Kết thúc đợt 1, VN-Index xác định giá mở cửa tăng nhẹ 0,83 điểm (+0,15%) đứng ở mức 571,19 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 2,25 triệu đơn vị, trị giá 33,37 tỷ đồng.
Bước sang đợt khớp lệnh liên tục, thiếu lực đỡ đến từ các cổ phiếu thuộc nhóm VN30 và GAS khiến VN-Index không còn giữ được mốc tham chiếu và nhanh chóng đảo chiều giảm điểm. Nhóm cổ phiếu VN30 chủ yếu giao dịch trong sắc đỏ khiến VN-Index không thể tăng vọt lên mà lình xình quanh mốc tham chiếu với hai gam màu xanh đỏ liên tục thay đổi.
Tương tự trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index mở cửa cũng có được sắc xanh nhạt và đảo chiều cùng HOSE.
Sau khoảng ít phút giao dao động dưới tham chiếu, các chỉ số quay đầu tăng trở lại với sự trợ giúp của các bluechips.
Trên HOSE, GAS vẫn duy trì đà tăng nhẹ, trong khi VCB vọt tăng mạnh.
FLC dù mở cửa với sắc xanh nhạt nhưng áp lực đẩy bán khá lớn khiến FLC lùi dần về dưới mốc tham chiếu, tuy nhiên, thanh khoản vẫn dẫn đầu sàn HOSE với gần 1,47 triệu đơn vị.
HT1 khá ấn tượng kể từ đầu tuần với liên tiếp các phiên tăng trần. Trong phiên giao dịch sáng nay, HT1 cũng đã nhanh chóng thiết lập mốc trần nhờ lực cầu ngoại khá mạnh. Hiện HT1 tăng 900 đồng lên mức giá trần 14.700 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 1,15 triệu đơn vị và còn dư mua trần hơn nửa triệu đơn vị trong khi bên bán trống sàn. Nhà đầu tư nước ngoài cũng đã mua vào gần 720.000 đơn vị, chiếm 62,61% tổng khối lượng giao dịch của HT1.
Nguyên nhân chính khiến HT1 hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư, chính là nhờ kết quả kinh doanh đột biến trong quý I/2014.
Giao dịch trên sàn HNX khá thận trọng, sau gần 40 phút giao dịch, chưa có cổ phiếu nào có khối lượng khớp đạt 1 triệu đơn vị. KLF và FIT dẫn đầu thanh khoản với lượng khớp hơn 880.000 đơn vị.
Cổ phiếu PVX đã lấy lại được sắc xanh từ phiên trước đó ngày 11/6 nhờ lực bắt đáy tăng mạnh. Sang phiên hôm nay, PVX không còn giao dịch đột biến như phiên trước, mặc dù vẫn duy trì đà tăng điểm với mức tăng nhẹ trên mốc tham chiếu 1 bước giá nhưng thanh khoản chỉ nhúc nhắc với hơn nửa triệu đơn vị được chuyển nhượng.
Bên cạnh đó, các cổ phiếu lớn như ACB, BVS, KLS, SHB, PVS… đều giảm nhẹ là khiến đà tăng của HNX-Index bị hãm lại.
Phần lớn thời gian giao dịch sáng, chỉ số VN-Index đều giữ được sắc xanh, nhưng những đợt sóng dập dình không hề ngừng.
Đóng cửa phiên sáng, VN-Index tăng 2,51 điểm (+0,44%) đứng ở mức 572,87 điểm . Tổng khối lượng giao dịch đạt 63,26 triệu đơn vị, trị giá tương ứng 873,41 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt hơn 5,3 triệu đơn vị, trị giá tương ứng 95,31 tỷ đồng. Riêng EIB thỏa thuận 2 triệu đơn vị, trị giá 25,9 tỷ đồng và HDG thỏa thuận 1,6 triệu đơn vị, trị giá 41,28 tỷ đồng. VN30-Index tăng 1,44 điểm (+0,23%) lên 616,96 điểm. HNX-Index tăng 0,57 điểm (+0,76%), lên 76,49 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 26,53 triệu đơn vị, trị giá 272,49 tỷ đồng. HNX30-Index tăng 1,06 điểm (+0,7%) lên 153,79 điểm.
Trên sàn HOSE, nhóm cổ phiếu lớn gồm MSN, VNM, BVH và GAS đều lùi về mốc tham chiếu chính là nguyên nhân khiến chỉ số VN-Index bị đẩy lui khỏi mức 574 điểm.
Trong khi đó, VCB, FPT, PET… là các cổ phiếu hỗ trợ tốt cho đà tăng điểm của VN-Index.
FLC không còn lình xình quanh mốc tham chiếu như nửa đầu phiên giao dịch sáng, mà đã lấy lại được đà tăng điểm. Đóng cửa, FLC tăng 1,82%, lên 11.000 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh đạt 6,59 triệu đơn vị.
HT1 tiếp tục thiếu vắng nguồn cung khi bên bán trống sàn và dư mua trần vẫn chất gần 600.000 đơn vị, khiến thanh khoản cổ phiếu vẫn ở mức hơn 1 triệu cổ phiếu và giá cổ phiếu duy trì mức trần.
SAM cũng tăng 6,32% lên giá trần 9.500 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 3,6 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 330.000 đơn vị.
Không chỉ giao dịch nhà đầu tư trong nước giảm, khối ngoại cũng không mua tích cực như phiên trước. Khối này chỉ mua vào hơn 2,1 triệu đơn vị, trong đó, riêng HT1 được mua 719.900 đơn vị.
Trên sàn HNX, các cổ phiếu SCR, VCG, PVS, VND… tăng giá đã hỗ trợ khá tốt giúp chỉ số HNX-Index bật tăng trở lại. Trong đó, SCR tăng 3,45% lên 8.700 đồng/Cp với khối lượng khớp lệnh đạt 5,48 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn HNX.
PVX tiếp tục củng cố sắc xanh với mức tăng 4,55%, lên 4.400 đồng/CP, tuy nhiên, thanh khoản khá thấp với hơn 1 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công.