Phiên giao dịch sáng 27/1: Bất ngờ suy yếu

(ĐTCK) Tưởng chừng với sự hỗ trợ đắc lực từ các mã lớn nhóm dầu khí, ngân hàng, cùng dòng tiền đầu cơ chảy mạnh, VN-Index sẽ bứt phá trong phiên sáng nay, nhưng nhưng lực bán bất ngờ gia tăng ở một số bluechip đã khiến VN-Index suy yếu vào cuối phiên.
Phiên giao dịch sáng 27/1: Bất ngờ suy yếu

Trước áp lực bán mạnh, thị trường quay đầu giảm điểm trong phiên giao dịch hôm qua (26/1), sau phiên tăng vọt tới gần 4% đầu tuần mới. Tuy nhiên, bước vào phiên giao dịch sáng nay (27/1), sắc xanh đã quay trở lại khá mạnh mẽ.

Diễn biến trồi sụt này của TTCK Việt Nam là không lạ, bởi trong suốt thời gian qua liên tục chịu ảnh hưởng từ những yếu tố bên ngoài. Mặc dù vậy, tâm lý thị trường hiện tại được đánh giá là đã ổn định hơn rất nhiều so với trước đó, một trong những yếu tố thể hiện điều này là sự cải thiện về thanh khoản.

Trong phiên giao dịch sáng nay, thị trường đã bật tăng khá mạnh ngay từ khi mở cửa khi đồng loạt các mã lớn đều tăng điểm, thanh khoản tương đối cao.

Kết thúc đợt 1, VN-Index tăng 3,45 điểm (+0,64%) lên 541,18 điểm, tổng giá trị giao dịch đạt hơn 7 triệu đơn vị, giá trị trên 73 tỷ đồng.

Sang đợt khớp lệnh liên tục, đà tăng dần được nới rộng khi sức cầu ở các mã lớn được duy trì. Ngoại trừ VIC giảm điểm khá mạnh 500 đồng về 47.500 đồng/CP, còn lại hầu hết đều tăng điểm.

VNM với mức tăng 1.000 đồng lên 116.000 đồng/CP, BVH tăng 600 đồng lên 49.600 đồng/CP, VCB và FPT cùng tăng 400 đồng….

Giá dầu thô thế giới đã tăng mạnh trở lại 4% sau khi có thông tin Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các nhà sản xuất ngoài OPEC chuẩn bị họp khẩn để bàn về việc hợp tác để cắt giảm bớt sản lượng.

Sự tích cực này đã ngay lập tức tác động lên nhóm cổ phiếu dầu khí trong phiên giao dịch sáng nay, khiến nhiều mã dầu khí lớn đồng loạt tăng điểm. GAS tăng mạnh 1.000 đồng lên 36.500 đồng/CP, PVD tăng 800 đồng lên 22.000 đồng/CP, PVB tăng 900 đồng lên 21.500 đồng/CP, PVC tăng 500 đồng lên 13.000 đồng/CP…

Sự trở lại của nhóm dầu khí kết hợp với nhóm cổ phiếu lớn giúp thị trường duy trì được sắc xanh khi áp lực bán xuất hiện.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, lực cầu mạnh tập trung tại một số mã có tính đầu cơ cao như FLC, HAG, FIT, VHG, SCR….

Đáng chú ý, VHG đã tăng kịch trần và thanh khoản rất mạnh, đạt hơn 6,89 triệu đơn vị, bên bán đã trắng lệnh.

HAG sau khi giảm điểm đầu phiên cũng đã quay đầu tăng điểm nhờ sức cầu tốt. HAG đang tăng 200 đồng lên 9.100 đồng/CP và khớp hơn 3,79 triệu đơn vị.

FLC và SCR đang dẫn đầu thanh khoản trên mỗi sàn và đều tăng điểm khá tốt. FLC khớp trên 8 triệu đơn vị, SCR khớp trên 3,2 triệu đơn vị.

Về cuối phiên, sắc xanh của các chỉ số tiếp tục được duy trì khi lực cầu giá cao vẫn ổn định. Tuy nhiên, thanh khoản thị trường chưa cho thấy sự tích cực khi hoạt động giao dịch còn thận trọng.

Kết thúc phiên sáng, với 134 mã tăng và 63 mã giảm, VN-Index tăng 2,56 điểm (+0,48%) lên 540,29 điểm. Chỉ số VN30-Index tăng 2,86 điểm (+0,52%) lên 557,38 điểm với 23 mã tăng và 4 mã giảm.

Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 76,8 triệu đơn vị, giá trị 964,3 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp đáng kể với hơn 6,6 triệu đơn vị, giá trị trên 101 tỷ đồng. Đáng chú ý là thỏa thuận của HAG với 3,5 triệu đơn vị ở mức giá tham chiếu, giá trị 31,15 tỷ đồng và “người họ hàng” HNG với 1 triệu đơn vị ở mức giá sàn, giá trị 17,7 tỷ đồng.

Với 100 mã tăng và 48 mã giảm, HNX-Index tăng 0,16 điểm (+0,22%) lên 75,67 điểm. Chỉ số HNX30-Index tăng 1,34 điểm (+1,01%) lên 133,64 điểm với 19 mã tăng và 4 mã giảm.

Tổng giá trị giao dịch đạt 26,64 triệu đơn vị, giá trị 271,14 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 2,48 triệu đơn vị, giá trị trên 23 tỷ đồng, chủ yếu đến từ thỏa thuận của 1 triệu cổ phiếu BII tại mức giá tham chiếu, giá trị 11 tỷ đồng.

Cầu giá cao khá tốt giúp nhiều mã lớn duy trì được sắc xanh, dù không còn mạnh như nửa đầu phiên.

VCB và các mã ngân hàng khác chỉ còn tăng nhẹ 1-2 bước giá, trong đó BID khớp được 1,2 triệu đơn vị. EIB đã giảm 100 đồng.

MSN lùi về tham chiếu. VIC tiếp tục giảm điểm khá mạnh 1.000 đồng về 47.000 đồng/CP và khớp 1,2 triệu đơn vị.

Tuy nhiên, VNM giữ được mức tăng 1.000 đồng lên 116.000 đồng/CP, FPT tăng 400 đồng lên 46.300 đồng/CP, BVH tiếp tục tăng, đạt 700 đồng lên 49.600 đồng/CP, HSG cũng tăng 700 đồng lên 27.500 đồng/CP…

Tương tự, đà tăng của nhóm dầu khí cũng được duy trì. GAS giữ mức tăng 1.000 đồng lên 36.500 đồng/CP, mã này có thời điểm đã tăng 1.400 đồng. PVD tăng 500 đồng lên 21.700 đồng/CP và khớp 1,1 triệu đơn vị. PVB tăng 700 đồng lên 21.300 đồng/CP, PVS tăng 100 đồng lên 14.400 đồng/CP và khớp 1,5 triệu đơn vị…

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, nhất là nhóm cổ phiếu đầu cơ, cũng có sự tích cực, đồng thời là tâm điểm của dòng tiền.

FLC dẫn đầu thanh khoản của HOSE với 9,19 triệu đơn vị được khớp và giữ được mức tăng 200 đồng lên 6.500 đồng/CP.

Trong khi đó, do bên nắm giữ cổ phiếu đã ngừng bơm hàng nên thanh khoản của VHG chỉ nhích nhẹ, tổng khớp cả phiên đạt hơn 7 triệu đơn vị và giữ vững sắc tím tại mức 4.800 đồng/CP. Phiên trước, dù giảm điểm, nhưng VHG đã khớp tới hơn 14 triệu đơn vị.

OGC sau khi thoát án “treo giò” vẫn khá lình xình. Phiên sáng nay khớp được 2,79 triệu đơn vị và đứng giá tham chiếu 3.400 đồng/CP.

Ngoài ra, các mã như FIT, HHS, DLG, ITA… đều có thanh khoản cao trên 1 triệu đơn vị và đa phần tăng điểm.

Trên HNX, ngoài nhóm dầu khí, SCR và PVI là mã gây chú ý nhất khi nhận được lực cầu mạnh ngay từ đầu phiên, nên thanh khoản khá mạnh. SCR khớp hơn 4 triệu đơn vị, dẫn đầu HNX và tăng 200 đồng lên 8.700 đồng/CP. PVI khớp được 1,12 triệu đơn vị, tăng 600 đồng lên 25.300 đồng/CP

Ngoài SCR, PVI và PVS, chỉ có thêm KLF là khớp được trên 1 triệu đơn vị, cũng tăng 200 đồng lên 3.700 đồng/CP.

Nguyễn Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục