Sau 4 phiên tăng điểm liên tiếp, trong đó, có nhiều mã đã trở lại mức giá từ giữa tháng 4, khiến nhiều công ty chứng khoán có cái nhìn thận trọng về thị trường trong phiên hôm nay khi cho rằng, áp lực bán sẽ tăng lên và rủi ro ngắn hạn bắt đầu xuất hiện.
Cùng với nhận định thận trọng của các công ty chứng khoán, việc thị trường thường có giao dịch chậm và lình xình trong những phút đầu phiên sáng của 3 phiên trước đó cũng khiến giới đầu tư không mấy vội vã khi bước vào phiên giao dịch sáng nay.
Kết thúc đợt 1, VN-Index giảm 0,53 điểm (-0,1%) xuống 543,35 điểm với khối lượng giao dịch đạt 3,7 triệu đơn vị, trị giá 42,23 tỷ đồng, thấp hơn so với đợt 1 của phiên hôm qua.
Bước sang đợt khớp lệnh liên tục, dòng tiền đầu cơ bơm mạnh vào thị trường giúp nhiều mã tăng điểm, chỉ số VN-Index cũng đã lấy lại được sắc xanh và tăng khá tích cực. Có thời điểm, VN-Index đã bật tăng hơn 3 điểm và tiến gần hơn mốc kháng cự mạnh 550 điểm.
Tuy nhiên, khi VN-Index tiến sát đến ngưỡng cản mạnh, lực bán đã tăng lên, đẩy chỉ số này quay đầu giảm trở lại, lao luôn xuống dưới mốc tham chiếu.
Sau khi nhận được sự hỗ trợ ở mốc 540 điểm, VN-Index một lần nữa bật lên và tiếp tục thử sức chinh phục mốc 550 điểm, nhưng cũng như lần trước, VN-Index lại chịu thất bại khi lực chờ bán ở ngưỡng cản này rất lớn.
Dù lực bán khi VN-Index tiến vào vùng cản mạnh, nhưng lực mua vẫn duy trì được sự tích cực, thậm chí tốt hơn 2 phiên trước đó, giúp thanh khoản thị trường tăng nhanh.
Kết thúc phiên sáng, VN-Index tăng 1,52 điểm (+0,28%) lên 545,40 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 78,7 triệu đơn vị, trị giá 1.209,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, giao dịch thỏa thuận đóng góp khá lớn, với 5,75 triệu đơn vị, giá trị 270,2 tỷ đồng, với các thỏa thuận lô lớn của CNG, SSC và VNM. VN30-Index tăng 0,12 điểm (+0,02%), lên 596,94 điểm. Trong khi đó, HNX-Index lại giảm 0,29 điểm (-0,38%), xuống 75,27 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 52,23 triệu đơn vị, trị giá 435,76 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận 2 triệu đơn vị, giá trị 21 tỷ đồng. HNX30-Index giảm 1,5 điểm (-0,99%), xuống 149,77 điểm.
Trong khi nhóm cổ phiếu VN30 cũng đã lấy lại cân bằng hơn với 8 mã tăng, 13 mã giảm và 9 mã đứng giá thì hầu hết các cổ phiếu trong nhóm HNX30 lại giảm điểm. Đóng cửa phiên sáng, VN30-Index tăng nhẹ 0,12 điểm (+0,02%) đứng ở mức 596,94 điểm. HNX30-Index giảm 1,5 điểm (-0,99%) xuống 149,77 điểm.
Các trụ cột chính trên sàn HOSE gồm BVH, VNM và GAS tuy không tăng mạnh như đầu phiên vẫn giữ được sắc xanh và tiếp tục hỗ trợ tốt cho đà tăng của VN-Index.
FLC cũng không còn duy trì được đà tăng mạnh như đầu phiên sáng và đóng cửa ở mức giá 10.300 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh dẫn đầu sàn HOSE với 9,75 triệu đơn vị.
Tương tự, VHG và HQC cũng không còn nóng như những phiên trước. Trong khi VHG không còn giữ được sắc tím thì HQC cũng lùi về mốc tham chiếu với thanh khoản đều đạt hơn 3 triệu đơn vị.
CII cũng có thời điểm chạm sàn, tuy nhiên, đóng cửa CII chỉ còn tăng 4,6% đứng ở mức 19.400 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh đạt 1,92 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu dầu khí gồm PTL, PXL và PXT vẫn duy trì mức giá trần khá vững chắc với lượng dư mua trần khá lớn, trong khi bên bán được xét sạch. Trong đó, PTL dư bán gần 1,66 triệu đơn vị, còn PXL cũng đã khớp gần 1,2 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, áp lực bán tăng mạnh khiến hầu hết các cổ phiếu dẫn dắt đều lùi sâu dưới mốc tham chiếu hoặc cố trụ ở mốc tham chiếu.
Cụ thể SHB và KLS quay về mốc tham chiếu trong khi PVX, SCR, VCG lần lượt giảm điểm. Thanh khoản SHB vẫn dẫn đầu sàn HNX với hơn 5,88 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, còn lại các cổ phiếu KLS, PVX, SCR cùng khớp hơn 4 triệu đơn vị.
SHN vẫn duy trì sắc tím với dư bán giá trần hơn 2,2 triệu đơn vị và khối lượng khớp lệnh đạt 3,63 triệu đơn vị.
Trong khi đó, các điểm đen gồm PVA và GGG sắp bị hủy niêm yết lại đang có được sắc tím với lượng dư mua trần khá lớn đều trên 1 triệu đơn vị.