Sau phiên điều chỉnh ngày 25/2, thị trường phiên 26/2 đã có sự phục hồi khá tốt với động lực chính vẫn đến từ khối ngoại khi sự tích cực từ khối này tiếp tục được duy trì, cùng với đó là sự trở lại của một phần dòng tiền nội.
Sự tích cực của khối ngoại giúp các nhóm cổ phiếu dẫn dắt như ngân hàng, dầu khí, chứng khoán, bất động sản tăng điểm, qua đó hỗ trợ tốt cho chỉ số. Trong khi các cổ phiếu vừa và nhỏ cũng tăng tương đối mạnh nhờ dòng tiền đầu cơ gia tăng.
Dù có được sự hồi phục tốt, nhưng nhiều CTCK vẫn có cái nhìn thận trọng về thị trường trong phiên cuối tuần khi cho rằng, một phiên tăng là chưa đủ để khẳng định đà điều chỉnh đã chấm dứt. Bên cạnh đó, ngưỡng 600 điểm được đánh giá là ngưỡng kháng cự mạnh, một thách thức không nhỏ đối với thị trường ở thời điểm hiện tại.
Đúng như dự đoán, khi bước vào phiên giao dịch sáng 27/2, mặc dù thị trường vẫn mở cửa trong sắc xanh, nhưng sự tâm lý thận trọng đã bao trùm thị trường khiến giao dịch chỉ diễn ra nhỏ giọt, thanh khoản ở mức thấp.
Kết thúc đợt 1, VN-Index tăng nhẹ 1,28 điểm (+0,21%) lên 598 điểm với tổng giá trị giao dịch chỉ đạt 1,3 triệu đơn vị, giá trị 18,54 tỷ đồng.
Bước sang đợt khớp lệnh liên tục, áp lực bán ngay lập tức được gia tăng khiến VN-Index nhanh chóng chuyển màu. Nhiều mã trong nhóm cổ phiếu bluechips không giữ được sắc xanh ở đầu phiên, quay đầu giảm điểm.
Càng về cuối phiên, áp lực bán càng tăng mạnh kéo thị trường nới rộng đà giảm. Tuy nhiên, điểm tích cực là lực cầu bắt đáy vẫn khá tốt, giúp VN-Index không giảm quá sâu và thanh khoản cũng duy trì ở mức trung bình.
Kết thúc phiên giao dịch sáng, VN-Index giảm 3,27 điểm (-0,55%), xuống 593,45 điểm với 82 mã tăng và 114 mã giảm. VN30-Index giảm 2,18 điểm (-0,35%), xuống 621,66 điểm với 7 mã tăng và 15 mã giảm.
Tổng khối lượng giao dịch đạt 39,3 triệu đơn vị, giá trị 707 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,16 triệu đơn vị, giá trị 64,4 tỷ đồng.
Trong khi đó, dù cũng chịu áp lực chốt lời mạnh như trên HOSE, nhưng nhờ sự hỗ trợ của một số mã Sông Đà, cùng một số mã lớn khác như KLF, AAA… nên HNX-Index vẫn giữ được sắc xanh, dù là sắc xanh nhạt.
Kết thúc phiên sáng, HNX-Index tăng 0,04 điểm (+0,04%), lên 86,09 điểm với 73 mã tăng và 84 mã giảm. HNX30-Index tăng 0,15 điểm (+0,09%), lên 166,5 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 23,95 triệu đơn vị, giá trị 292 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.
Sắc tím trong phiên sáng nay chỉ còn lác đác và chủ yếu là sắc tím giả tạo.
Sau chuỗi phiên tăng ấn tượng, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã đồng loạt bị chốt lời và không còn mã nào có sắc xanh trong phiên sáng nay. Trong 6 mã ngân hàng niêm yết trên HOSE, chỉ có duy nhất STB giữ được mức tham chiếu, còn lại đều đóng cửa trong sắc đỏ, nhưng mức giảm cũng không quá lớn.
Không chỉ cổ phiếu ngân hàng, nhóm dầu khí cũng đảo chiều cùng với việc giá dầu thô thế giới lao dốc trong phiên tối qua.
Những nhà đầu tư nắm giữ OGC bán ra hôm qua đã đúng với nhận định của mình và tỏ ra là những nhà đầu tư nhạy bén. Trong phiên sáng nay, sắc tím của OGC trong 3 phiên đầu năm đã được thay thế bằng sắc đỏ và vàng. Dù vậy, may mắn là mã này vẫn chốt phiên ở mức tham chiếu 5.900 đồng, mức cao nhất phiên với tổng khớp hơn 1,7 triệu đơn vị, chỉ bằng 10% so với phiên hôm qua.
Nhóm cổ phiếu bất động sản có sự phân hóa khá rõ nét. Trong khi NBB, KBC, HAR, NTL, PPI… có sắc xanh, thì các mã còn lại như FLC, HDG, NVT, KDH, DXG… lại chìm trong sắc đỏ. Trong đó, KBC là mã có thanh khoản tốt nhất với tổng khớp hơn 3,7 triệu đơn vị.
Trên HNX, với thông tin kết quả kinh doanh và chia cổ phiếu thưởng được đưa ra trước đó, KLF vẫn duy trì sắc xanh với mức tăng 200 đồng, lên 10.700 đồng. Tổng khối lượng giao dịch vượt trội so với các mã còn lại trên HNX với 5,62 triệu đơn vị.
VIX cũng tạo bất ngờ khi là mã có thanh khoản đứng thứ 2 sau KLF với hơn 1,8 triệu đơn vị và có được mức tăng nhẹ 1 bước giá, lên 20.100 đồng, dù có lúc đã leo lên mức giá 21.100 đồng.
PVX tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh, trong khi PVV vẫn duy trì sắc tím và còn dư mua giá trần khi chốt phiên sáng nay.
Dòng Sông Đà sáng nay khá tích cực với sự dẫn dắt của S99, tiếp đó là các mã khác như S55, S74, SD2, SD4, SDT. Tuy nhiên, từng đó chưa đủ để tạo nên đợt sóng Sông Đà, dẫn dắt thị trường.