Phiên giao dịch sáng 19/8: Cúc sốc lớn

(ĐTCK) Tưởng chừng phiên tăng điểm hôm qua sẽ giúp thị trường bước vào giai đoạn hồi phục sau 5 phiên liên tiếp giảm mạnh. Tuy nhiên, việc tỷ giá bất ngờ được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng 1%, đồng thời nới biên độ giao dịch cho các ngân hàng thương mại quanh tỷ giá chính thức từ +/-2% lên +/-3% sáng nay có thể là nguyên nhân chủ yếu khiến thị trường lao dốc trở lại.
Phiên giao dịch sáng 19/8: Cúc sốc lớn

Sau 5 phiên lao dốc mạnh, thị trường đã có phiên hồi phục (18/8) giúp VN-Index không bị rơi sâu khỏi vùng 600 điểm nhờ sự ổn định trở lại của nhóm cổ phiếu ngân hàng và dầu khí, đặc biệt là khi Ngân hàng Nhà nước và điện diện ngân hàng Eximbank lên tiếng bác bỏ việc ngân hàng này bị rơi vào diện kiểm soát đặc biệt.

Tất nhiên sự phục hồi này mới chỉ là tạm thời và chỉ là chỉ báo về thời điểm tích lũy đang hình thành, nhưng chưa thể khẳng định là xu hướng giảm đã chấm dứt.
Sự "tạm thời" đó được thể hiện rõ nét khi mọi thành quả phiên tăng điểm hôm qua bị xóa ngay trong nửa đầu phiên giao dịch sáng nay, đặc biệt với sự xuất hiện của thông tin nới tỷ giá.
Việc thận trọng của nhà đầu tư là cần thiết khi tác động của quyết định nới tỷ giá chưa thể lượng hóa được mức độ ảnh hưởng tới từng doanh nghiệp ở thời điểm này.

Bước vào phiên giao dịch sáng nay, hầu hết các mã bluechips tăng mạnh trong chiều qua đều quay đầu giảm.

Kết thúc đợt 1, chỉ số VN-Index giảm 3,78 điểm (-0,65%) xuống 576,44 điểm, dù thanh khoản có phần cải thiện hơn so với những phiên giao dịch trước, đạt 3,4 triệu đơn vị, tương đương giá trị 48,3 tỷ đồng.

Đợt khớp lệnh liên tục, Vn-Index tiếp tục nới rộng đà giảm và một lần nữa tuột khỏi mốc kháng cự mạnh 575 điểm.

Các mã dẫn dắt như VIC giảm 600 đồng; GAS giảm 900 đồng; VNM, MSN giảm 1.000 đồng; nhóm ngân hàng, ngoài STB đứng giá, VCB giảm 500 đồng; MBB giảm 100 đồng; CTG giảm 300 đồng; BID và EIB cùng giảm 200 đồng…

Điểm nhấn trên HOSE, dường như chỉ có CII khi vẫn đi ngược xu thế thị trường. Sau những phút đầu loạng choạng, mã này liên tục tăng, hiện đang giao dịch ở mức giá 26.600 đồng/cp, tăng 500 đồng/cp, với khối lượng mua giá cao chất đầy.

Bên cạnh đó, nhóm chứng khoán như HCM và SSI đang có dấu hiệu phục hồi, với mức tăng tương ứng 300 và 100 đồng.

Trên HNX, dù có được sắc xanh khi mở cửa nhưng cũng nhanh chóng bị sắc đỏ chiếm lĩnh khi áp lực chốt lời ngắn hạn vẫn hiện hữu. Đến 9h40, chỉ số HNX-Index giảm 0,15 điểm (-0,19%) xuống 79,45 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 4,5 triệu đơn vị, trị giá 46 tỷ đồng.

Tuy nhiên, chỉ số sàn này không rơi mạnh như trên HOSE khi vẫn còn sự hỗ trợ từ một số mã dầu khí tăng như PVS tăng 100 đồng; PVC tăng 200 đồng.

Các mã thị trường như VND, KLS, ACB, SCR đều giảm, trong khi SHB, BVS, PVX đứng tham chiếu.

Sau nhịp giảm mạnh đầu phiên kéo chỉ số VN-Index rơi qua mốc 575 điểm. Lực cầu bắt đáy được đẩy vào giúp một số mã hồi phục như CII, KDC, IJC, HCM, SSI, HVG, kéo chỉ số này tiệm cần gần hơn đến tham chiếu.

Tuy nhiên, càng về cuối phiên, lượng cung lớn trong khi bên cầu cũng tỏ ra thận trọng khi đặt giá, trong khi đó, nhóm cổ phiếu bluechips đà giảm đang được nới rộng, đặc biệt ở nhóm vốn hóa lớn (VIC, GAS, VNM), nhóm ngân hàng (VCB, BID…), bảo hiểm (BVH) và dầu khí (GAS, PVD). VN-Index đã bị đẩy lùi về ngưỡng 570 điểm.

Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 10,04 điểm (-1,73%) xuống 570,18 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 57,22 triệu đơn vị, trị giá 1.054 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đạt 138,46 tỷ đồng.

Trên HNX, chỉ số HNX-Index giảm 0,74 điểm (-0,93%) xuống 78,86 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 16,7 triệu đơn vị, trị giá 168,39 tỷ đồng.

Bảng điện tử được bao phủ bởi sắc đỏ với hàng trăm mã giảm điểm. Thị trường không ghi nhận xu hướng tăng của nhóm cổ phiếu nào. Đà tăng chỉ xuất hiện ở một số mã đơn lẻ.

Về thanh khoản, ngoài CII với gần 5,5 triệu cổ phiếu được giao dịch và tăng khá vững, thì FIT và BGM là hai “gương mặt” mới xuất hiện trong nhóm cổ phiếu có thanh khoản tốt nhất sàn này.

Hôm nay là ngày đầu tiên FIT chính thức giao dịch trên HOSE với giá tham chiếu 15.000 đồng/cp. Nhưng có vẻ như sự chào sàn của FIT không được thuận lợi khi rơi đúng thời điểm thị trường điều chỉnh. Vì thế, FIT có lẽ không tránh khỏi xu thế giảm. Kết thúc phiên sáng, FIT giảm xuống mức sàn 12.000 đồng/cp, với gần 3,3 triệu cổ phiếu được khớp. Hiện bên cầu gần như trắng lệnh.

Cũng giống FIT, dù có thanh khoản tương đối tốt, đạt 2,25 triệu cổ phiếu, nhưng BGM cũng rơi xuống giá sàn, ở mức 3.500 đồng/cp.

Dòng tiền yếu cộng hưởng với những tác động của diễn biến tỷ giá khiến giao dịch thêm ảm đạm. Dù nhận định từ nhiều CTCK tỏ ra khá lạc quan khi cho rằng khó có thể giảm sâu thêm. Nhưng với diễn biến hiện nay, thị trường cần thêm yếu tố tích cực đủ mạnh để có thể bứt phá khỏi xu hướng giảm hiện tại.

NHNN đã công bố điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và USD áp dụng cho ngày 19/8/2015 từ mức 21.673 VND/USD lên 21.890 VND/USD (mức điều chỉnh tăng 1%), đồng thời điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá từ +/-2% lên +/-3%.
Như vậy, với tỷ giá bình quân liên ngân hàng ở mức 21.890 VND/USD và biên độ tỷ giá +/-3%, thì tỷ giá trần là 22.547 VND/USD, tỷ giá sàn là 21.233 VND/USD. Đồng Việt Nam có dư địa đủ lớn để linh hoạt trước các diễn biến bất lợi trên thị trường quốc tế và trong nước, tạo sự ổn định vững chắc cho thị trường ngoại tệ và đảm bảo khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, đặc biệt trước diễn biến phá giá mạnh của đồng Nhân dân tệ thời gian vừa qua. 

T. Huyền

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục