Phiên sáng 10/10: Ngó lơ bluechip, dòng tiền hướng tới cổ phiếu thị trường

(ĐTCK) Trong khi tỏ ra thận trọng với các mã bluechip, thì dòng tiền lại mạnh dạn chảy mạnh vào các mã có tính thị trường, giúp nhóm cổ phiếu này giao dịch sôi động với nhiều mã tăng mạnh. Tuy nhiên, sức ép từ nhóm cổ phiếu lớn khiến VN-Index tiếp tục đóng cửa trong sắc đỏ.
Phiên sáng 10/10: Ngó lơ bluechip, dòng tiền hướng tới cổ phiếu thị trường

Sau chuỗi kỷ lục 25 phiên giảm sàn liên tiếp, đưa giá cổ phiếu TNT từ mức 29.900 đồng, xuống 5.310 đồng, lực cầu bắt đáy đã chảy mạnh trong phiên 19/9, giúp TNT đảo chiều ngoạn mục lên mức giá trần 5.680 đồng. 2 phiên tăng trần liên tiếp sau đó giúp những nhà đầu tư bắt đáy TNT trong phiên 19/9 tỏ ra hồ hởi, nhưng khi thực hiện hóa lợi nhuận, không nhiều trong số những người đã tham gia bắt đáy TNT trong phiên 19/9 thực hiện được do lực cầu rất hạn chế. Sau 3 phiên tăng trần, lên mức 6.490 đồng, cổ phiếu TNT đã trở lại với xu hướng giảm sàn liên tiếp của mình với lực cầu rất hạn chế, khiến nhiều nhà đầu tư mua đuổi giá trong các phiên trước đó mắc kẹt.

Một số nhà đầu tư may mắn đã hiện thực hóa được lợi nhuận, còn lại đa số bị mắc kẹt và chỉ có thể cắt lỗ trong phiên 27/9. Những nhà đầu tư khác cố níu kéo với kỳ vọng sẽ có “game” tiếp theo để có thể có lãi, hoặc hòa vốn đã phải nhận trái đắng khi cổ phiếu này liên tiếp có chuỗi giảm sàn sau đó.

Kể từ phiên 21/9, cổ phiếu TNT đã có chuỗi 11 phiên giảm sàn liên tiếp, đưa mức giá cổ phiếu này từ 6.490 đồng về 2.760 đồng trong phiên 7/10 với thanh khoản nhỏ giọt do không nhiều người đủ dũng cảm để mua.

Trong phiên sáng nay, mở cửa phiên, TNT vẫn chất đống lệnh bán, trong khi bên mua gần như chỉ nhỏ giọt, khiến cổ phiếu này tiếp tục xuống mức sàn 2.570 đồng. Tuy nhiên, khi bước vào đợt khớp  lệnh liên tục, lực cầu bắt đáy bắt đầu chảy mạnh, hấp thụ hết lượng dư bán, kéo TNT lên mức giá trần 2.950 đồng.

Tuy nhiên, không giống như “game 1” nhà đầu tư đã tỏ ra thận trong hơn với “game 2” tại TNT khi nhiều người coi đây là cơ hội ngàn vàng để thoát khỏi cổ phiếu này, nên lực cung nhanh chóng gia tăng mạnh sau đó, kéo TNT trở lại mức sàn 2.570 đồng với tổng khớp sau 40 phút giao dịch là hơn 3 triệu đơn vị.

Trở lại với diễn biến chung của thị trường, tâm lý dè dặt vẫn chiếm lĩnh nhà đầu tư, khiến giao dịch thị trường diễn ra chậm, các chỉ số chỉ lình xình quanh tham chiếu.

Kết thúc đợt 1, VN-Index tăng nhẹ 0,1 điểm với độ rộng khá cân bằng. Tổng khối lượng giao dịch đạt 3,72 triệu đơn vị, giá trị 67,92 tỷ đồng, nhưng trong đó đã có sự đóng góp của 330.680 cổ phiếu SKG, giá trị           30,42 tỷ đồng từ giao dịch thỏa thuận.

Sắc xanh nhạt của VN-Index không duy trì được lâu khi thị trường bước vào đợt khớp lệnh liên tục. Một số mã có tính thị trường như VHG, HHS, HQC, đặc biệt là OGC vẫn thu hút được dòng tiền khá tốt, trong đó OGCđược khớp hơn 2 triệu đơn vị. Tuy nhiên, các mã lớn lại vẫn đang chịu sức ép, trong đó VNM, MSN, nhóm ngân hàng, dầu khí đều đang giảm giá, thậm chí VIC mở cửa trong sắc xanh cũng nhanh chóng quay đầu.

Áp lực từ các mã lớn khiến VN-Index cũng quay đầu và hiện đang dao động dưới tham chiếu. Thanh khoản thị trường đứng ở mức thấp do sự thận trọng của nhà đầu tư.

Trên HNX, diễn biến cũng tương tự khi sự phân hóa của nhóm bluechip khiến HNX-Index lình xình quanh tham chiếu. Thanh khoản thị trường cũng ở mức thấp khi tổng giá trị giao dịch sau 50 phút giao dịch chưa tới 100 tỷ đồng.

Điểm sáng đáng chú ý là VCG và AAA, trong khi sức ép lại đến từ các mã dầu khí khi giá dầu quay đầu giảm trong phiên cuối tuần trước và tiếp tục giảm hơn 1% khi mở cửa phiên giao dịch trên thị trường châu Á sáng nay.

Về cuối phiên, dù MSN và CTG hồi phục trở lại, nhưng với sắc nặng của các mã lớn khác như VNM, VCB, VIC, GAS, PVD, BID, HPG, FPT, KDC…, nên VN-Index không thể lấy lại sắc xanh.

Chốt phiên, VN-Index giảm nhẹ 1,62 điểm (-0,24%), xuống 682,33 điểm với 110 mã tăng và 113 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 71,2 triệu đơn vị, giá trị 983 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 6,75 triệu đơn vị, giá trị 132,67 tỷ đồng.

Trong khi đó, với sự hỗ trợ tích cực từ VCG và sự trở lại của ACB, HNX-Index đã đảo chiều thành công và chốt phiên sáng với mức tăng nhẹ 0,09 điểm (+0,11%), lên 85,38 điểm dù số mã tăng ít hơn nhiều số mã giảm (66 mã tăng so với 88 mã giảm). Tổng khối lượng giao dịch đạt 16,36 triệu đơn vị, giá trị 195,77 tỷ đồng.

Với đà tăng khá tốt tuần trước nhờ hưởng lợi từ giá dầu thô lên mức cao nhất 4 tháng, nhóm cổ phiếu dầu khí đã bị chốt lời khá mạnh trong phiên sáng nay cùng với đà điều chỉnh của giá dầu thô.

Cụ thể, đóng cửa phiên sáng, GAS giảm 1,55%, xuống 69.800 đồng, PVD giảm 1,96%, xuống 27.500 đồng, PGD giảm 1,96%, xuống 45.100 đồng…

Các cổ phiếu lớn khác như VNM, VCB, BID, VIC… cũng đóng cửa trong sắc đỏ. Trong khi nhóm cổ phiếu sắt thép cũng chưa thể gượng dậy sau hàng loạt thông tin tiêu cực về các vụ liên quan đến kiện chống bán phá giá của Thái, Úc, Mỹ do nghi ngờ trợ giúp cho thép Trung Quốc nhập khẩu vào các thị trường này. Chốt phiên sáng nay, HPG giảm 1,95%, xuống 40.300 đồng, HSG giảm 1,16%, NKG giảm 2,06%, SMC thậm chí giảm tới 6,25%. Tuy nhiên, VIS lại tăng 1,23% và POM tăng tới 5,13%.

Trong khi đó, dòng tiền lại vẫn chảy khá mạnh vào nhóm thị trường, trong đó FLC được khớp gần 9,5 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,98%, lên 5.870 đồng, ITA tăng 1,78%, lên 4.580 đồng với 3,76 triệu đơn vị được khớp. Đặc biệt, lực bắt đáy lớn đã giúp TNT chốt phiên với mức giá trần 2.950 đồng với 5,81 triệu đơn vị được khớp và vẫn còn dư mua giá trần. OGC tiếp tục tăng 6,15%, lên 1.380 đồng với 3,14 triệu đơn vị được khớp, trong đó khối ngoại tiếp tục tận dụng cơ hội để thoát hàng với việc bán ròng hơn 820.000 cổ phiếu OGC trong phiên sáng nay.

Trên HNX, VGC chốt phiên tăng 2,56%, lên 16.000 đồng với 1,37 triệu đơn vị được khớp, đứng sau mã có thanh khoản tốt nhất trên sàn là SCR với 1,5 triệu đơn vị được khớp. Tuy nhiên, SCR chỉ đóng cửa ở mức tham chiếu 10.000 đồng.

Trong khi đó, sau khi rung lắc nhẹ đầu phiên, ACB đã đảo chiều tăng trở lại trong nửa cuối phiên và chốt ở mức giá cao nhất phiên 19.300 đồng, tăng 1,58%.

Trên sàn này, ITQ cũng là mã đáng chú ý khi tiếp tục nhận được lực cầu khá tốt để có phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp. Lực bán phiên sáng nay cũng hạn chế, nên mã này vẫn còn dư mua trần hơn 150.000 đơn vị, trong khi chỉ được khớp 112.800 đơn vị, chỉ bằng 20% so với tổng khớp của phiên hôm qua.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục