Phiên sáng 11/9: Dòng tiền cải thiện, VN-Index tăng mạnh

(ĐTCK) Cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường VIC, giống như phiên sáng qua, đang tiếp diễn việc đóng vai trò vừa là lực đỡ vừa là lực nâng cho chỉ số VN-Index trong phiên sáng nay.
Phiên sáng 11/9: Dòng tiền cải thiện, VN-Index tăng mạnh

Trong phiên sáng hôm qua, lực cầu khá hạn chế trong khi áp lực bán vẫn khá lớn khiến thị trường tiếp tục rung lắc.

Tuy nhiên, trong nửa cuối phiên, sự hồi phục của các mã vốn hóa lớn, đặc biệt là VIC và nhóm dầu khí đã giúp VN-Index tiến sát mốc 975 điểm.

Trong phiên chiều, áp lực bán gia tăng khiến độ rộng của các mã lớn, đặc biệt là GAS, VNM, VRE, BID, thậm chí đảo chiều giảm như CTG, VHM.

Trong khi đó, VIC duy trì sự khởi sắc và là điểm tựa chính giúp thị trường duy trì đà tăng, VN-Index giữ được mốc 970 điểm khi đóng cửa.

Theo TVSI nhận định, cây nến dạng Doji hình thành sau phiên tăng mạnh thể hiện sự lưỡng lự của dòng tiền, điều này giúp cho kịch bản đi ngang tích lũy trong ngắn hạn tiếp tục được đánh giá cao.

Sự phân hóa sẽ diễn ra mạnh mẽ, trong đó, các nhóm cổ phiếu có triển vọng kinh doanh tích cực, đặc biệt trong quý III tới như chứng khoán, dệt may và một số cổ phiếu bất động sản sẽ hút dòng tiền. Rủi ro điều chỉnh trở lại cũng cần được lưu ý.

Bước vào phiên giao dịch sáng nay 11/9, sau nhịp rung lắc nhẹ trong khoảng 30 phút kể từ khi mở cửa, VN-Index đã tiến thẳng lên trên 975 điểm nhờ đóng góp chủ yếu từ đà tăng được nới rộng của 2 cái tên quen thuộc VIC và GAS, cũng như sự tích cực tại các bluechip trong rổ VN30, khi mà số mã tăng đang chiếm ưu thế.

Trong khi đó, các mã giảm lại cũng chỉ ở biên độ thấp đã không gây cản trở cho sự đi lên của chỉ số.

Nhờ vào đầu tàu VIC, nhóm cổ phiếu bất động sản đã được nâng đỡ, từ các mã lớn nhỏ đa số có sắc xanh như FLC, QCG, PDR, VRC, SCR, NLG, VRE, DXG, DIG, KDH…trong khi chỉ một số ít mất điểm như OGC, KBC, HAR, HQC và NVL.

Còn lại các nhóm ngành và cổ phiếu khác vẫn tiếp diễn phân hóa như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, tiêu dùng…

Sau khi khá chật vật để tiến lên ngưỡng 975 điểm trong nửa đầu phiên, thì sau nửa cuối phiên, dòng tiền đã tự tin nhập cuộc khiến sắc xanh lấn át, nhóm VN30 cũng thêm nhiều mã đảo chiều tăng, trong khi VIC và GAS vẫn đứng vững, và thêm VNM nới rộng đà tăng đã kéo chỉ số VN-Index vượt qua 980 điểm.

Tuy nhiên, trong ít phút cuối, áp lực chốt lời nhẹ diễn ra, VN-Index đánh mất mốc 980 điểm đầy đáng tiếc khi tạm nghỉ giờ trưa.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 146 mã tăng và 103 mã giảm, VN-Index tăng 9,01 điểm (+0,93%), lên 979,35 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 109,2 triệu đơn vị, giá trị 2.017,23 tỷ đồng, tăng hơn 11% về khối lượng và 13% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 19,59 triệu đơn vị, giá trị gần 200 tỷ đồng.

Như đã đề cập, cổ phiếu lớn VIC hoạt động tích cực đã là động lực chính của thị trường cũng như tạo sức bật cho nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng trong bối cảnh gần như các nhóm cổ phiếu khác vẫn chịu sự phân hóa cao.

Theo đó, VIC +2,2% lên 101.500 đồng, người ‘anh em’ VRE cũng tăng khá +1,9% lên 38.450 đồng. Các mã bất động sản khác lớn nhỏ khác cũng được ảnh hưởng tích cực như FLC, DXG, QCG, PRD, DIG, VRC, SCR, LDG, NLG…

Mất điểm chỉ còn một số ít như OGC, HAR, TDH, NVL, hoặc thu hẹp đà giảm vươn lên tham chiếu như HQC, TCH, KBC…

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn khác tăng tốt có thêm VNM +2,1% lên 130.300 đồng; GAS +1,8% lên 102.600 đồng; MSN + 0,1% lên 91.600 đồng.

Nhóm 3 cổ phiếu ngân hàng lớn cũng đã hút người mua với BID +1,8% lên 34.600 đồng; VCB +1,3% lên 62.800 đồng; CTG +1,1% lên 26.500 đồng.

Trong khi đó thì mất điểm chỉ còn VHM -0,1% xuống 104.500 đồng; SAB -0,4% xuống 222.000 đồng; TCB -0,6% xuống 25.350 đồng.

Các bluechip trong rổ VN30 cũng đã hồi phục khá tốt với 22 mã tăng và chỉ 5 mã giảm, trong đó tăng tốt ngoài VIC, VNM, VRE, GAS thì còn có MWG +1,45% lên 119.100 đồng; HPG +1,5% lên 39.800 đồng; SSI +1,8% lên 31.850 đồng...

Đi xuống ngoài NVL, SAB còn BMP -0,4% xuống 56.000 đồng; DPM -0,6% xuống 17.400 đồng và DHG -0,1% xuống 91.800 đồng, và nhóm HSG, CII và KDC đứng tham chiếu.

Nhóm cổ phiếu thị trường hầu hết tăng với FLC, GTN, HAG, IDI, DXG, GEX, PVD, KSH, DIG, TCM, ITA, HNG…khớp lệnh từ hơn nửa triệu đến 2,9 triệu đơn vị, riêng HAG có 5,85 triệu đơn vị, FLC có 3,9 triệu đơn vị.

Khớp lệnh cao nhất sàn là OGC với hơn 6 triệu đơn vị, cổ phiếu này đã có thời điểm rơi xuống mức giá sàn, và chốt phiên vẫn giảm mạnh -6,4% xuống 2.700 đồng.

Một số cổ phiếu khác đáng chú ý là HDG +5,8% lên 35.800 đồng; YBM +6,3% lên 27.900 đồng; CTM +5,2% lên 25.250 đồng; VND +4% lên 23.200 đồng và CTI -6,4% xuống 26.350 đồng; TGG -4,8% xuống 18.000 đồng…

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index giao dịch phần lớn thời gian trên tham chiếu, mặc dù cũng có vài nhịp rung lắc, bị đẩy xuống tham chiếu, nhưng trong những phút cuối cũng đã vọt lên nhờ đà tăng được nới rộng từ nhóm cổ phiếu lớn chi phối.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 49 mã tăng và 61 mã giảm, HNX-Index tăng 0,62 điểm (+0,56%), lên 111,31 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 22,85 triệu đơn vị, giá trị 256,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 830.000 đơn vị, giá trị 13 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu lớn và thanh khoản tốt đều tăng như PVS +2,4% lên 21.400 đồng; SHB +1,2% lên 8.300 đồng; ACB +0,9% lên 33.100 đồng; NVB +1,2% lên 8.600 đồng; MBS +1,2% lên 16.200 đồng; SHS +2,1% lên 14.900 đồng; VCG +1,2% lên 17.300 đồng; CEO +1,6% lên 13.000 đồng; HUT +2% lên 5.100 đồng.

Trong khi giảm điểm chỉ còn VCS -0,2% xuống 88.200 đồng, cùng VGC, PVI đứng tham chiếu.

Khớp lệnh tốt nhất sàn là PVS với hơn 3 triệu đơn vị; SHB có 2,2 triệu đơn vị; HUT có 1,36 triệu đơn vị; ACB có 1,3 triệu đơn vị…

Trên UpCoM, sau khi mở cửa chớm đỏ, chỉ số UpCoM-Index đã liên tục đi lên và chốt phiên tại mức điểm cao nhất phiên sáng nay.

Đà đi lên của chỉ số được hỗ trợ bởi POW +3,5%; BSR +3,6%; OIL +2,8%; HVN +0,5%; VEA +0,3%; QNS +1,8%; VIB +2,6%; MSR +1,9%...

Trong khi mất điểm chỉ có LPB -1,1%; DVN -0,8%; MPC -0,8%...

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,21 điểm (+0,4%), lên 51,25 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 9,15 triệu đơn vị, giá trị 132,78 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 12,27 triệu đơn vị, giá trị 401 tỷ đồng, trong đó có hơn 9,22 triệu cổ phiếu MPC trị giá 347,4 tỷ đồng.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục