Phiên giao dịch sáng 8/8: Tín hiệu tốt cho phiên chiều?

(ĐTCK) Dù không giữ được sắc xanh, nhưng lực mua tăng mạnh khi VN-Index về dưới ngưỡng 605 cho thấy, chỉ số này đã tìm được điểm hỗ trợ tốt để đi lên.
Phiên giao dịch sáng 8/8: Tín hiệu tốt cho phiên chiều?

Trong phiên giao dịch chiều qua, nhờ sự giúp đỡ của VNM và sự vùng dậy của nhóm cổ phiếu bất động sản, vận tải biển, dầu khí, các chỉ số chính của chứng khoán Việt Nam đã đảo chiều tăng điệm ngoạn mục trong đợt ATC.

Tuy nhiên, một tín hiệu cản trở đà tăng và chinh phục các đỉnh cao mới của VN-Index là việc khối ngoại liên tục bán ròng lớn trong mấy phiên gần đây.

Chính tâm lý nỗi lo này đã ảnh hưởng phần nào tới tâm lý nhà đầu tư trong nước khi bước vào phiên giao dịch sáng nay. Ngay khi thị trường mở cửa, lực cung giá thấp đã được đưa vào, giúp thanh khoản thị trường trong đợt ATO tăng gấp gần 2 lần so với nhiều phiên gần đây và VN-Index mất điểm ngay từ đầu phiên.

Kết thúc đợt 1, VN-Index giảm 0,44 điểm (-0,07%), xuống 607,18 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 3,97 triệu đơn vị, giá trị 62,7 tỷ đồng.

Trong khi đó, HNX-Index lại tăng ngay khi mở cửa và đà tăng càng ngày càng được nới rộng. Nhóm dầu khí và thêm nhóm chứng khoán chính là những lực đỡ cho HNX-Index trong đầu phiên sáng nay.

Bước vào đợt khớp lệnh liên tục trên HOSE, VN-Index có thêm một vài đợt rung lắc nhẹ nữa trước khi vọt tăng trở lại để thử sức chinh phục đỉnh cũ 610 điểm. Dù vậy, động lực còn yếu, nên chỉ số này thất bại trong lần thử sức đầu tiên. Trong khi đó, HNX-Index leo thẳng lên trên mốc 81 điểm và gặp chút kho khăn tại mốc 81,2 điểm.

Ngay sau khi thất bại trong việc chinh phục lại mốc 610 điểm, VN-Index đã bị đẩy lùi khá sâu, về sát mốc tham chiếu.

Đến khoảng gần 11h, lực bán mạnh đã đẩy VN-Index mạnh, xuyên thủng mốc 605 điểm, xuống sát mốc 604 điểm. Tuy nhiên, cũng giống như phiên hôm qua, thị trường luôn nhận được lực cầu tốt khi VN-Index lùi về ngưỡng 605 điểm, giúp chỉ số này bật trở lại khá mạnh, nhưng không đủ thời gian để leo lên mức tham chiếu.

HNX-Index dao động trên mốc tham chiếu trong phần lớn thời gian của phiên sáng, nhưng khi VN-Index bị đẩy lùi về dưới 605 điểm, HNX-Index cũng đảo chiều và cũng không kịp hồi trở lại trên mốc tham chiếu khi đóng cửa phiên sáng. 

Đóng cửa phiên sáng, VN-Index giảm 0,18 điểm (-0,03%), xuống 607,44 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 65,48 triệu đơn vị, giá trị 1.069,49 tỷ đồng. HNX-Index giảm 0,1 điểm (-0,12%), xuống 80,68 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 42,66 triệu đơn vị, giá trị 446 tỷ đồng.

Giao dịch thỏa thuận trên 2 sàn trong phiên sáng nay không đáng kể, chưa tới 1 triệu đơn vị mỗi sàn. Trong khi đó, VN30-Index và HNX30-Index lại trái chiều khi VN30-Index giảm 0,85 điểm (-0,13%), xuống 643,34 điểm, còn HNX30-Index lại tăng nhẹ 0,05 điểm (+0,03%), lên 162,57 điểm.

 Lý do chính khiến VN-Index khó khăn trong việc chinh phục đỉnh cũ là do sự cản bước của các mã lớn như BID, VIC, DPM, BVH, trong khi đó, GAS và VNM giữ được sắc xanh nhạt, trong khi MSN, VCB và CTG đứng ở mức tham chiếu.

Nhóm cổ phiếu “nổi loạn” chiều qua là bất động sản và vận tải biển tiếp tục duy trì được phong độ trong sáng nay. Trong đó, FLC được khớp 8,9 triệu đơn vị và chỉ còn duy trì mức tăng nhẹ 100 đồng khi chốt phiên sáng.

Các cổ phiếu bất động sản khác như DLG, NBB, TDH, SJS, NVN, NTL đều có mức tăng tốt.

Tuy nhiên, ấn tượng là nhóm cổ phiếu báo hiểm. Ngoại trừ đại gia BVH hụt hơi cuối phiên, còn lại PGI, BIC, BMI đều có mức tăng, trong đó, BMI tăng lên mức trần.

Trên HNX, trong khi KLF đã có dấu hiệu đuối sức sau chuỗi ngày tăng mạnh, thì nhóm dầu khí vẫn duy trì được đà tăng. Nhóm chứng khoán sau thời gian đầu tăng đồng đều, hỗ trợ cho HNX-Index đã phân hóa vào cuối phiên.

Thị trường đang có một số thông tin vĩ mô hỗ trợ. Trong Hội nghị toàn quốc ngành kế hoạch và đầu tư tổ chức hôm qua, mục tiêu quan trọng nhất của kế hoạch 5 năm 2016-2020 là đảm bảo cho nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng 6,5-7%, thay vì 5,8% như giai đoạn 2011-2015.

Bên cạnh đó, cũng trong ngày hôm qua, tại Diễn đàn M&A 2014 do Báo Đầu tư và Công ty AMV tổ chức do Bộ Kế hoạch và Đầu tư bảo trợ, các chuyên gia đã dự đoán làn sóng M&A thứ hai sẽ diễn ra trong 5 năm tới với giá trị thương vụ khoảng 20 tỷ USD, tạo ra nhiều cơ hội hấp dẫn cho thị trường này và cả thị trường chứng khoán.

Một động thái khác cũng đem lại tâm lý tích cực ít nhiều cho nhà đầu tư sau động thái bán ròng mạnh của nhà đầu tư nước ngoài là khối tự doanh công ty chứng khoán vẫn bền bỉ mua vào.

Với những thông tin hỗ trợ trên, cùng với việc VN-Index bật mạnh trở lại khi chạm ngưỡng hỗ trợ 605 điểm giúp nhà đầu tư có thể kỳ vọng vào phiên chiều với nhiều chuyển biến tích cực.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục