Quyết định Brexit đã tác động mạnh đến thị trường chứng khoán toàn cầu và thị trường trong nước cũng đã trải qua cú sốc khi cả 2 chỉ số đều lao dốc mạnh. Tuy nhiên, thị trường nhanh chóng trở lại trạng thái cân bằng và ổn định.
Trong phiên hôm qua (29/6), các chỉ số đã bứt phá mạnh, đặc biệt, Vn-Index dành lại được mốc kháng cự mạnh 630 điểm. Cùng với đó, tâm lý lo sợ của nhà đầu tư phần nào được xóa bỏ giúp dòng tiền trở nên mạnh mẽ mẽ hơn về cuối phiên, thanh khoản thị trường cải thiện tích cực.
Theo nhận định của giới phân tích, dòng tiền có thể sẽ quay trở lại với xu hướng cũ là nhắm đến những cổ phiếu cơ bản chưa tăng giá, điều này có thể giúp thị trường có thêm phiên tăng điểm cuối cùng của tháng 6.
Dù vẫn có những lo ngại bởi VN-Index chưa thực sự chuyển sang vận động trong vùng an toàn hơn, nhưng với sự dẫn dắt của các cổ phiếu bluechip, bước vào phiên giao dịch sáng nay, thị trường đã tăng điểm tích cực.
Kết thúc đợt 1, VN-Index tăng 3,05 điểm (+0,48%) lên 633,17 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 3,33 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị gần 60 tỷ đồng.
Sang đợt khớp lệnh liên tục, sắc xanh vẫn bao phủ trên diện rộng bảng điện tử với số lượng mã tăng gấp gần 3 lần số mã giảm, trong đó, nhóm cổ phiếu lớn chỉ còn lác đác vài ba mã giao dịch trong sắc đỏ giúp VN-Index tiếp tục nới rộng đà tăng điểm, giao dịch quanh vùng 635.
Diễn biến giá dầu thô tích cực với mức tăng 4%, giá dầu Brent đã vượt ngưỡng 50 USD/thùng, là thông tin hỗ trợ tiếp sức cho các cổ phiếu họ P bứt phá mạnh trong sáng nay. Cụ thể, sau gần 1 giờ giao dịch. ông lớn đầu ngành GAS đã tăng 2,42%, PVD tăng 1,92%, PVC và PVB tăng 2%, PVS tăng 1,1%...
Bên cạnh đó, ông lớn VNM sau phiên giảm hôm qua cũng đã hồi phục với mức tăng 1,44% nhờ lực cầu nội và ngoại hấp thụ tích cực. Đáng chú ý hơn, sau 2 phiên liên tiếp bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất, khối này đã trở lại mua ròng mạnh nhất VNM trong phiên sáng nay, với khối lượng mua ròng hơn 2,3 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, DLG đang dẫn đầu thanh khoản với 3,22 triệu đơn vị và đứng ở mức giá tham chiếu 7.000 đồng/CP. Trong khi đó, KSA có phiên giảm sàn thứ 5 liên tiếp với lượng dư bán sàn chất đống. Hiện KSA khớp 0,4 triệu đơn vị và dư bán sàn hơn 3,6 triệu đơn vị.
Sau nhịp hưng phấn đầu phiên, các chỉ số lùi nhẹ dưới áp lực chốt lời ngắn hạn. Độ rộng thị trường cũng thu hẹp, đặc biệt là ở nhóm bluechip. Trong đó, số mã tăng/giảm trên sàn HOSE là 114/81 mã, nhóm VN30 có 12/8 mã; còn trên HNX có 98/91 mã tăng/giảm với số lượng 11/9 mã trong nhóm HNX30.
Chốt phiên giao dịch sáng 30/6, VN-Index tăng 3,89 điểm (+0,62%) lên 634,01 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 58,95 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 1.335,57 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 3,93 triệu đơn vị, trị giá 129,88 tỷ đồng.
HNX-Index tăng 0,12 điểm (+0,14%) lên 84,86 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 26,51 triệu đơn vị, tương ứng trị giá 377,88 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 4,92 triệu đơn vị, trị giá 49,87 tỷ đồng. Riêng SCR thỏa thuận 4,39 triệu đơn vị, trị giá 43,46 tỷ đồng.
Các cổ phiếu dầu khí đã không còn sung sức như phiên sáng, hầu hết đều thu hẹp đà tăng như GAS tăng 1,61%, PVD chỉ tăng 0,96%, PVC tăng 1,32%, PVS, PVB chỉ nhích nhẹ.
“Ông lớn” VNM cũng hạ độ cao với mức tăng 0,72% và khớp hơn nửa triệu đơn vị, trong khi đó, VIC tiếp tục tăng mạnh. Dù không giữ được sắc tím nhưng chốt phiên VIC tăng 3,3% và khớp 0,62 triệu đơn vị.
Trong khi đó, nhóm ngân hàng lại tác động tiêu cực tới các chỉ số nhiều nhất khi đi ngược thị trường. Cụ thể, VCB, BID, MBB, STB trên HOSE và SHB, ACB trên HNX đều sụt giảm nhẹ.
Dòng tiền trên sàn HOSE đang có xu hướng trở lại các cổ phiếu lớn, các cổ phiếu thị trường quen thuộc giao dịch khá hạn chế, trong đó, DLG vẫn là cổ phiếu có khối lượng khớp lệnh lớn nhất chỉ đatk 3,32 triệu đơn vị.
Tương tự, trên sàn HNX, giao dịch của các cổ phiếu cũng khá thấp, VCG có khối lượng khớp lệnh lớn nhất đạt hơn 2 triệu đơn vị.
Tâm điểm đáng chú ý trong phiên sáng nay là SCR. Nhà đầu tư nước ngoài đã ồ ạt mua vào với khối lượng mua ròng 4,39 triệu đơn vị. Lượng cổ phiếu này được khối ngoại giao dịch thỏa thuận với tổng giá trị hơn 43,46 tỷ đồng. Hiện vẫn chưa rõ tổ chức ngoại nào sang tay nhau lượng lớn cổ phiếu SCR trên. Chốt phiên, SCR tăng 2,1% và khớp 1,85 triệu đơn vị.