Thị trường đã có tuần giao dịch thành công cả về điểm số và thanh khoản. Trong tuần, VN-Index tăng gần 1,4%, HNX-Index tăng tới gần 4,6%, thanh khoản trên 2 sàn cũng tăng khoảng hơn 16% so với tuần trước đó.
Bước vào tuần giao dịch mới, nhiều chuyên gia và công ty chứng khoán cho rằng, thị trường sẽ tiếp tục có các nhịp điều chỉnh do áp lực chốt lời vẫn sẽ được duy trì ở mức cao.
Tuy nhiên, bước vào phiên giao dịch đầu tuần mới, cả bên bán và bên mua lại không tỏ ra vội vàng trong quyết định của mình, khiến thị trường giao dịch khá bình lặng. Độ rộng của thị trường trong phiên sáng nay cũng khá hẹp và các mã cũng có mức dao động giá không lớn, ngoại trừ một vài mã đầu cơ.
Kết thúc đợt 1, VN-Index tăng 1,59 điểm (+0,28%), lên 571,15 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 3 triệu đơn vị, giá trị 44 tỷ đồng.
Sang đến đợt khớp lệnh liên tục, diễn biến giao dịch chậm vẫn được duy trì khiến VN-Index lình xình quanh ngưỡng cản 572 điểm.
Tương tự, sàn HNX cũng có sắc xanh ngay từ đầu phiên, nhưng đà tăng của HNX-Index sau đó cũng bị hãm lại, thậm chí chỉ số này có dấu hiệu đảo chiều sau chuỗi tăng mạnh tuần trước.
Sau nửa phiên đầu chịu áp lực bán lớn, với sự cầm đầu của VCB, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã dần dần trở lại và giữ vai trò dẫn dắt thị trường tăng điểm.
Với sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngân hàng, “cái bóng” 572 điểm cuối cùng cũng được VN-Index bỏ lại phía sau để hướng đến cái mốc cao hơn là 580 điểm. Trong khi đó, sau những phút rung lắc do chịu tác động của áp lực chốt lời, HNX-Index cũng nhanh chóng lấy lại thăng bằng và bứt phá mạnh cuối phiên.
Kết thúc phiên sáng, VN-Index tăng 9,02 điểm (+1,58%), lên 578,58 điểm, mức cao nhất trong phiên. Độ rộng của thị trường cũng được nới rộng hơn so với nửa đầu phiên sáng với 108 mã tăng, 70 mã giảm. Thanh khoản phiên sáng nay giảm nhẹ so với phiên cuối tuần trước khi lực bán không mạnh như dự báo của các công ty chứng khoán. Cụ thể, tổng khối lượng giao dịch sáng nay đạt 64,6 triệu đơn vị, giá trị 987 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 4,2 triệu đơn vị, giá trị 116,8 tỷ đồng.
Tương tự, HNX-Index cũng tăng mạnh 1,45 điểm (+1,74%), lên 84,69 điểm với 90 mã tăng, gấp đôi so với 45 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 24,1 triệu đơn vị, giá trị 275,6 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,1 triệu đơn vị, giá trị 11,8 tỷ đồng.
Trên HOSE, sau khi được kéo 5 phiên tăng trần liên tiếp với tăng 16,7%, từ 2.400 đồng lên 2.800 đồng, OGC đã chịu áp lực chốt lời trong phiên sáng nay và hiện đang giao dịch ở mức tham chiếu 2.800 đồng. Tuy nhiên, cuộc đấu tại OGC, giữa một bên chốt lời và bên muốn tiếp tục đẩy giá khá hấp dẫn và khiến OGC liên tục đổi màu và cuối cùng “trận đấu” tạm kết thúc với kết quả hòa khi OGC chốt ở mức giá tham chiếu 2.800 đồng với hơn 4,6 triệu đơn vị được khớp.
Trong khi đó, tâm điểm chú ý hiện nay trên HNX chính là SHN. Dù tình hình tài chính Công ty bết bát, nhưng cổ phiếu SHN đã được kéo từ mức 2.700 đồng ngày 6/4, lên mức giá 10.300 đồng phiên cuối tuần trước. Sau khi chịu rung lắc nhẹ đầu phiên hôm nay, giảm xuống mức 10.000 đồng, lực cầu đỡ giá đã nhanh chóng được bơm vào, đẩy SHN lên mức trần 11.300 đồng và còn dư mua giá trần 634.500 đơn vị và lượng khớp đạt 1,25 triệu đơn vị.
Trong khi SHN có lúc rung lắc do chịu áp lực chốt lời đầu phiên, thì APP lại được nhà đầu tư ồ ạt mua vào ngay từ đầu phiên và duy trì sắc tím suốt phiên sáng nay. Tuy nhiên, do lượng cung không nhiều, nên APP chỉ được khớp gần 330.000 đơn vị, trong khi còn dư mua trần tới hơn 3,2 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu ô tô với HHS trên HOSE và HHG trên HNX đang có mức tăng khá tốt. Trong khi HHS tăng 2,9%, thì HHG thậm chí còn dư mua giá trần.
Các mã cổ phiếu có tính đầu cơ đáng chú ý khác trong phiên sáng nay không có nhiều đột biến về giá. FLC lình xình dưới tham chiếu suốt phiên và chỉ giữ được mức tham chiếu 9.200 đồng cuối phiên sau thông tin bán hàng tốt tại dự án ở Sầm Sơn được công bố. Đây vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất thị trường trong phiên sáng nay với hơn 10 triệu đơn vị được khớp.
Trong khi đó, các mã khác như VHG, HAI, DLG, ITA, KBC… cũng chỉ có biên độ dao động hẹp và đóng cửa quanh sát mức tham chiếu.
Trên HNX, diễn biến tương tự cũng diễn ra với KLF, FIT, SCR và có chút tích cực hơn với ITQ sau thông tin kết quả kinh doanh tháng 5 và 5 tháng đầu năm khả quan được công bố. Kết thúc phiên sáng nay, ITQ tăng 5,1%, lên 10.300 đồng với 421.700 đơn vị được khớp. Trong khi mã dẫn đầu thanh khoản là KLF cũng chỉ được khớp hơn 2 triệu đơn vị và tăng nhẹ 1 bước giá, lên 7.600 đồng.
Như đã đề cập ở trên, sau nửa phiên đầu chịu áp lực chốt lời, nhóm cổ phiếu với điểm tựa chính từ VCB đã lần lượt hồi phục, trở thành nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường trong phiên sáng nay.
Trong đó, VCB dù không giữ được mức cao nhất phiên, nhưng cũng tăng tới 5,77%, lên 45.800 đồng với hơn 780.000 đơn vị được khớp, trong đó khối ngoại mua vào hơn 61%; CTG tăng hơn 3%, lên 20.100 đồng, với gần 1,5 triệu đơn vị được khớp; BID tăng 5,94%, lên 21.400 đồng với 1,7 triệu đơn vị được khớp; MBB tăng 3,6%, lên 14.300 đồng với gần 3 triệu đơn vị được khớp; khiêm tốn hơn là EIB tăng 1,48%, lên 13.700 đồng, STB tăng 1,1%, lên 18.300 đồng.
Trên HNX, ACB tăng 5,7%, lên 20.400 đồng với hơn 707.000 đơn vị được khớp, SHB tăng 2,5%, lên 8.200 đồng với 1,85 triệu đơn vị được khớp.