX, thanh khoản cũng sụt giảm mạnh cả về khối lượng và giá trị, nhưng ngoại trừ ACB giảm giá, gây ảnh hưởng đến chỉ số, thì các mã khác đều giao dich tích cực, giữ cho thị trường tăng điểm như SHB, PVS, VCG.
Cụ thể, SHB tăng 3,9% lên 10.600 đồng/cổ phiếu, khớp 19,15 triệu đơn vị; PVS tăng 2,2% lên 27.900 đồng/cổ phiếu, khớp 4,33 triệu đơn vị; VCG tăng nhẹ 0,4% lên 22.900 đồng/cổ phiếu, khớp gần 1 triệu đơn vị.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,39 điểm (+0,33%), lên 121,15 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 40,85 triệu đơn vị, giá trị 586,86 tỷ đồng, giảm 42,4% về khối lượng và 44,52% về giá trị so với phiên sáng 12/1. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 1 triệu đơn vị, giá trị hơn 9,88 tỷ đồng.
Tương tự, trên UpCoM, thanh khoản cũng chỉ còn vỏn vẹn hơn 4,7 triệu đơn vị, nhưng chỉ số UPCoM-Index lại tăng 1 điểm (+1,73%) lên mức 59,11 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 4,79 triệu đơn vị, giá trị 74,58 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 1,94 đơn vị, giá trị 66,08 tỷ đồng.
Toàn sàn không có mã nào đến 1 triệu đơn vị khớp lệnh, đứng đầu là LPB với hơn 850.000 đơn vị, chốt phiên giảm 3,1% xuống 15.700 đồng/cổ phiếu.
2 mã lớn đáng chú ý khác là DVN và HVN cũng suy giảm với trên dưới 500.000 cổ phiếu được sang tay, chốt phiên giảm lần lượt 1,5% và 0,2%.
Điểm tích cực chỉ còn ở VIB và 2 mã nhỏ SBS và PVO. Trong khi VIB tăng 3,9% và SBS tăng 3,6% thì PVO tăng kịch trần 14,3% nhưng khớp lệnh chỉ vài trăm nghìn đơn vị.