Phiên giao dịch sáng 26/10: Trở lại mặt đất

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau phiên bay cao hôm qua, nhiều cổ phiếu đã nhanh chóng trở lại mặt đất trong phiên sáng nay, VN-Index cũng đã trả lại hơn phân nửa điểm số đã có được, trong khi thanh khoản sụt giảm trở lại.
Phiên giao dịch sáng 26/10: Trở lại mặt đất

Trong phiên hôm qua, thị trường đã chứng kiến những pha lên dốc rồi đổ đèo gần như liên tục, nhất là trong phiên chiều với biên độ giữa đỉnh và đáy khoảng 50 điểm.

Giao dịch cũng diễn ra sôi động nhất trong vòng 2 tuần, trong đó nhiều mã cũng bị kéo lên rồi đẩy xuống liên tục, đặc biệt là cuộc chiến cung cầu tại VND.

Sau 2 phiên bị đẩy sàn liên tiếp với dư mua sàn trong phiên đầu tuần 24/10 chất đầy, VND đã có lúc được kéo hồi phục hơn 3% trong phiên 25/10, nhưng lực cung quá lớn đẩy mã này trở lại mức sàn 11.450 đồng, sau đó là cuộc chiến kéo - đẩy liên tục diễn ra trong suốt phiên, khiến mã này có phiên đột biến về thanh khoản khi khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt mức kỷ lục từ khi lên sàn HOSE. Tuy nhiên, phần thắng cuối cùng đã nghiêng hoàn toàn về bên bán khi VND có phiên giảm sàn thứ 3 liên tiếp với dư bán sàn còn khá lớn. Trong khi đó, dù có những pha tàu lượn chóng mặt, nhưng VN-Index cuối cùng đã có được sắc xanh sau 3 phiên lao dốc liên tiếp trước đó.

Có được bước tâm lý tốt từ phiên hôm qua, cùng thông tin tích cực từ bên ngoài khi chứng khoán Mỹ có phiên tăng mạnh, chứng khoán châu Á sáng nay cũng phủ sắc xanh với mức tăng của các chỉ số chính trong khu vực đều trên 1%, VN-Index tiếp tục có được sắc xanh khi mở cửa phiên sáng nay. Tuy nhiên, sự thận trọng nhanh chóng quay lại khiến VN-Index không thể bứt lên mà quay đầu xuống dưới tham chiếu, sau đó giằng co nhẹ quanh ngưỡng này với thanh khoản sụt giảm trở lại.

VND vẫn là mã có giao dịch sôi động nhất sàn, nhưng xem ra lực cầu vẫn chưa đủ sức để đối trọng lại với bên muốn bán ra. Sau khi mở cửa hồi phục hơn 1%, VND sau đó nới dần đà tăng, có lúc lên ngưỡng 12.000 đồng, tương đương mức tăng 4,8%, nhưng lực cung nhanh chóng nhập cuộc, thể hiện sức mạnh của mình trước lực cầu khiến VND bị đẩy lùi trở lại và xuống dưới tham chiếu.

Đóng cửa phiên sáng nay, VND giảm 4,4% xuống 10.950 đồng, thanh khoản 11,9 triệu đơn vị, dù thấp hơn nhiều so với phiên hôm qua, nhưng vẫn dẫn đầu sàn HOSE.

Ngoài VND, một mã khác cũng gây chú ý sáng nay là DIG khi tiếp tục bị đẩy xuống mức sàn 19.050 đồng, còn dư bán sàn tới gần 3,5 triệu đơn vị, khớp 7,4 triệu đơn vị, đứng sau VND. Nếu mức giá này được giữ nguyên hết phiên chiều nay, đây là phiên giảm sàn thứ 4 liên tiếp của DIG. Với mức giá trên sàn liên tục giảm mạnh này sẽ ảnh hưởng lớn tới khả năng gọi vốn của DIG. Trước đó, DIG đã có 3 lần điều chỉnh mức giá của phương án phát hành thêm 100 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu từ mức 30.000 đồng/cổ phiếu, xuống 10.000 đồng/cổ phiếu và gần đây nhất là 15.000 đồng/cổ phiếu.

Cũng như DIG, SMC cũng liên tục bị bán ra và có liên tiếp 3 phiên giảm sàn trước đó, cùng với phiên giảm gần sàn ngày 21/10 sau khi công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý III bết bát. Sáng nay, SMC tiếp tục bị đẩy xuống mức sàn 10.600, mức thấp nhất trong gần 2 năm qua.

Cùng với DIG và SMC, lực bán sau đó gia tăng ở nhiều mã, kéo theo một số mã nữa cũng về mức sàn như KBC, DXG, NHA, NVT, TDC, ACC, YEG…, có lúc là HDC, PC1, KSB, DPG, DXS… Trong khi sắc tím chỉ vừa chớm nở ở một vài mã như KDH, PAN, DLG, SGR nhanh chóng biến mất.

Các nhóm cổ phiếu dẫn dắt vốn khởi sắc hôm qua như ngân hàng, thép cũng đồng loạt quay đầu hạ nhiệt với sắc đỏ chiếm ưu thế trên bảng điện tử. Nhóm chứng khoán thậm chí chỉ còn 2 sắc xanh nhạt tại AGR và VCI, cùng HCM đứng giá tham chiếu, còn lại đều giảm.

Trên bảng điện tử, sắc đỏ cũng chiếm ưu thế khiến VN-Index quay đầu giảm và đóng cửa dưới ngưỡng 990 điểm, trả lại hơn phân nửa số điểm có được từ phiên hồi phục hôm qua.

Chốt phiên sáng, VN-Index giảm 7,81 điểm (-0,78%), xuống 989,89 điểm với 141 mã tăng, trong khi có 237 mã giảm, trong đó có 15 mã giảm sàn. Tổng khối lượng giao dịch đạt 174 triệu đơn vị, giá trị 2.979 tỷ đồng, giảm tới 59% về khối lượng và 56% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 12 triệu đơn vị, giá trị 264 tỷ đồng.

Trong nhóm ngân hàng, BID và LPB là 2 mã tăng tốt nhất 2,7% lên 32.150 đồng và 2% lên 10.200 đồng, còn lại ACB, STB, SHB, MBB chỉ có mức tăng khiêm tốn; CTG, TCB và VCB đứng giá, còn lại giảm. Trong đó, giảm mạnh nhất là OCB và VIB cũng chỉ mất chưa tới 2%.

Nhóm chứng khoán, ngoài VND, có thêm 3 mã nữa giảm mạnh trên 4% là VDS giảm 4,4% xuống 7.740 đồng, BSI giảm 5% xuống 17.100 đồng và CTS giảm 5,5% xuống 10.400 đồng.

Nhóm thép, sau phiên khởi sắc hôm qua, HSG điều chỉnh nhẹ 0,4% sáng nay xuống 12.400 đồng, HPG cũng điều chỉnh 0,6% xuống 17.000 đồng, NKG giảm 1,6% xuống 14.950 đồng.

Sàn HNX cũng đảo chiều trở lại trong phiên sáng nay khi lực bán gia tăng nửa cuối phiên theo sàn HOSE.

Chốt phiên, HNX-Idnex giảm 1,54 điểm (-0,74%), xuống 206,48 điểm với 43 mã tăng, trong khi có tới 108 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 21 triệu đơn vị, giá trị 297,6 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,7 triệu đơn vị, giá trị 15,3 tỷ đồng.

Trong khi VND tiếp tục bị bán và giảm mạnh, thì người “họ hàng” IPA trên sàn HNX lại có phiên hồi phục mạnh mẽ hôm nay khi tăng trần lên 10.400 đồng, khớp 463.300 đơn vị và còn dư mua trần. IPA trong 5 phiên vừa qua cũng bị bán mạnh, đẩy từ mức giá 13.300 đồng xuống 9.500 đồng trong phiên hôm qua.

Sáng nay sàn HNX có 4 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó CEO vượt trội với 4,83 triệu đơn vị, 3 mã còn lại chỉ trên dưới 1,5 triệu đơn vị. Trong đó, có 2 mã đóng cửa ở tham chiếu là SHS và PVS, dù có lúc PVS bị đẩy xuống mức sàn 19.100 đồng; 2 mã giảm là CEO và HUT, trong đó CEO dù thoát mức sàn, nhưng cũng giảm mạnh 7,5% xuống 11.100 đồng.

Lực bán mạnh cuối phiên giống 2 sàn niêm yết cũng kéo UPCoM giảm dù phần lớn thời gian trước đó giao dịch trên tham chiếu.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,53 điểm (-0,69%), xuống 75,72 điểm với 110 mã tăng và 93 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 8,6 triệu đơn vị, giá trị 148,6 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.

Sáng nay UPCoM chỉ có duy nhất BSR là khớp trên 1 triệu đơn vị, đóng cửa giảm nhẹ 0,6% về giá, đứng ở mức 17.400 đồng.

Trong khi đó, BDT lại có biên độ dao động rất rộng từ trần tới sàn. Có lúc mã này được kéo lên mức kịch trần 42.500 đồng, nhưng đóng cửa lại ở mức sàn 31.500 đồng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục