Sau phiên hưng phấn hôm qua, nhà đầu tư đã nhanh chóng trở lại trạng thái thận trong khi bước vào phiên giao dịch sáng nay. Đây là điều dễ hiểu, vì theo nhận định, rủi ro của thị trường vẫn ở mức cao. Sự thận trọng khiến thị trường lình xình khi mở cửa với thanh khoản sụt giảm mạnh so với 3 phiên đầu tuần.
Kết thúc đợt 1, VN-Index giảm 0,14 điểm (-0,03%) tạm đứng ở mức 529,39 điểm với tổng khối lượng giao dịch chỉ đạt hơn 2,28 triệu đơn vị, trị giá 27,85 tỷ đồng.
Bước sang đợt khớp lệnh liên tục, trong khi bên bán vẫn duy trì ở mức giá bán cao thì bên mua ép giá, hầu hết lệnh mua đều dưới mốc tham chiếu khiến thanh khoản thị trường chỉ nhúc nhắc. Chỉ số VN-Index giằng co quanh mốc tham chiếu. Tại thời điểm 9h22, VN-Index giảm 0,77 điểm xuống 528,76 điểm. Thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức thấp với tổng khối lượng giao dịch gần 9 triệu đơn vị, trị giá 91 tỷ đồng. Trong đó, FLC có khối lượng khớp lệnh lớn nhất sàn cũng chỉ đạt hơn nửa triệu đơn vị.
Trong khi đó trên sàn HNX, tiếp đà tăng phiên hôm qua, chỉ số HNX-Index đã có sắc xanh nhạt khi bước vào đầu phiên giao dịch sáng. Tuy nhiên, ngay sau khi nhận tín hiệu đỏ từ VN-Index, chỉ số HNX-Index cũng đã nhanh chóng chuyển sắc. Thanh khoản trên sàn HNX có phần tích cực hơn với sự dẫn dắt của KLS.
Sau gần 40 phút giao dịch lình xình, lực cầu có dấu hiệu tích cực trở lại. Các lệnh mua được đẩy lên khá cao giúp nhiều mã tăng điểm và lượng khớp lệnh cũng đã tăng đáng. Trên cả hai sàn, số mã tăng giá chiếm chủ đạo, trong đó, với sự dẫn dắt của nhóm VN30 và HNX30 đã giúp chỉ số trên hai sàn vượt qua mốc tham chiếu và tăng điểm khá mạnh.
Đà tăng của thị trường được nới rộng dần với sắc tím xuất hiện nhiều hơn trên bảng điện tử. Có lúc, VN-Index vượt qua 537 điểm, trước khi hạ nhiệt nhẹ vào cuối phiên do áp lực áp gia tăng.
Đóng cửa phiên sáng, VN-Index tăng 5,24 điểm (+0,99%), lên 534,77 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 65,91 triệu đơn vị, trị giá 937,56 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 3,18 triệu đơn vị, trị giá 83,7 tỷ đồng. Riêng HAI thỏa thuận hơn 1,2 triệu đơn vị, trị giá 28,34 tỷ đồng, CNG cũng thỏa thuận gần 1 triệu đơn vị, trị giá 34,15 tỷ đồng. VN30-Index tăng 4,66 điểm (+0,8%) lên 586,49 điểm với 18 mã tăng, trong khi chỉ có 2 mã giảm.
Trong khi đó, HNX-Index tăng 0,23 điểm (+0,32%) lên 72,11 điểm với tổng khối lượng giao dịch hơn 44 triệu đơn vị, trị giá 360,71 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận có đóng góp không đáng kể chỉ hơn 2 tỷ đồng. HNX30-Index tăng 0,64 điểm (+0,46%) lên 140,03 điểm.
Nhóm VN30 hầu hết giữ được nhịp tăng khá tốt, trong đó, HSG, FLC và ITA được kéo tăng trần ngay từ giữa phiên sáng. HSG đứng vững ở giá trần với lượng dư mua trần khá lớn, trong khi ITA và FLC không giữ được sắc tim do lực bán khá mạnh. Đóng cửa, FLC tăng 300 đồng (+3,75%), lên 8.300 đồng/cổ phiếu với gần 7,7 triệu đơn vị được khớp, ITA tăng 200 đồng (+2,82%), lên 7.300 đồng/cổ phiếu với hơn 4,22 triệu đơn vị được khớp.
Ngoài FLC và ITA, nhóm cổ phiếu bất động sản cũng chứng kiến nhiều mã khác duy trì mức trần như DIC, DLG, DRH, CLG, VNI, VPH, HQC, KBC. Đáng chú ý là HQC, với lực cầu ngoại khá mạnh đã giúp cổ phiếu này duy trì sắc tím đến hết phiên giao dịch sáng dù lực chốt lời cổ phiếu này không hề nhỏ. Đóng cửa, HQC tăng trần lên 5.700 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 4,3 triệu đơn vị và lượng nhà đầu tư nước ngoài vào đạt 1,1 triệu đơn vị.
Không chỉ mua mạnh HQC, nhà đầu tư nước ngoài còn mua vào khá mạnh các cổ phiếu khác như HAG với hơn 1,57 triệu đơn vị, ITA hơn nửa triệu đơn vị, FCN, GMD, OGC, CII… Với động thái liên tiếp bơm tiền vào thị trường chứng khoán Việt của khối ngoại khiến nhà đầu tư trong nước vững tâm và mạnh dạn giao dịch hơn.
Đặc biệt, CII sau chuỗi giảm sàn liên tục do áp lực chốt lời đã hồi phục trở lại trong phiên sáng nay với mức tăng 700 đồng (+4,07%), lên 17.900 đồng/cổ phiếu với 1,45 triệu đơn vị được khớp.
Trên HNX, với công bố kết quả kinh doanh quý I/2014 tiếp tục lỗ, nên PVX giao dịch không mấy tích cực. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ hợp nhất âm hơn 163 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ gần 32 tỷ đồng. Tại thời điểm 31/3/2014, lỗ lũy kế chưa phân phối lên 3.360 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ 4.000 tỷ đồng. PVX đã có lúc lao xuống kịch sàn, tuy nhiên, nhờ lực cầu lớn giúp cổ phiếu này vượt qua giá sàn. Đóng cửa, PVX giảm 300 đồng xuống 4.300 đồng/CP với khối lượng dẫn đầu sàn HNX đạt 7,94 triệu đơn vị.
Nếu trên sàn HOSE, nhóm cổ phiếu chứng khoán khá mờ nhạt thì trên HNX, các cổ phiếu này đua nhau tỏa sáng. Trong đó, KLS hút dòng tiền khá mạnh với khối lượng khớp lệnh chỉ đứng sau PVX đạt 6,4 triệu đơn vị và đóng cửa ở mức giá 9.600 đồng/Cp, tăng 6,25%. Các cổ phiếu khác như SHS, VND, BVS, APS… hồi xanh, trong khi VIG và ORS được kéo lên chạm trần.