Phiên sáng 12/1: HDB nổi sóng, lọt vào top 20 mã vốn hóa lớn nhất HOSE

(ĐTCK) Nhóm ngân hàng tiếp tục gây chú ý trong phiên giao dịch sáng nay với dòng tiền ngoại chảy mạnh vào HDB, kéo mã này nổi sóng và gia nhập top 20 mã có vốn hóa lớn nhất sàn HOSE.
Phiên sáng 12/1: HDB nổi sóng, lọt vào top 20 mã vốn hóa lớn nhất HOSE

Theo thống kê nhiều năm trở lại đây, tháng 1 thường là giai đoạn thị trường có sự tăng trưởng tốt nhất. Kể từ khi thị trường mở cửa năm 2000 đến nay, mức tăng bình quân của tháng 1 là 5,5%, cao nhất trong 12 tháng. Tháng 1/2018 đã đi qua được gần 1 nửa theo đúng xu hướng này với mức tăng trưởng khá mạnh.

Kể từ những phiên giao dịch đầu tiên của năm 2018, thị trường đã bật cao và nhanh chóng lập đỉnh 1.000 điểm trong 10 năm qua. Và với chỉ duy nhất 1 phiên điều chỉnh ngày 5/1, trong 8 phiên giao dịch của tháng 1, VN-Index đã có mức tăng “đáng nể” gần 64 điểm, tức là mỗi phiên tăng trung bình 8 điểm.

Theo đánh giá của ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên gia chiến lược thị trường CTCP Chứng khoán Ngân hàng công thương Việt Nam, nhà đầu tư dường như đang “say chứng” trước những dự báo về một năm 2018 sẽ còn tích cực hơn 2017.

Đồng thời, ông Hưng cho biết, tâm lý thị trường đang rất mạnh, khả năng điều chỉnh nếu có chỉ thoáng qua. Dòng tiền đang “cuồn cuộn” đổ vào chứng khoán và có thể còn nhiều hơn nữa. “Trong ngắn hạn, thị trường đang ở giai đoạn “độc cô cầu bại”, bởi yếu tố dòng tiền đang rất mạnh. Nhà đầu tư sẵn sàng chờ thời khắc thị trường vượt đỉnh lịch sử năm 2007”.

Phiên giao dịch ngày hôm qua (11/1) cũng như những phiên trước đó trong tuần này, dòng tiền trong nước và nước ngoài đã chạy đua tham gia mạnh mẽ giúp thanh khoản thị trường tang vọt, trung bình đạt hơn 8.000 tỷ đồng trên mỗi phiên chỉ tính riêng sàn HOSE, trong khi nhà đầu tư nước ngoài cũng liên tiếp mua ròng hàng trăm tỷ đồng mỗi phiên. Đây sẽ là những yếu tố hỗ trợ tích cực cho thị trường tiến bước chinh phục những đỉnh cao mới.

Bước vào phiên giao dịch sáng cuối tuần 12/1, tâm lý nhà đầu tư vẫn hưng phấn giúp dòng tiền nhập cuộc khá mạnh ngay từ đầu phiên và các chỉ số thị trường đều mở cửa trong sắc xanh.

Lực cầu vẫn duy trì ổn đỉnh và có tính lan tỏa khi sang đợt khớp lệnh liên tục giúp sắc xanh mở rộng hơn, tiếp tục dẫn dắt VN-Index đi lên. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu Vn30 dường như có phần hạ nhiệt so với phiên chiều qua khiến tốc độ tăng có phần chậm tiến.

Tuy nhiên, sau gần 1 giờ đi ngang quanh mốc 1050 điểm, dòng tiền ồ ạt đổ vào thị trường giúp một số mã lớn và bluechip tiếp tục tăng, đã chắp cánh cho thị trường bay cao, chỉ số Vn-Index dần tiếp cận ngưỡng kháng cự mới 1055 điểm.

Trong khi đó, trên sàn HNX, dù có chút quay đầu điều chỉnh nhẹ sau khi mở cửa khởi sắc, nhưng sắc xanh cũng đã nhanh chóng trở lại dưới sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu bluechip.  

Tuy nhiên, đột biến đã xẩy ra về cuối phiên giao dịch khi áp lực bán bất ngờ gia tăng mạnh khiến nhiều mã lớn bé đảo chiều giảm điểm và đà tăng của VN-Index thu hẹp đáng kể, trong khi đó HNX-Index đã chào thua và lui về dưới mốc tham chiếu.

Chốt phiên sang 12/1, sàn HOSE có 120 mã tăng và 153 mã giảm, VN-Index tăng 3,52 điểm (+0,34%) lên mức 1.051,69 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt gần 216 triệu đơn vị, giá trị 5.643,46 tỷ đồng, tăng 12% về lượng và 22,68% về giá trị so với phiên sáng qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 19,47 triệu đơn vị, giá trị 649,45 tỷ đồng.

Tương tự, sắc đỏ cũng chiếm áp đảo trên sàn HNX với 92 mã giảm và 53 mã tăng, chốt phiên HNX-Index giảm 0,2 điểm (-0,16%) xuống 122,64 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 71 triệu đơn vị, giá trị 1.057,94 tỷ đồng, tăng 45,31% về lượng và 58,48% về giá trị so với phiên sáng qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm 9,33 triệu đơn vị, giá trị hơn 398 tỷ đồng, trong đó HHC thỏa thuận 6,33 triệu đơn vị, giá trị 335,3 tỷ đồng.

Bên cạnh sắc đỏ lan rộng bảng điện tử, trong nhóm VN30 và HNX30, số mã giảm cũng chiếm phần lớn. Với Vn30 có tới 19 mã giảm và 10 mã tăng, còn HNX30 cũng chỉ có 7 mã tăng và 14 mã giảm.

Sau diễn biến phân hóa đầu phiên, hầu hết các cổ phiếu trong nhóm ngân hàng kể cả VCB cũng đảo chiều giảm điểm.

Tuy nhiên, trái với diễn biến phần lớn dòng bank, thành viên mới nhất của nhóm là HDB vẫn khoe sắc. Dù có chút ngập ngừng đầu phiên, nhưng lực cầu hấp thụ gia tăng mạnh đã nhanh chóng kéo HDB tăng kịch trần. Không chỉ nhà đầu tư trong nước, khối ngoại cũng đã tham gia tích cực trong phiên sáng nay khi được mua ròng tới gần 5 triệu đơn vị. Chốt phiên, HDB tăng 6,8% lên mức giá 45.400 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt gần 14 triệu đơn vị, chỉ thua “người anh em” STB về thanh khoản trên thị trường.

Với việc leo lên mức giá 45.400 đồng/CP, giá trị vốn hóa của HDB đạt hơn 44.537 tỷ đồng, đã vươn lên trong top 20 mã có vốn hóa lớn nhất thị trường.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu dầu khí cũng ảm đạm sau nhịp tăng đầu phiên như GAS đảo chiều giảm sau 3 phiên tăng liên tiếp với mức giảm 1,3% xuống mức 101.900 đồng/CP, PLX cũng quay đầu đi xuống khi giảm 1,4% rơi về mức thấp nhất 87.000 đồng/CP, các mã PVD, PVS, PVC… đều giảm.

Ngoài ra, nhiều mã vốn hóa lớn khác như VNM, SAB, VJC cũng đều nới rộng đà giảm.

Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng phân hóa, trong khi ASM, FLC, OGC, VIC vẫn tăng nhẹ thì HQC, KBC, DIG, DXG… đảo chiều giảm.

Trái với diễn biến lao dốc của 2 sàn chính, sàn UPCoM vẫn tăng khá tốt đến hết phiên.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,47 điểm (+0,81%) lên mức 58,08 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 12,45 triệu đơn vị, giá trị 203,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 481.270 đơn vị, giá trị 10,68 tỷ đồng.

Cổ phiếu LPB vẫn dẫn đầu thanh khoản với 2,73 triệu đơn vị được chuyển nhượng và chốt phiên tại mức giá 16.000 đồng/CP, tăng 11,11%.

Bên cạnh đó, sau thông tin chính thức lên sàn HOSE vào ngày 18/1 tới với giá tham chiếu 25.100 đồng/CP, cổ phiếu GEX tiếp tục khởi sắc với mức tăng 8,6% lên mức giá cao nhất phiên 32.700 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt 2,22 triệu đơn vị, đứng thứ 2 về thanh khoản trên sàn UPCoM.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục