Thị trường có trọn 4 tuần giảm trong tháng 4, nhưng trong tuần cuối cùng của tháng trước khi bước vào kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, đà giảm đã được thu hẹp đáng kể nhờ 3 phiên hồi phục ngoạn mục.
Trong đó, phiên giao dịch cuối cùng trước khi bước vào kỳ nghỉ lễ 30/5 - 1/5 tăng điểm khá tốt hơn 15,8 điểm (+1,17%), thanh khoản cũng cải thiện hơn so với 2 phiên trước. Nếu không có sự tác động của nhóm bluechip trong phiên thứ Năm, thị trường đã có 4 phiên hồi phục liên tiếp sau phiên bị bán tháo ồ ạt đầu tuần.
Với nhóm cổ phiếu có tính đầu cơ cao, tuần qua ghi nhận 4 phiên hồi phục mạnh sau khi chịu cảnh bán tháo trước đó, nhất là trong phiên lao dốc mạnh đầu tuần (25/4) cùng chung với thị trường. Nhiều cổ phiếu hồi phục mạnh trở lại trong tuần qua như SJF tăng 22,3%, PTL tăng 19,8%, HAR tăng hơn 19%, HQC tăng 18,6%, BCG tăng 15,5%, ITA tăng hơn 11%, QCG tăng hơn 10%..., đặc biệt là nhóm FLC tăng mạnh nhất thị trường, trên dưới 30%, thậm chí ART trên sàn HNX tăng gần 49%.
Tuy nhiên, ngay sau giờ giao dịch phiên cuối tuần trước (29/4), tối muộn, cơ quan công an phát đi thông báo khởi tố các vụ án, trong đó có vụ “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, lệnh bắt bị can với Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, cũng lãnh đạo một doanh nghiệp và một số bị can khác. Ngoài ra, Cơ quan An ninh Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam với một Phó vụ trưởng Vụ Giám sát thị trường chứng khoán thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về tội “Cố ý làm lộ bí mật công tác”.
Thông tin này được dự báo sẽ ít nhiều tác động tới tâm lý nhà đầu tư sau khi thị trường trở lại sau kỳ nghỉ lễ.
Thực tế, thị trường ngay sau kỳ nghĩ lễ đã quay đầu giảm trở lại khi mở cửa phiên sáng nay (4/4). Trong đó, ngoài nhóm VN30 đang gây sức ép, nhiều mã có tính đầu cơ cao tăng mạnh tuần trước đã bị chốt lời sớm. Đây là điều dễ hiểu trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động khó lường như hiện nay, việc hiện thực hóa lợi nhuận sớm là điều cần thiết.
Trong đó, với nhóm FLC, với những nhà đầu tư bắt đáy tuần trước đó nữa và không chốt sớm trong 2 phiên cuối tuần đã có mức lợi nhuận khủng trên dưới 30%, thậm chí gần 50% chỉ trong 1 tuần. Do đó, nhóm này chính là nhóm bị chốt lời mạnh nhất khi bước vào phiên sáng nay, khiến nhiều mã quay đầu giảm sàn như FLC, AMD, HAI, thậm chí có lúc là ROS.
Các mã khác cũng bị chốt lời và quay đầu giảm như ITA, HAR, JVC, DQC… Trong khi đó, NVT tiếp tục duy trì đà hồi phục mạnh với mức tăng trần sáng nay, tiếp nối tuần hồi phục mạnh 13,5% tuần trước sau khi mất hơn một nửa giá trị trong 1 tháng trước đó.
Không chỉ nhóm thị trường, nhóm VN30 cũng bị chốt lời sau 4 phiên hồi phục tuần trước đó. Chỉ số này giảm hơn 14%, là áp lực lớn nhất khiến VN-Index giảm hơn 9% trong nửa đầu phiên sáng nay.
Áp lực từ nhóm VN30 có lúc đẩy VN-Index giảm sâu về vùng 1.350 điểm (VN30 về vùng 1.395 điểm), nhưng tại vùng giá này, lực cầu bắt đáy nhập cuộc tốt, kéo nhiều mã tăng trở lại, qua đó cả VN30 và VN-Index hồi phục trở lại, đóng cửa chỉ còn giảm nhẹ. Tuy nhiên, sự thận trọng của nhà đầu tư khiến thanh khoản sụt giảm so với phiên liền trước.
Chốt phiên sáng, VN-Index giảm 5,16 điểm (-0,38%), xuống 1.361,64 điểm với 145 mã tăng, trong khi có 279 mã giảm. Tuy nhiên, số mã tăng trần lại nhiều hơn số mã giảm sàn với 8 so với 5. Tổng khối lượng giao dịch đạt 306,4 triệu đơn vị, giá trị 8.045 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% về khối lượng, nhưng giảm mạnh 23% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 8 triệu đơn vị, giá trị 344 tỷ đồng.
Việc khối lượng giảm nhẹ hơn nhiều so với giá trị cho thấy, dòng tiền hoạt động tích cực hơn ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ.
Với nhóm cổ phiếu này, nhiều cổ phiếu tăng mạnh trước đó bị chốt lời mạnh, đặc biệt là nhóm FLC khi FLC, AMD, HAI giảm kịch sàn về 8.210 đồng, 4.600 đồng và 4.260 đồng, đều còn dư bán sàn, trong đó lớn nhất là FLC với lượng dư bán sàn hơn 3,9 triệu đơn vị. Trong khi đó, nhờ lực cầu tốt nên ROS thoát mức sàn, đóng cửa giảm 4,9% xuống 5.050 đồng với thanh khoản đứng đầu sàn 18,3 triệu đơn vị.
Ngoài 3 mã họ FLC, sáng nay chỉ còn 2 mã nữa giảm sàn là DTT và LBM, nhưng đây là các mã có thanh khoản rất thấp, nên không gây nhiều chú ý.
Các mã khác cũng bị chốt lời và giảm mạnh sáng nay có TGG giảm 4,6% xuống 13.450 đồng, TSC giảm 4,4% xuống 12.000 đồng, DIG giảm 4,3% xuống 62.200 đồng, ITA giảm 3,1% xuống 12.600 đồng…
Các nhóm ngành đáng chú ý như ngân hàng, chứng khoán, thép đều sụt giảm. Nhóm ngân hàng chỉ còn 2 sắc xanh SHB tăng 3,7% lên 16.900 đồng và LPB tăng 2,7% lên 16.850 đồng, cùng VCB và VIB đứng giá, còn lại đều giảm. Trong đó, giảm mạnh nhất là TCB khi mất 3,2% xuống 42.600 đồng, ACB, STB và OCB giảm từ hơn 2% đến gần 3%.
Nhóm chứng khoán không còn sắc xanh, chỉ có AGR đứng giá, còn lại đều giảm. Nhóm thép cũng chỉ còn 4 mã xanh là VCA, HMC, POM và TNI, nhưng mức tăng không lớn. Trong khi đó, các mã lớn trong ngành đều giảm giá, trong đó HPG giảm 0,8% xuống 42.9500 đồng, NKG giảm 3% xuống 36.250 đồng, TLH giảm 3,3% xuống 14.600 đồng, HSG giảm hơn 6,5% xuống 26.450 đồng, có lúc giảm sàn xuống 26.350 đồng, khớp 10,2 triệu đơn vị, đứng thứ 3 về thanh khoản sau ROS và POW.
Trong các mã này, POW trở thành điểm sáng nhất thị trường khi nhận được lực cầu lớn, kéo thẳng lên mức trần 14.050 đồng khi đóng cửa phiên với thanh khoản tới 16,8 triệu đơn vị và còn dư mua trần tới gần 1,9 triệu đơn vị.
Không chỉ POW, nhiều cổ phiếu họ dầu khí khác cũng tăng mạnh và là nhóm hoạt động tích cực nhất thị trường sáng nay. Trong đó, GAS tăng 3% lên 109.200 đồng, đóng góp nhiều điểm nhất cho VN-Index (hơn 1,5 điểm), đứng thứ 2 chính là POW với hơn 0,5 điểm. PVD cũng tăng 2% lên 20.700 đồng.
Trên sàn HNX, sau ít phút đầu phiên có sắc xanh nhạt, chỉ số này cũng bị đẩy mạnh theo đà giảm của VN-Index, rồi hồi trở lại vào cuối phiên.
Chốt phiên, HNX-Index giảm 1,65 điểm (-0,45%), xuống 364,18 điểm với 86 mã tăng và 109 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 46,2 triệu đơn vị, giá trị 963 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.
Trên sàn này, 2 cổ phiếu họ FLC cũng bị chốt lời mạnh, trong đó KLF giảm kịch sàn 9,8% xuống 4.600 đồng sau khi tăng 37,8% trong tuần trước. Khối lượng đạt 7,55 triệu đơn vị, đứng đầu sàn HNX và còn dư bán sàn.
ART dù thoát mức sàn, nhưng cũng đóng cửa giảm mạnh 8,2% xuống 6.700 đồng, khớp 3 triệu đơn vị, sau khi tăng 49% tuần trước.
CEO cũng chịu áp lực khi giảm 3,2% xuống 39.900 đồng, khớp 2 triệu đơn vị. Tương tự là nhóm cổ phiếu họ Louis với BII giảm 3,9% xuống 7.400 đồng, VKC giảm 5,7% xuống 6.600 đồng.
Trong khi đó, nhóm dầu khí cũng hoạt động tốt với PVS tăng 3,7% lên 25.500 đồng, khớp 7,18 triệu đơn vị, đứng thứ 2 sau KLF. PVC thậm chí còn tăng 5,5% lên 21.200 đồng.
Ngoài ra, HUT tăng nhẹ 0,3% lên 30.200 đồng, khớp 2,27 triệu đơn vị. IDC tăng 2,5% lên 56.800 đồng, khớp 1,86 triệu đơn vị.
UPCoM sau nửa đầu phiên giao dịch trong sắc xanh, đã quay đầu điều chỉnh vào cuối phiên và đóng cửa trong sắc đỏ.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,18 điểm (-0,17%), xuống 104,13 điểm với 145 mã tăng và 108 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 18,6 triệu đơn vị, giá trị 349 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.
BSR tăng 0,5% lên 21.700 đồng, khớp 2,6 triệu đơn vị, cao nhất sàn. C4G, VGT, QTP và DDV cũng có sắc xanh với thanh khoản trên dưới 1 triệu đơn vị. Trong khi đó, VHG đứng giá tham chiếu 6.000 đồng, khớp 1,64 triệu đơn vị.