Sau những ngày hưng phấn, tác động của TPP đã được phân tích một cách cụ thể hơn. Theo đó, tác động của hiệp định này hiện nay chỉ về mặt tâm lý, còn ảnh hưởng trực tiếp phải tới năm 2018 và vẫn còn nhiều rào cản còn phải vượt qua.
Do đó, với các ngành, nghề được hưởng lợi từ TPP, hay chịu tác động tiêu cực cũng chưa thể ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong một vài năm sắp tới. Vì vậy, dường như hiệu ứng TPP đã tạm lắng xuống và giờ là lúc nhà đầu tư bước vào những toan tính mới.
Trong phiên giao dịch sáng nay, áp lực chốt lời đã diễn ra trên diện rộng ngay khi mở cửa thị trường, khiến cả 2 chỉ số chính đều giảm điểm ngay từ đầu phiên.
Kết thúc đợt 1, VN-Index giảm 3,01 điểm (-0,51%), xuống 589,09 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 4,08 triệu đơn vị, giá trị 44,98 tỷ đồng.
Bước vào đợt khớp lệnh liên tục, sắc đỏ tiếp tục được duy trì, với sắc đỏ chiếm thế áp đảo trên bảng điện tử. Tuy nhiên, điểm tích cực là lực mua vẫn rất lớn, giúp hấp thụ tốt lượng cung chốt lời giá thấp, qua đó hãm đà giảm của thị trường. Trong đó, một số mã lớn sau khi chịu rung lắc đầu phiên đã túc tắc trở lại, hỗ trợ cho thị trường, như BID, VNM, KDC, DCM, SSI, CII…
Tương tự, trên HNX, sau những phút rung lắc đầu phiên, cũng đã bắt đầu hồi phục dần và đang trên đường trở về tham chiếu. Dù sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế, nhưng với sự hỗ trợ của một số mã bluechip như NTP, SHB, nên đà giảm được hãm lại.
Nhờ lực mua vẫn được duy trì, trong khi lực bán giá thấp không lớn, nên tưởng chừng có lúc thị trường sẽ hồi phục trở lại. Tuy nhiên, ngưỡng cản 590 xem ra không phải là một thử thách dễ vượt qua. Mỗi lần VN-Index trở lại mốc này, áp lực bán lại gia tăng, đẩy chỉ số này thoái lui và đóng cửa trong sắc đỏ trong phiên giao dịch sáng nay.
Diễn biến trên HNX cũng tương tự khi HNX-Index có lúc đã lên sát tham chiếu, nhưng lực bán sau đó đẩy chỉ số này lùi xa trở lại, nhưng không mạnh bằng VN-Index.
Kết thúc phiên sáng, VN-Index giảm 3,09 điểm (-0,52%), xuống 589,01 điểm với 107 mã giảm, trong khi số mã tăng là 66 mã. Tổng khối lượng giao dịch đạt 71 triệu đơn vị, giá trị 1.141 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 11,3 triệu đơn vị, giá trị 183,9 tỷ đồng.
HNX-Index giảm 0,16 điểm (-0,2%), xuống 80,73 điểm với 94 mã giảm và 56 mã tăng. Tổng khối lượng giao dịch đạt 21,9 triệu đơn vị, giá trị 244,69 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,6 triệu đơn vị, giá trị 23,4 tỷ đồng.
Nhóm bảo hiểm với sự dẫn dắt của BVH chịu áp lực chốt lời mạnh ngay phiên sáng nay, trong đó BVH giảm 3,33%, PGI giảm 2%, còn BIC, BMI giảm nhẹ hơn, trên dưới 1%. Sau đó, nhóm này có lúc đã nỗ lực hồi phục với BMI lấy lại đà tăng, còn BVH, BIC cũng về được tham chiếu. Tuy nhiên, về cuối phiên, lực bán lại gia tăng, đẩy nhóm này giảm mạnh trở lại, bất chấp có sự hỗ trợ của khối ngoại.
Chốt phiên sáng, BVH giảm 2,5%, BIC giảm 1,22%, BMI giảm 3,23%, trong khi PGI lại đảo chiều tăng nhẹ 1 bước giá nhờ 1 lệnh khớp đúng 1 lô vào nửa cuối phiên. Thanh khoản của nhóm này rất thấp.
Trong khi đó, nhóm dầu khí giảm khá mạnh sau khi giá dầu thế giới lao dốc mạnh trong phiên tối qua trên thị trường Mỹ. Trong phiên đầu tuần, giá dầu thô thế giới có phiên giảm mạnh nhất kể từ đầu tháng 9 sau khi báo cáo hàng tháng của OPEC cho biết, sản lượng dầu thô của khối cung ứng ra thị trường trong tháng tăng 110.100 thùng/ngày. Trong phiên sáng nay, GAS giảm 2,06%, PVD giảm 2,34%.
Trong nhóm ngân hàng, BID sau nỗ lực đảo chiều, cuối cùng cũng phải dừng bước và chốt ở tham chiếu khi lực mua không đủ mạnh. Cũng đứng ở mức tham chiếu còn có MBB và EIB, trong khi VCB, STB, CTG đóng cửa giảm nhẹ.
Một số cổ phiếu được hưởng lợi từ TPP vẫn duy trì đà tăng như HVG, TCM, ASM, IDI trên HOSE, hay TNG trên HNX, nhưng mức tăng rất khiêm tốn, trong đó IDI là mã có thanh khoản tốt nhất với gần 1,67 triệu đơn vị được khớp. Còn đa số các mã khác chịu áp lực chốt lời mạnh, thậm chí có mã đang giao dịch ở giá sàn.
Điểm tích cực là sự sôi động vẫn được duy trì ở các mã dẫn dắt dòng tiền với FLC được khớp 6,47 triệu đơn vị, HQC được khớp 3,6 triệu đơn vị, ITA được khớp 3,3 triệu đơn vị, nhưng tất cả đều đóng cửa trong sắc đỏ, dù mức giảm không lớn.
Trên HNX, nhóm dầu khí cũng đa số chìm trong sắc đỏ, trong đó PVS và PVC giảm gần 2%. Trong khi thị trường nhận được sự hỗ trợ từ một số mã bluechip khác như SHB, PHP, VND.
Về thanh khoản, KLF là mã dẫn đầu khi được khớp hơn 2 triệu đơn vị và đóng cửa ở mức tham chiếu 4.500 đồng. Thông tin mới nhất có liên quan với KLF là Công ty vừa thông báo thay đổi Chủ tịch HĐQT và một số vị trí lãnh đạo chủ chốt khác.