Căng thằng Mỹ Trung trở lại đã phần nào tác động khá tiêu cực lên hệ thống tài chính toàn cầu nói chung và thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng. Các chỉ số chung của đều để mất điểm, trong đó VN-Index giảm gần 17 điểm, tương ứng giảm 1,7% và lùi về dưới mốc 975 điểm.
Bên cạnh đó, áp lực bán từ nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đè nặng lên tâm lý toàn thị trường khi liên tục bán ròng hàng trăm tỷ đồng qua từng phiên. Tính trong 7 phiên đầu tiên của tháng 8, khối này đã bán ròng tới 1.313 tỷ đồng, trong đó riêng tuần vừa qua bán ròng gần 1.040 tỷ đồng.
Theo đánh giá của ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS, sau 2 tuần điều chỉnh, thị trường có khả năng sẽ tiếp tục điều chỉnh thêm, nhóm bluechips sẽ tiếp tục gặp khó nhất là trong tuần tới hợp đồng phái sinh tháng 8 sẽ đáo hạn. Tuy vậy, nếu tình hình thế giới không có gì xấu thì nguy cơ giảm sâu cũng ít xảy ra.
Bước vào phiên giao dịch sáng nay 12/8, thị trường nhanh chóng khởi sắc trở lại nhờ sự hồi phục của một số cổ phiếu bluechip. Tuy nhiên, lực cầu khá thận trọng khiến thị trường thiếu động lực để bật cao. Chỉ số VN-Index chỉ đi lên và chưa thể tiếp cận mốc 980 điểm đã bị đẩy lùi trở lại.
Sau khoảng 1 giờ giao dịch, khi áp lực bán gia tăng khiến sắc đỏ dần chiếm ưu thế, trong đó nhiều mã trong nhóm Vn30 cũng quay đầu điều chỉnh khiến thị trường trở nên rung lắc và lùi về dưới mốc tham chiếu.
Bên cạnh các mã lớn giao dịch giảm nhẹ như VHM, VNM, VRE…, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng tạo sức ép cho thị trường, đáng kể VCB giảm 1% xuống 77.700 đồng/CP.
Điểm nhấn thị trường trong phiên sáng nay vẫn là các cổ phiếu vừa và nhỏ. Lực cầu sôi động giúp nhiều mã thị trường quen thuộc giao dịch khởi sắc với khối lượng khớp một vài triệu đơn vị như ITA, SCR, KBC, DXG… hay HAR tiếp tục bảo toàn sắc tím.
Sau hơn 30 phút lình xình dưới mốc tham chiếu, thị trường đã đảo chiều hồi phục. Tuy nhiên, sự phân hóa của thị trường, trong khi thiếu trụ đỡ mạnh khiến VN-Index chỉ tăng nhẹ.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 142 mã tăng và 141 mã giảm, chỉ số VN-Index tăng 1,49 điểm (+0,15%) lên 975,83 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 96,09 triệu đơn vị, giá trị 1.792,75 tỷ đồng, tăng hơn 19,5% về lượng và 7,95% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước (9/8).
Giao dịch thỏa thuận đạt 29,9 triệu đơn vị, giá trị 518,2 tỷ đồng, trong đó, FPT thỏa thuận 3,77 triệu đơn vị, giá trị 204,21 tỷ đồng; HNG thỏa thuận 7,72 triệu đơn vị, giá trị 138,97 tỷ đồng.
Nhóm VN30 là trụ đỡ chính của thị trường khi có 18 mã tăng, trong đó điển hình một số mã như GAS tăng 1,38% lên 102.700 đồng/CP, HPG tăng 3,03% lên 23.800 đồng/CP, FPT tăng 2,35% lên 52.300 đồng/CP, các mã VHM, VIC, MSN… cũng khởi sắc.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng diễn biến phân hóa, cụ thể VCB, CTG, BID, EIB, HDB đều giao dịch dưới mốc tham chiếu với mức giảm trên dưới 1%, trong khi TCB, STB, VPB chỉ đủ xanh nhạt.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, cổ phiếu ITA tăng 3,45% lên 3.600 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 6,52 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản trên sàn HOSE; các mã SCR, KBC, DXG, HAG, PVD… cũng khởi sắc với thanh khoản tích cực. Trong đó, HAR giữ mức giá trần 3.560 đồng/CP và còn dư mua trần 298.100 cổ phiếu.
Đáng chú ý, cổ phiếu GAB có phiên tăng trần thứ 6 liên tiếp, tạm chốt phiên sáng nay tại mức giá 14.200 đồng/CP với khối lượng dư mua trần 425.640 đơn vị, trong khi bên bán vắng bóng.
Tương tự, trên sàn HNX, sau diễn biến rung lắc giữa phiên cũng đã giao dịch khởi sắc trở lại.
Chốt phiên sáng, HNX-Index tăng nhẹ 0,09 điểm (+0,09%) lên 102,87 điểm, thanh khoản đạt xấp xỉ phiên sáng cuối tuần trước (9/7) với tổng khối lượng giao dịch đạt 12,56 triệu đơn vị, giá trị 160,35 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có đóng góp thêm 3,47 triệu đơn vị, giá trị 32,32 tỷ đồng.
Một số mã bluechip hỗ trợ cho nhịp hồi phục của thị trường như VCS tăng 1,1% lên 86.500 đồng/CP, SHB tăng 1,6% lên 6.500 đồng/CP, PVI, PVS, PVB…
Trái lại, VCG quay đầu đi xuống sau 2 phiên giữ giá cuối tuần trước, với mức giảm 1,1% xuống 26.200 đồng/CP; ngoài ra, DGC, TNG, PHP… cũng tác động thiếu tích cực tới thị trường.
Trên sàn HNX, chỉ có 2 mã thị trường giao dịch trên 1 triệu đơn vị là PVS khớp 2,81 triệu đơn vị và HUT khớp 1,47 triệu đơn vị. Tuy nhiên, cả 2 mã này đều chịu áp lực bán mạnh sau phiên tăng trần cuối tuần trước, trong đó PVX lùi về mức giá sàn 1.200 đồng/CP, còn HUT đứng tại mức giá tham chiếu.
Trên UPCoM, sau nhịp hồi giữa phiên, UPCoM-Index đã đảo chiều giảm và chốt phiên trong sắc đỏ.
Cụ thể, UPCoM-Index giảm 0,41 điểm (-0,71%) xuống 58,02 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 5,53 triệu đơn vị, giá trị 115,37 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 3,11 triệu đơn vị, giá trị hơn 213 tỷ đồng. Trong đó, riêng SIP thỏa thuận 2 triệu đơn vị, giá trị 198 tỷ đồng.
Cổ phiếu GVR vẫn giao dịch trong sắc đỏ khi giảm 1,2% xuống 16.400 đồng/CP và vẫn là mã giao dịch sôi động nhất, đạt 811.500 đơn vị.
Trong khi đó, BSR tăng 2% lên 10.200 đồng/CP và đứng ở vị trí thứ 2 về thanh khoản với 748.900 cổ phiếu được giao dịch thành công.