Phiên giao dịch sáng 20/7: Đột biến cổ phiếu khoáng sản

(ĐTCK) Trong phiên hôm qua, điểm nhấn của thị trường là VIC, thì trong phiên sáng nay, mọi con mắt dồn về nhóm cổ phiếu khoáng sản với nhiều thông tin đáng chú ý liên quan được công bố.
Phiên giao dịch sáng 20/7: Đột biến cổ phiếu khoáng sản

Phiên giao dịch hôm qua, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục duy trì đà tăng điểm nhẹ với sự hỗ trợ của VNM và VCB. Diễn biến trong phiên sáng và đầu phiên chiều củng cố thêm cho nhận định này. Tuy nhiên, sau 30 phút giao dịch, khi VN-Index lên mức cao nhất ngày 677,17 điểm, lực bán bất ngờ xuất hiện ồ ạt tại VIC, châm ngòi cho sự hoảng loạn lan rộng ra khắp bảng điện tử, khiến VN-Index lao dốc hơn 17 điểm chỉ trong ít phút.

May mắn khi chỉ số này về ngưỡng hỗ trợ 660 điểm, lực cầu bắt đáy đã xuất hiện, cùng với sự trợ giúp đắc lực từ VNM và VCB, đà giảm đã được hãm lại đáng kể, VIC - tác nhân gây hoảng loạn cũng hồi phục khá mạnh từ mức sàn khi chốt phiên chỉ còn giảm 3,7%.

Vẫn biết thị trường chứng khoán luôn có những diễn biến bất ngờ và đó chính là vẻ đẹp của thị trường, nhưng nhà đầu tư yếu tim không thích những phiên bất ngờ như chiều qua. Do đó, ngay khi bước vào phiên giao dịch sáng nay, sự thận trọng đã được đặt lên hàng đầu để tránh bị cuốn vào “lối chơi của các tay to”.

Sự thận trọng của nhà đầu tư khiến diễn biến thị trường sáng nay diễn ra khá ảm đạm, giao dịch chỉ diễn ra nhỏ giọt, sau 50 phút giao dịch, trên cả 2 sàn, chỉ có duy nhất FLC có tổng khớp trên 1 triệu đơn vị.

Dù vậy, với sự hỗ trợ của VNM và VCB, VN-Index cũng có được sắc xanh nhạt khi mở cửa phiên sáng nay, bất chấp sắc đỏ chiếm ưu thế trên bảng điện tử.

Cụ thể, kết thúc đợt 1, VN-Index tăng 0,1 điểm (+0,01%), lên 667,86 điểm với tổng khối lượng giao dịch chỉ đạt 3 triệu đơn vị, giá trị 56,46 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đà tăng không thể duy trì được lâu khi bên mua tỏ ra thận trọng, trong khi bên bán không giữ được sự kiên nhẫn. Sắc xanh tại VNM và VCB cũng nhanh chóng biến mất, trong đó VNM đang cầm cự ở tham chiếu, trong khi VCB đang giao dịch trong sắc đỏ.

VIC, cổ phiếu gây náo loạn thị trường phiên chiều qua không còn chịu sức ép bán quá lớn như chiều qua khi mở cửa ở tham chiếu. Sau đó, cổ phiếu này cũng đã nỗ lực hồi phục nhẹ, nhưng đà tăng không giữ được lâu. Chốt phiên giao dịch sáng nay, VIC giảm 1,9%, xuống 51.000 đồng với 0,33 triệu đơn vị được khớp.

Một cổ phiếu khác liên quan tới VIC là TTF tiếp tục có phiên giảm sàn thứ 2 liên tiếp, hiện đang giao dịch ở mức giá 37.800 đồng với dư bán sàn gần 0,6 triệu đơn vị, trong khi lượng khớp chỉ là 14.780 đơn vị.

Liên quan đến TTF, ông Võ Trường Thành, Chủ tịch HĐQT TTF kiêm Chủ tịch HĐQT KSB đã chính thức thôi giữ chức danh Chủ tịch KSB sau hơn 2 tháng được bầu vào chức danh này và sau khi bán hết 600.000 cổ phiếu KSB từng nắm giữ.
Trong phiên sáng nay, không chỉ KSB, nhóm cổ phiếu khoáng sản cũng gây đột biến. Mở đầu phiên, gần như toàn bộ đều có mức giá sàn với lượng dư bán sàn khá lớn. Mức giá sàn này duy trì hết nửa đầu phiên sáng, rồi bất ngờ có lực mua lớn, hấp thụ hết lượng dư bán sàn. Nhiều cổ phiếu hồi phục, thậm chí KSA đã lên mức giá trần 2.400 đồng, KSB lên mức tham chiếu 73.500 đồng.
Nhiều nhà đầu tư đã kỳ vọng về cú đảo chiều ngoạn mục của nhóm cổ phiếu này để tạo sóng trong thời gian tới, tuy nhiên, kịch hay vẫn chưa dứt. Trong những phút cuối phiên, lực bán lớn lại xuất hiện, kéo KSA trở lại mức sàn 2.200 đồng với 14,73 triệu đơn vị được khớp.
Trong khi đó, KSB cũng giảm 4,76%, xuống 70.000 đồng với hơn 1 triệu đơn vị được khớp.
Một mã khác liên quan đến KSB là DRH cũng bị bán mạnh sáng nay và mở cửa với mức giá sàn 68.000 đồng. Dù có nỗ lực, nhưng chỉ đủ sức giúp mã này tránh khỏi sắc xanh mắt mèo, chứ không tránh được phiên giảm sâu khi mất 5,48%, xuống 69.000 đồng.
Trở lại với các mã khác, VNM dù có lúc rung lắc, nhưng vẫn giữ được sắc xanh, MSN, GAS, FPT cũng trở lại tham chiếu, nhưng đà giảm của VN-Index được nới rộng, lùi về mốc 660 điểm khi hàng loạt mã lớn khác giảm giá.
Ngoài VIC, VCB dù mở cửa trong sắc xanh, nhưng chốt phiên cũng giảm 2,68%, xuống 54.500 đồng. Các mã ngân hàng khác như BID, CTG, EIB, STB cũng đều đóng cửa trong sắc đỏ, ngoại trừ MBB may mắn giữ được tham chiếu.

Sắc đỏ cũng xuất hiện ở nhiều cổ phiếu bluechip khác như SSI, HCM, GMD, BVH, CII, PVD.

Nhóm cổ phiếu ngành thép cũng không còn có mã nào giữ được sắc xanh. Mã tăng mạnh trong mấy phiên qua là VIS đang đứng trước áp lực chốt lời lớn và mở cửa ở mức giá sàn. Sau đó, lực bán giá thấp được tiết giảm giúp mã này hồi phục nhẹ và chốt phiên ở mức 12.000 đồng, giảm 3,22%.

Hai mã lớn nhất trong ngành dù có thanh khoản tốt hơn, nhưng cũng đều giảm mạnh. Cụ thể, HSG giảm 3,65%, xuống 42.200 đồng với 1,7 triệu đơn vị được khớp, HPG giảm 1,19%, xuống 41.500 đồng với 1,85 triệu đơn vị được khớp.

HAR cũng đang chịu áp lực chốt lời sau chuỗi tăng ấn tượng, đóng cửa ở tham chiếu.

Chốt phiên sáng nay, VN-Index giảm 5,61 điểm (-0,84%), xuống 662,15 điểm với 77 mã tăng và 126 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 70,8 triệu đơn vị, giá trị 1.168,7 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,3 triệu đơn vị, giá trị 70 tỷ đồng.

Tương tự, HNX-Index cũng giảm 0,65 điểm (-0,75%), xuống 85,6 điểm với 54 mã tăng và 114 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 28 triệu đơn vị, giá trị 283,8 tỷ đồng, chủ yếu là giao dịch khớp lệnh.

Cũng giống HOSE, cổ phiếu khoáng sản cũng gây chú ý trên HNX, đặc biệt là ACM. Sau 8 phiên giảm sàn liên tiếp, xuống 1.800 đồng, ACM tiếp tục bị bán mạnh đầu phiên sáng nay và lại ở mức sàn 1.700 đồng. Tưởng chừng sẽ có phiên giảm sàn thứ 9 liên tiếp, thì bất ngờ có lực cầu lớn, hấp thụ hết lượng dư bán sàn, đưa ACM lên mức trần 1.900 đồng với 5,74 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua trần khá lớn.

Trong văn bản giải trình lý do giảm sàn liên tiếp, bà Phạm Thị Thúy Hạnh, Tổng giám đốc ACM cho biết, có một số trang tin đưa tin về việc Công ty xả thải trực tiếp ra môi trường. Tuy nhiên, đây chỉ là sự cố ngoài mong muốn chứ không phải Công ty không chấp hành đề án bảo vệ môi trường đã được chính quyền địa phương phê duyệt.
Bà Hạn cho biết, sẽ khắc phục triệt để sự cố rò rỉ nước thải ra môi trường và có văn bản cáo các cơ quan có thẩm quyền trước khi vận hành, hoạt động trở lại trước ngày 30/8/2016.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục