Phiên giao dịch sáng 13/5: Áp lực bán vẫn mạnh

(ĐTCK) Dù thị trường đã lấy lại được cân bằng sau phiên lao dốc đầu tuần nhờ lực mua gia tăng ở một số mã bluechip, nhưng áp lực bán nhìn chung vẫn rất mạnh, khiến nhiều mã tiếp tục giảm sàn, ngăn cản nỗ lực hồi phục của thị trường.
Phiên giao dịch sáng 13/5: Áp lực bán vẫn mạnh

Dư âm của phiên lao mạnh đầu tuần tiếp tục ảnh hưởng đến nhà đầu tư khi bước vào phiên giao dịch sáng nay. Tuy nhiên, sau đó, sự bình tĩnh đã dần trở lại với nhà đầu tư, giúp thị trường dần hồi phục và sắc xanh đã xuất hiện.

Trong phiên giao dịch tối qua và sáng nay, chứng khoán toàn cầu đồng loạt tăng mạnh, trong đó, chỉ số Dow Jones và S&P500 thiết lập đỉnh cao mới, trong khi chứng khoán châu Âu cũng leo lên mức cao nhất 6 năm. Chứng khoán châu Á mở cửa sáng nay cũng đồng loạt tăng mạnh.

Thị trường chứng khoán vốn nhảy cảm với các thông tin về khủng hoảng địa chính trị, chiến tranh, thiên tai, khủng hoảng… nhưng điểm tựa cốt yếu nhất cho thị trường vẫn là sức mạnh nội tại của nền kinh tế và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp. Chính vì vậy, dù khủng hoảng ở Ukraine gia tăng, nhưng nhờ kết quả kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp được công bố, các thị trường chứng khoán Âu, Mỹ vẫn tăng mạnh.

Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, các thông tin tác động liên quan đến kinh tế vĩ mô và hoạt động của doanh nghiệp vẫn khá lạc quan. Kinh tế vĩ mô quý I và tháng 4/2014 được công bố vẫn ổn đinh, nền kinh tế đang dần lấy lại đà tăng trưởng, trong khi kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp vẫn rất tốt, chỉ có khoảng 5% doanh nghiệp trên sàn đã công bố lỗ trong quý I. Bên cạnh đó, lãi suất đang giảm dần và thị trường bất động sản cũng đã có tín hiệu phục hồi, thanh khoản tăng mạnh kể từ đầu năm.

Chính vì vậy, việc thị trường lao dốc quá đà trong phiên đầu tuần và trước đó là phiên 8/5 được các chuyên gia đánh giá là những phản ứng thoái quá của nhà đầu tư.

Trở lại với phiên giao dịch sáng nay, dư âm của phiên lao mạnh đầu tuần vẫn còn khi mở cửa phiên giao dịch sáng nay. Một số nhà đầu tư chưa kịp bán phiên hôm qua đã vội vã đặt lệnh ATO để thoát sớm khi bước vào phiên sáng nay, khiến thị trường giảm mạnh và thanh khoản ở mức cao.

Kết thúc đợt 1, VN-Index giảm 8,29 điểm (-1,60%), xuống 508,76 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 7,3 triệu đơn vị, giá trị 83,6 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khi bước vào đợt khớp lệnh liên tục, nhân thấy lực cầu bắt đáy có dấu hiện cải thiện, bên mua đã bắt đầu tiết cung và nhiều cổ phiếu dần hồi trở lại, giúp thị trường quay đầu tiến dần về tham chiếu và có thời điểm có được sắc xanh nhạt. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu chứng khoán, bất động sản tiếp tục chịu áp lực cung lớn khiến thị trường quay đầu giảm điểm trở lại và đóng cửa trong sắc đỏ, HNX-Index thậm chí vẫn giữ mức mạnh 1,3%.

Kết thúc phiên sáng, VN-Index giảm 2,09 điểm (-0,40%), xuống 514,96 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 56,37 triệu đơn vị, giá trị 725,34 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,68 triệu đơn vị, giá trị 35,66 tỷ đồng. VN30-Index giảm 2,37 điểm (-0,42%), xuống 560,93 điểm. HNX-Index giảm 0,92 điểm (-1,30%), xuống 69,78 điểm. Tổng khối lượng giao dịch 29,85 triệu đơn vị, giá trị 242,81 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận 0,68 triệu đơn vị, giá trị 8,45 tỷ đồng. HNX30-Index giảm 1,77 điểm (-1,31%), xuống 132,96 điểm.

Trên HOSE, nhiều mã bluechip đã lấy lại đà tăng như BID, BVH, DPM, EIB, HAG, HPG, MBB, OGC, PVD, VCB, VSH. Tuy nhiên, VNM đã quay đầu giảm điểm sau, trong khi MSN và VIC duy trì sắc đỏ trong suốt phiên khiến VN-Index không thể tăng điểm.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn giảm mạnh, trong đó, AGR, BSI duy trì mức sàn, HCM tuy thoát mức sàn, nhưng cũng giảm 1.600 đồng (-4,62%), xuống 23.500 đồng với 1,14 triệu đơn vị được khớp, trong khi SSI cũng giảm 900 đồng (-4,25%), xuống 20.300 đồng/cổ phiếu với 1,57 triệu đơn vị được khớp. Trên HNX, chỉ còn VND tăng giá, còn lại giảm, trong đó có nhiều mã giảm sàn.

Nhóm cổ phiếu bất động sản tiêu cực hơn nhiều khi nhiều mã giảm sàn như FLC, ITA, HQC, CIG, DLG, DRH, HAR, LGL, MCG, NVN, VRC...

Dĩ nhiên với bối cảnh thông tin như hiện nay, nhóm cổ phiếu dầu khí và vận tải biển vẫn chịu áp lực bán mạnh và đồng loạt giảm sàn.

Trên HNX, SHB, PVS, PVX cũng đã xuất hiện sắc xanh, tuy nhiên, kết thúc phiên, chỉ có PVS có mức tăng tốt nhờ lực cầu ngoại, SHB chỉ giữ được mức tăng nhẹ 1 bước giá, trong khi PVX đã giảm trở lại.

Giống như người "anh em" FLC trên HOSE, KLF cũng bị kéo xuống mức sàn khi đóng cửa phiên sáng, dù nửa đầu phiên còn lình xình ở tham chiếu.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục