Phiên giao dịch sáng 16/9: Giữ sức cho cuộc chơi lớn

(ĐTCK)  Hôm nay là ngày chốt danh mục của 2 quỹ ETF với lượng giao dịch khủng sẽ được thực hiện. Theo lịch sử giao dịch của các quỹ này, giao dịch chỉ được thực hiện trong đợt ATC, do đó nhà đầu tư sáng nay chủ yếu đứng ngoài quan sát để chờ cuộc chơi lớn buổi chiều.
Phiên giao dịch sáng 16/9: Giữ sức cho cuộc chơi lớn

Tâm lý chán nản của nhà đầu tư khiến thị trường những phiên gần đây giao dịch rất ảm đạm. Độ rộng của thị trường dù cân bằng, hay nghiên hẳn về bên nào, thì VN-Index vẫn chỉ dao động lình xình do mức tăng giảm của các mã quá nhỏ.

Từ 12/9, HOSE chính thức đưa quy chế giao dịch mới vào vận hành, trong đó đánh chú ý là chia nhỏ bước giá về 10 đồng, 50 đồng và 100 đồng và nâng khối lượng tối đa một lệnh đặt từ 19.990 cổ phiếu/chứng chỉ quỹ lên 500.000 cổ phiếu/chứng chỉ quỹ.

Quy chế này được nhà quản lý kỳ vọng sẽ giúp tăng thanh khoản của thị trường vì sẽ giúp cung, cầu xích lại gần nhau hơn.

Tuy nhiên, sau 1 tuần áp dụng, dường như nhà đầu tư vẫn chưa quen với quy chế giao dịch mới, thậm chí có nhiều nhà đầu tư phản ánh với Báo Đầu tư Chứng khoán là quy chế này khiến thị trường kém hấp dẫn và làm cản trở tính thanh khoản thị trường.  Theo lý giải của một số nhà đầu tư, việc chia nhỏ bước giá ở các thị trường nước ngoài là do giá trị đồng tiền của họ cao, trong khi giá trị tiền đồng của Việt Nam thấp, việc chia quá nhỏ bước giá ở mức 10 đồng sẽ làm thị trường không hấp dẫn, đặc biệt là lợi nhuận thu lại (nếu có) sẽ rất thấp, trong khi có thể làm tăng phí giao dịch, thuế cho nhà đầu tư. Ngoài ra, việc chia quá nhỏ bước giá khiến cả bên mua và bên bán lại kì, kèo khiến lượng khớp sẽ ít hơn. Bên cạnh đó, việc chia nhỏ bước giá này cũng khiến việc theo dõi cổ phiếu khó khăn hơn, phước tạp hơn với nhà đầu tư, ảnh hưởng đến quyết định của họ.

Chính do chưa quen với quy chế giao dịch mới, nên trong tuần giao dịch đầu tiên áp dụng, thanh khoản thị trường đã không tăng như kỳ vọng, thậm chí còn sụt giảm khá mạnh do nhà đầu tư chủ yếu đứng ngoài quan sát. Tuy nhiên, thanh khoản chung của cả tuần này có thể sẽ tăng so với tuần trước do hoạt động chốt giao dịch của các quỹ ETFs trong đợt tái cơ cấu danh mục lần 3 năm 2016 (nhiều khả năng sẽ diễn ra vào cuối phiên chiều nay).

Trở lại với thị trường phiên sáng nay, diễn biến chung vẫn không có gì thay đổi so với các phiên trước đó, vẫn là không khí giao dịch ảm đạm, dù bảng điện tử có thể đồng loạt xanh, hoặc đỏ, nhưng mức tăng, giảm của các mã rất thấp, nên VN-Index cũng chỉ dao động lình xình trong biên độ hẹp với thanh khoản thấp.

Điểm sáng chủ thị trường chủ yếu tập trung vào một vài mã có tính thị trường như ROS, OGC, VHG. Trong khi ROS vẫn kéo dài chuỗi tăng trần liên tiếp kể từ ngày chào sàn đến nay và hiện đang lên mức giá 24.250 đồng, thì OGC cũng có phiên tăng trần thứ 3 liên tiếp sau thông tin khởi công dự án bất động sản lớn tại nội đô Hà Nội.

VHG sau 3 phiên giảm sàn liên tiếp cũng đã tăng trần trở lại trong phiên sáng nay sau thông tin thay đổi Chủ tịch HĐQT.

VN-Index đang bị sức ép từ VNM khi mã giảm 0,84% và tác nhân chính vẫn đến từ lượng cung ngoại. Hôm nay, VNM sẽ được 2 quỹ ETF mua vào với lượng khủng, nhưng có thể đột biến chỉ diễn ra vào phiên chiều như lịch sử giao dịch của các quỹ ETFs. Hiện cổ phiếu này vẫn đang có thanh khoản khá khiêm tốn. Có diễn biến tương tự là HSG khi cũng đang giảm giá và thanh khoản thấp, dù hôm nay mã này cũng được FTSF ETF mua vào lượng khá lớn.

Trên HNX, diễn biến cũng không có gì sáng sủa hơn khi các lệnh khớp chỉ diễn ra nhỏ giọt, HNX-Index chủ yếu là lình xình dưới tham chiếu.

Kết thúc phiên giao dịch sáng nay, VN-Index giảm 2,49 điểm (-0,38%), xuống 653,69 điểm với 97 mã tăng và 134 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 44 triệu đơn vị, giá trị 721,75 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 4,2 triệu đơn vị, giá trị 31 tỷ đồng.

HNX-Index cũng giảm 0,45 điểm (-0,54%), xuống 82,47 điểm với 52 mã tăng và 90 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 19,63 triệu đơn vị, giá trị 216 tỷ đồng, chủ yếu là giao dịch khớp lệnh.

Diễn biến ở các mã không có nhiều thay đổi khi giao dịch chỉ diễn ra nhỏ giọt, trong đó FLC được khớp 4,25 triệu đơn vị, giảm 3,13%, xuống 4.340 đồng. OGC là mã có thanh khỏan tốt thứ 2 với 3,29 triệu đơn vị và vẫn ở mức giá trần 1.660 đồng. Tương tự, cũng duy trì được sắc tím, VHG được khớp 2,47 triệu đơn vị. Các mã còn lại, chủ yếu có thanh khoản thấp và biện động giá hẹp.

Trên HNX, thông tin 4 cựu lãnh đạo bị bắt không ảnh hưởng nhiều tới PVX khi mã này được khớp 1,14 triệu đơn vị, giảm 4,35%, xuống 2.200 đồng (thực chất giảm 1 bước giá). Đứng đầu về thanh khoản trên HNX là HKB với tổng khớp hơn 2 triệu đơn vị, giảm 3,37%, xuống 8.600 đồng. Trong khi mã có thanh khoản thứ 2 là DCS lại tăng lên mức trần 3.100 đồng với 1,77 triệu đơn vị được khớp.

Diễn biến thị trường sáng nay giống như bầu trời bình yên trước cơn bão lớn. Trong phiên giao dịch chiều này, đột biến ít nhất về mặt thanh khoản sẽ xảy ra khi các quỹ ETF thực hiện chốt danh mục. Một điều lạ là dù các quỹ này thường giao dịch tập trung với lượng mua, bán rất lớn vào đợt ATC, nhưng luôn thực hiện thành công, dù trước đó, tại nhiều mà mã các quỹ này sẽ giao dịch, lượng cung/cầu khá thấp.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục