Sau tuần giảm khá mạnh cuối tháng 5, thị trường đã có những nhịp hồi phục tích cực trong tuần giao dịch đầu tháng 6. Đặc biệt, phiên bật cao ngày cuối tuần (7/6) đã giúp VN-Index lấy lại gần hết những gì để mất trong phiên đầu tuần (3/6). Tính chung cả tuần, chỉ số VN-Index để mất 1,6 điểm (-0,2%) xuống 958,28 điểm, còn HNX-Index giảm 0,1 điểm (-0,1%) xuống 104,21 điểm.
Theo ông Nguyễn Trung Du, Giám Đốc Trung tâm Tư vấn đầu tư, CTCK VNDRIECT, thị trường có một vài dấu hiệu ổn định và chớm tích cực trở lại khi nhận được sự hỗ trợ hồi phục của thị trường chứng khoán quốc tế.
Ngoài ra, áp lực bán ròng của khối ngoại cũng không còn trong tuần đầu tháng 6 trong khi ở tuần cuối tháng 5 áp lực bán từ khối này khá lớn. Thậm chí, một số quỹ đầu tư chỉ số như VNM ETF hay VN30 ETF liên tục nhận được thêm dòng tiền mới trong vài tuần qua.
Ở góc độ phân tích kỹ thuật, sau phiên bị vỡ hỗ trợ 945 điểm của VN-Index ngày thứ 5 tuần vừa qua áp lực cung không quá lớn và thị trường thu hẹp đà giảm ở cuối phiên. Đây thường là tín hiệu tốt cho thấy quá trình rũ bỏ hoặc để kiểm định lượng cung hàng tạm hoàn tất.
Đồng thời ông Du cho rằng, kỳ vọng từ dòng tiền mua vào ở các cổ phiếu triển khai sản phẩm CW sẽ hỗ trợ phần nào cho thị trường. Do đó, tuần giao dịch tới xu hướng của thị trường sẽ nghiêng về hồi phục.
Bước vào phiên giao dịch đầu tuần mới 10/6, mặc dù tâm lý thận trọng chưa được cởi bỏ nhưng sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu bluechip đã giúp thị trường tiếp tục tiến bước. Chỉ số VN-Index đã vượt thành công mốc 965 điểm chỉ sau khoảng 25 phút giao dịch.
Tuy nhiên, đây vẫn là thử thách khó khăn trước sự suy yếu của dòng tiền. Chỉ số VN-Index nhanh chóng bị đẩy lùi và diễn biến lình xình dưới ngưỡng 965 điểm.
Không nằm ngoài dự báo của một số công ty chứng khoán, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã giao dịch khá khởi sắc trong phiên sáng nay sau khi đã phá vùng đáy cũ. Bên cạnh hầu hết các mã CTG, BID, TCB, VPB, MBB… đều vượt qua mốc tham chiếu, cổ phiếu lớn đầu ngành là VCB đang tạo động lực chính cho thị trường khi tăng 2,1% lên mức 67.000 đồng/CP.
Sau đó, VN-Index có thử thách ngưỡng kháng cự 965 điểm thêm một lần nữa nhưng vẫn không thành công do vắng bóng dòng tiền lớn.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 151 mã tăng và 112 mã giảm, chỉ số VN-Index tăng 5,32 điểm (+0,56%) lên 963,6 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 76 triệu đơn vị, giá trị 1.765,53 tỷ đồng, giảm 6,62% về lượng nhưng tăng 6,45% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 15,57 triệu đơn vị, giá trị 361,93 tỷ đồng.
Trong khi đó, trên sàn HNX, sau nhịp tăng khá mạnh đầu phiên, chỉ số HNX-Index đã dần hạ nhiệt, thậm chí có thời điểm bị đẩy về sát mốc tham chiếu.
Chốt phiên sáng, HNX-Index tăng 0,17 điểm (+0,16%) lên 104,37 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 9,14 triệu đơn vị, giá trị 123,44 tỷ đồng, giảm 16,91% về lượng và 15,12% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận chỉ đạt 102.998 đơn vị, giá trị 3,66 tỷ đồng.
Mặc dù phần lớn các cổ phiếu trong nhóm VN30 đều giao dịch khởi sắc với 21 mã tăng và chỉ 7 mã giảm, nhưng biên độ tăng đã thu hẹp đáng kể với các mã GAS, MSN, VNM, VIC đều chỉ còn nhích nhẹ với mức tăng chỉ hơn 0,5%.
Trong nhóm cổ phiếu ngân hàng, đầu tàu VCB vẫn duy trì đà tăng khá tốt, tiếp tục là trụ đỡ chính cho thị trường khi tăng 2,13% và đóng cửa tại mức giá 67.000 đồng/CP. Ngoài ra, các mã bluechip khác như BVH, HVN, PLX… cũng đều giao dịch trên mốc tham chiếu.
Trái lại, ROS vẫn giao dịch sôi động nhất thị trường với thanh khoản đạt 4,73 triệu đơn vị, nhưng lực bán khá lớn khiến cổ phiếu này tiếp tục giảm sâu hơn. Chốt phiên, ROS giảm 1,5% xuống mức 29.550 đồng/CP.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, giao dịch khá hạn chế với FLC chỉ khớp hơn 2 triệu đơn vị, các mã AAA, ITA, KBC, PVD, PDR cùng khớp hơn 1 triệu đơn vị, còn lại chỉ lên đến vài trăm nghìn đơn vị.
Đáng chú ý, thành viên mới là TN1 vẫn chưa có dấu hiệu ngừng nghỉ kể từ ngày chào sàn (30/5/2019) với mức tăng lên đến 71% từ mức 30.000 đồng/CP (giá tham chiếu trong ngày niêm yết) lên 51.300 đồng/CP (giá chốt phiên sáng nay 10/6). Và phiên hôm nay cũng là phiên tăng trần thứ 6 của cổ phiếu này.
Mặt khác, ở nhóm HNX30 diễn biến khá phân hóa, trong khi ACB, DBC, PVS, PVI, PVB, VCS chỉ nhích nhẹ 100-200 đồng/CP, đáng kể L14 tăng 2,37% lên 47.600 đồng/CP, thì MBS, PVC, SHS, VGS… giao dịch trong sắc đỏ.
Trên sàn HNX, cổ phiếu PVS dẫn đầu thanh khoản với khối lượng khớp lệnh 1,75 triệu đơn vị, đây cũng là mã duy nhất có lượng giao dịch trên 1 triệu đơn vị.
Cổ phiếu được nhà đầu tư ngoại mua ròng mạnh nhất trong tuần vừa qua là TIG tiếp tục được khối này săn đón khi dẫn đầu danh mục mua ròng về khối lượng, đạt 253.900 đơn vị và đứng ở vị trí thứ 2 về thanh khoản thị trường, đạt 649.100 đơn vị.
Trên UPCoM, sau nhịp điều chỉnh nhẹ đầu phiên, thị trường đã đảo chiều khởi sắc.
Chốt phiên sáng, UPCoM-Index tăng 0,26 điểm (+0,47%) lên 54,86 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 4,64 triệu đơn vị, giá trị 109,32 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 2,49 triệu đơn vị, giá trị 25,22 tỷ đồng.
Các cổ phiếu lớn hỗ trợ giúp thị trường hồi phục tích cực như VEA tăng 3,3% lên 53.100 đồng/CP, VGI tăng 1,09% lên 27.900 đồng/CP, ACV, GVR, VGT…
Trong đó, VEA dẫn đầu thanh khoản với khối lượng giao dịch đạt 559.500 đơn vị; tiếp đó là GVR với 541.100 cổ phiếu được chuyển nhượng thành công.