Phiên sáng 10/1: Dòng bank vững bước tiến, VN-Index tiếp tục tăng điểm

(ĐTCK) Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn là trụ đỡ chính dẫn dắt đà tăng của các chỉ số. Trong khi đó, dù nỗ lực trở lại, nhưng lực cung quá lớn khiến ROS tiếp tục bị đẩy xuống mức sàn.
Phiên sáng 10/1: Dòng bank vững bước tiến, VN-Index tiếp tục tăng điểm

Sau phiên lao dốc mạnh khiến VN-Index chia tay mố 950 điểm, thị trường đã đảo chiều tăng vọt trong phiên hôm qua (9/1) nhờ diễn biến hạ nhiệt xung đột giữa Mỹ - Iran. Trong đó, nhóm ngân hàng tiếp tục thể hiện vai trò dẫn dắt khi đóng góp lớn vào mức tăng chung của thị trường.

Mặc dù điểm số tăng cao nhưng thanh khoản sụt giảm khá mạnh, cho thấy tâm lý thận trọng vẫn ở mức cao độ, điều này cũng khiến giới phân tích đánh giá thị trường khó có thể tiến xa.

Theo nhận định của BVSC, chỉ số được kỳ vọng sẽ tiếp tục hồi phục và hướng đến thử thách lại vùng cận trên 969-972 điểm của lênh xu hướng đi ngang hiện tại. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý về diễn biến phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu. Đồng thời, BVSC cho rằng, diễn biến thị trường sẽ gặp phải các nhịp rung lắc, điều chỉnh đan xen trong quá trình hồi phục.

Bước vào phiên giao dịch sáng cuối tuần 10/1, dòng tiền vẫn tỏ ra khá thận trọng nhưng với sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu bluechip, tiếp tục dẫn dắt đà tăng điểm của thị trường. Tuy nhiên, chỉ số VN-Index chỉ biến độ nhẹ trên mốc 960 điểm.

Diễn biến phân hóa khá rõ nét khi trên bảng điện tử, số mã tăng và giảm khá tương đồng. Sau hơn 1 giờ giao dịch, trên sàn HOSE có 140 mã tăng và 129 mã giảm.

Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng với tâm điểm là BID và CTG tiếp tục có đóng góp lớn cho đà tăng của thị trường, đáng kể BID xác lập đỉnh mới lên mức 52.000 đồng/CP.

Trái lại, cổ phiếu lớn đầu ngành là VCB lại có diễn biến không mấy tích cực dù thông tin kết quả kinh doanh năm 2019 khả quan cùng kế hoạch 2020 tăng trưởng tốt.

Cụ thể, lợi nhuận trước thuế năm 2019 đạt 23.175 tỷ đồng, xấp xỉ 1 tỷ USD, tăng 26% so với năm 2018 và cao bằng 3,5 lần so với năm 2015. Năm 2020, Vietcombank tiếp tục đặt mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng 15%, tổng tài sản tăng khoản 12%, tăng trưởng tín dụng theo chỉ tiêu của NHNN 14%.

Hiện VCB -0,7% xuống mức 88.100 đồng/CP, đang là cổ phiếu ngân hàng duy nhất trên sàn HOSE để mất điểm.

Bên cạnh đó, một số mã lớn khác cũng chịu áp lực bán và đảo chiều giảm nhự sau phiên khởi sắc hôm qua như VHM, VNM, VRE, VJC...

Thị trường tiếp tục giao dịch phân hóa và nhóm cổ phiếu bluechip vẫn là lực đỡ chính dẫn dắt VN-Index tiến từng bước. Mặc dù thanh khoản thị trường tăng vọt nhưng có sự đóng góp khá lớn từ giao dịch thỏa thuận.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 143 mã tăng và 151 mã giảm, VN-Index tăng 4,42 điểm (+0,46%), lên 964,57 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 125,83 triệu đơn vị, giá trị 3.134,38 tỷ đồng, tăng 45,38% về khối lượng và 93,8% về giá trị so với phiên sáng hôm qua.

Giao dịch thỏa thuận đóng góp 41,7 triệu đơn vị, giá trị 1.547,2 tỷ đồng, trong đó riêng PGD thỏa thuận gần 18,9 triệu đơn vị với tổng giá trị 1.020,59 tỷ đồng.

Trong nhóm cổ phiếu ngân hàng, vẫn chỉ có duy nhất VCB giảm nhẹ chưa tới 1%, còn lại đều duy trì đà tăng. Đáng kể, cặp đôi BID và CTG là điểm sáng ngành, với BID +% lên 51.500 đồng/CP, còn CTG +% lên 23.300 đồng/CP. Các mã MBB, TCB, STB, VPB cũng đều tăng hơn 1-2%.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng thu hút nhà đầu tư với giao dịch sôi động. Cụ thể, CTG thanh khoản dẫn đầu thị trường với khối lượng khớp gần 8,74 triệu đơn vị, MBB khớp 4,59 triệu đơn vị, STB khớp 6,11 triệu đơn vị, TCB khớp hơn 2 triệu đơn vị, VPB và HDB cùng khớp hơn 1 triệu đơn vị.

Ngoài ra, một số mã bluechip khác cũng đã hồi phục trở lại hoặc tiếp tục giữ nhịp tăng nhẹ như VIC, VHM, NVL, BVH… Cổ phiếu SAB giao dịch tích cực khi +2% lên 231.600 đồng/CP.

Ở nhóm cổ phiếu dầu khí, ngoại trừ GAS đảo chiều hồi nhẹ, còn lại đều mất điểm do ảnh hưởng từ giá dầu thô thế giới giảm. Cụ thể, PVT -2,5% xuống 15.500 đồng/CP, PLX -0,9% xuống 55.700 đồng/CP…

Cổ phiếu ROS vẫn biến động quanh mức giá sàn. Hiện ROS -6,5% xuống 12.200 đồng/CP và khớp 4,43 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, các mã quen thuộc như DLG, FLC, HAI, AMD, KBC< ASM… đều tạm đứng dưới mốc tham chiếu trong phiên sáng.

Trên sàn HNX, cặp đôi lớn nhà ngân hàng vẫn là lực đỡ chính cho thị trường.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 26 mã tăng và 59 mã giảm, HNX-Index tăng 0,8 điểm (+0,79%), lên 102,05 điểm.

Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 19,11 triệu đơn vị, giá trị 162,03 tỷ đồng, giao dịch thỏa thuận có thêm 2,34 triệu đơn vị, giá trị 50,56 tỷ đồng.

Như đã nói ở trên, SHB là điểm sáng khi có thời điểm được kéo lên mức giá trần và hiện +7,69% lên 7.000 đồng/CP với giao dịch vượt trội, đạt gần 8,18 triệu đơn vị, trong khi đó ACB +1,34% lên 22.700 đồng/CP và khớp lệnh gần 1 triệu đơn vị.

Trong khi đó, 2 mã nhỏ KLF và ART đứng ở vị trí tiếp theo về thanh khoản, sau SHB với 1,72 triệu đơn vị và hơn 1,1 triệu đơn vị, nhưng chốt phiên KLF đứng giá tham chiếu, còn ART -4,17% xuống 2.3000 đồng/CP.

Cũng như sàn HOSE, các cổ phiếu họ P giao dịch không mấy tích cực khi PVS -0,54% xuống 18.400 đồng/CP, PVB -0,56% xuống 17.700 đồng/CP, PVC -2,9% xuống 6.700 đồng/CP.

Trên UPCoM, đà tăng cũng duy trì trong suốt cả phiên sáng.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,17 điểm (+0,31%), lên 55,35 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 5,8 triệu đơn vị, giá trị 50,86 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,25 triệu đơn vị, giá trị 68,66 tỷ đồng.

Cổ phiếu họ dầu khí BSR cũng -3,7% xuống 7.700 đồng/CP và là mã giao dịch sôi động nhất thị trường UPCoM, đạt 1,31 triệu đơn vị.

Tiếp theo đó, cổ phiếu nhỏ KSH đạt khối lượng giao dịch hơn 1,2 triệu đơn vị và tạm chốt phiên tại mức giá trần 400 đồng/CP.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục