Phiên giao dịch sáng 8/5: Dễ hiểu!

(ĐTCK) Lực bắt đáy giúp thị trường diễn ra sôi động hơn hẳn và có lúc đã rơi được hãm bớt, nhưng áp lực bán và buộc phải bán quá mạnh, khiến thị trường không thể chống đỡ nổi.
Phiên giao dịch sáng 8/5: Dễ hiểu!

Những thông tin được đăng tải từ cuộc họp báo quốc tế phát đi từ chiều ngày hôm qua đã tác động lớn tới giao dịch của phiên sáng nay (8/5), một loạt mã bị bán sàn, tuy nhiên lực cầu bắt đáy tăng rất mạnh trở lại.

Tính tới thời điểm 09:39 sáng, chỉ số VN-Index đã giảm xấp xỉ 30 điểm với biên độ hơn - 5% đưa chỉ số này về mức 531 điểm. Đây cũng là mức thấp nhất trong vòng gần 4 tháng trở lại đây. Diễn biến tương tự cũng xảy ra trên sàn HNX với mức giảm hơn 3 điểm (tương đương với khoảng 4,3%).

Một loạt các cổ phiếu bị bán mạnh ở giá sàn khiến thời điểm kết thúc đợt khớp lệnh đợt 1 (09:15), thị trường "bị lệch" sang hẳn một bên và có thời điểm thị trường giảm hơn 30 điểm. Một số mã lớn như VIC, VNM... tuy không bị giảm sàn, nhưng GAS bị ép bán rất mạnh và chỉ nhờ lực cầu ngoại cực lớn với lượng mua hơn 300.000 cổ phiếu (09:47 phút) mới "thoát" được giá sàn.

Việc 2 sàn giảm điểm mạnh lại là cơ hội cho nhiều nhà đầu tư tham gia một cách quyết liệt, khác hẳn những phiên giảm điểm đầu tuần. Một số mã nóng như ARG, FLC, ITA, SHS, SHB... do bị ép giảm sàn nên giá đã rơi về vùng "hấp dẫn", tương đương với thời điểm đầu năm 2014 đã kích thích được nhiều nhà đầu tư đang chờ đợi cơ hội.

Lực bắt đáy thể hiện rất rõ khi chỉ sau 30 phút giao dịch đầu tiên, sàn HOSE đã có lượng khớp đột biến tới 500 tỷ đồng, còn HNX cũng ở mức khoảng 200 tỷ đồng. Nhiều mã nóng như đề cập phía trên có lượng giao dịch từ 3-4 triệu cổ phiếu.

Đến thời điểm 09:50 phút, mức giảm 2 sàn đã giảm bớt khi một số mã "trụ" được kéo lên và nhiều mã nóng đã có lượng cầu tham gia bắt đáy đáng kể. Tổng giao dịch 2 sàn đạt mức hơn 1.000 tỷ đồng, riêng HOSE là hơn 700 tỷ đồng.

Tại thời điểm 10h34, VN-Index giảm 25,65 điểm (-4,58%) xuống 534,32 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 77,55 triệu đơn vị, trị giá 1.317,36 tỷ đồng. HNX-Index giảm 4,37 điểm (-5,7%) xuống 72,19 điểm với khối lượng giao dịch đạt 56,82 triệu đơn vị, trị giá hơn 487 tỷ đồng.

Lực bắt đáy đối với các cổ phiếu bluechip vốn có yếu tố cơ bản tốt vẫn chiếm tỷ lệ khá lớn. Các mã SSI, OGC, HAG, IJC, ITA có khối lượng khớp khá cao. Trong đó, ITA dẫn đầu với hơn 6 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, còn SSI và OGC cũng đã khớp hơn 3 triệu đơn vị.

Khối ngoại cũng đã hỗ trợ khá tốt đẩy một số mã thoát được giá sàn như GAS, HPG, PVD, VCB. Trong đó, HPG được khối ngoại mua vào hơn nửa triệu đơn vị, chiếm gần 50% tổng khối lượng giao dịch của cổ phiếu; GAS cũng được mua vào gần nửa triệu đơn vị, chiếm tới gần 64% tổng khối lượng giao dịch của GAS…

FLC cũng không nằm ngoài đà giảm của thị trường. Áp lực bán tháo khiến FLC bị kéo giảm sàn ngay từ đầu phiên xuống dưới mốc 8.900 đồng. Khối lượng khớp lệnh của FLC đạt 3,42 triệu đơn vị và vẫn còn dư bán sàn 1,16 triệu đơn vị. Ngoài FLC, nhiều mã bất động sản khác cũng đồng loạt giảm sàn.

Tương tự, trên sàn HOSE, lực bắt đáy trên HNX khá lớn giúp thanh khoản trên sàn duy trì cao. Trong đó, những tên tuổi SCR, SHB, PVX và KLS vẫn là tâm điểm hút dòng tiền. SCR dẫn đầu thanh khoản trên sàn với gần 8,5 triệu đơn vị và giá vẫn nằm ở mức sàn.

Trong khi đó, bộ ba SHB, PVX và KLS đang được lực cầu hỗ trợ khá tốt giúp các mã này tránh được mức sàn với khối lượng dư mua sàn khá lớn.

Về cuối phiên giao dịch, không chỉ các cổ phiếu vừa và nhỏ, các cổ phiếu lớn cũng đua nhau giảm sàn. Trong tổng số hơn 200 mã giảm sàn trên sàn HOSE có tới 21 mã trong nhóm VN30 khiến chỉ số VN-Index tiếp tục rơi và xuống dưới ngưỡng 525 điểm. Tương tự, sàn HNX cũng có tới 234 mã giảm, 12 mã đứng giá và chỉ 9 mã tăng, trong đó nhóm HNX30 cói tới 29 mã giảm và duy nhất 1 mã đứng giá tham chiếu.

Đóng cửa, VN-Index giảm 33,01 điểm (-5,9%) xuống 526,96 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 102,91 triệu đơn vị, trị giá 1.980,88 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận chỉ đạt 2,7 triệu đơn vị, trị giá 93,78 tỷ đồng. VN30-Index giảm 34,52 điểm (-5,66%) xuống 574,99 điểm. Tổng giá trị giao dịch của nhóm này đạt 1.249,25 tỷ đồng, chiếm hơn 63% tổng khối lượng giao dịch toàn sàn.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index giảm 5,29 điểm (-6,92%) xuống 71,26 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 80,77 triệu đơn vị, trị giá 735,31 điểm. HNX30-Index cũng giảm tới 12,86 điểm (-8,55%) xuống 137,51 điểm với tổng giá trị giao dịch đạt 644,47 tỷ đồng, chiếm 87,64% tổng giá trị toàn sàn.

ITA vẫn là cổ phiếu thanh khoản tốt nhất sàn HOSE với khối lượng khớp đạt gần 7,69 triệu đơn vị và còn dư bán sàn hơn 3,3 triệu đơn vị. Tiếp đó, các mã OGC, HAG cùng khớp trên 5 triệu đơn vị với tổng giá trị giao dịch lần lượt hơn 54 tỷ đồng và hơn 118 tỷ đồng. Trong khi đó, CII không khớp thêm được cổ phiếu nào và là cổ phiếu có khối lượng khớp thấp nhất trong nhóm VN30 với hơn 9.000 đơn vị, dư bán sàn còn gần 3,3 triệu đơn vị.

GAS sau công bố bất lợi về kết quả kinh doanh quý I/2014 không mấy khả quan khiến GAS đóng cửa ở mức sàn xuống 92.000 đồng/CP, giảm hơn 7%, mặc dù được khối ngoại nâng đỡ khá tốt. Cụ thể, doanh thu thuần trong kỳ của GAS đạt 13.852,7 tỷ đồng, giảm 2% so với cùng kỳ; lợi nhuận gộp theo đó giảm 5,4% xuống 4.154,6 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ giảm tới 23,4% so với cùng kỳ, tương ứng giảm hơn 976 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thanh khoản của GAS khá cao nhờ lực cầu bắt đáy mạnh. Khối lượng khớp lệnh của GAS đạt hơn 1,61 triệu đơn vị.

Tương tự, sau công bố lợi nhuận sau thuế hợp nhất giảm 154 tỷ đồng, tương ứng giảm gần 40% cùng kỳ cũng khiến REE rơi sàn. Đóng cửa, REE giảm gàn 7,5% xuống 24.100 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 2,69 triệu đơn vị và còn dư bán sàn hơn 395.000 đơn vị.

Ngược lại, dù được hỗ trợ bởi thông tin về khởi công dự án hạ tầng du lịch có quy mô lớn nhất khu vực Bắc miền Trung, cao cấp nhất tại Thanh Hóa với quy mô đầu tư khoảng 5.500 tỷ đồng, nhưng với diễn biến xấu của toàn thị trường, FLC cũng không tránh nổi giá sàn. FLC giảm hơn 6,7%, xuống 8.900 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 3,5 triệu đơn vị và còn dư bán sàn 2,25 triệu đơn vị.

Tương tự trên sàn HOSE, dòng tiền trên sàn HNX vẫn chủ yếu tập trung bắt đáy đối với những cổ phiếu thuộc nhóm HNX30. Bộ tứ SHB, SCR, PVX, KLS vẫn dẫn đầu về thanh khoản, trong đó, SHB có khối lượng khớp lớn nhất với 15,6 triệu đơn vị. Hai mã SCR và PVX nối tiếp sau với hơn 10 triệu đơn vị khớp lệnh.

Đặng Khôi - Thanh Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục