Phiên giao dịch chứng khoán sáng 21/2: Áp lực chốt lời gia tăng, thị trường quay đầu điều chỉnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau chuỗi phiên khởi sắc, làm đầu tàu kéo VN-Index lên mốc 1.230 điểm trong những phiên vừa qua, nhóm cổ phiếu họ nhà Vingroup đã chịu áp lực chốt lời và hạ nhiệt, kéo VN-Index giảm theo.
Phiên giao dịch chứng khoán sáng 21/2: Áp lực chốt lời gia tăng, thị trường quay đầu điều chỉnh

Nhóm cổ phiếu họ nhà Vingroup (VIC, VHM, VRE) với sự dẫn dắt của VIC đã manh nha tạo sóng từ đầu tháng 2, nhưng chỉ thực sự bứt tốc kể từ phiên cuối tuần trước (16/2), sau đó tạo sóng lớn trong phiên giao dịch đầu tuần này (19/2) và duy trì đà tăng tốt trong phiên hôm qua (dù đà tăng đã hạ nhiệt bớt), dẫn dắt VN-Index liên tiếp tăng điểm, chinh phục các ngưỡng kháng cự mạnh.

Tuy nhiên, sau chuỗi tăng ấn tượng, nhóm cổ phiếu này đã xuất hiện dấu hiệu chốt lời từ phiên hôm qua và chính thức quay đầu điều chỉnh trong phiên sáng nay (21/2), khiến VN-Index rung lắc.

Tuy nhiên, khi nhóm Vingroup thoái lui, thì nhóm ngân hàng đã tiến lên, thay thế để lĩnh ấn tiên phong.

Trong nhóm ngân hàng, ngoại trừ 3 mã đang có mức giảm nhẹ, trong đó có “anh cả” VCB, còn lại đều tăng. Trong đó, tăng mạnh nhất là STB sau thông tin có khả năng đã đấu giá thành công Khu công nghiệp Phong Phú với giá trị trên 7.900 tỷ đồng và đang chờ nhận tiền thanh toán do Công ty Chứng khoán Agriseco đưa ra trong báo cáo công bố ngày 19/2. Đây là khoản nợ phát sinh từ việc cho vay của SouthernBank giai đoạn 2011 - 2012. Dù sáng nay, Agriseco đã đính chính lại thành “STB được kỳ vọng đấu giá thành công KCN Phong Phú trong năm 2024”, nhưng điều đó không ngăn cản được sự hứng khởi của nhà đầu tư với cổ phiếu STB, giúp mã này tăng mạnh ngay khi mở cửa và duy trì đà tăng tốt trong thời gian sau đó với thanh khoản cao nhất thị trường.

Từ STB, dòng tiền cũng lan tỏa sang các mã ngân hàng khác, giúp nhóm này chiếm số lượng áp đảo trong Top 10 mã có thanh khoản tốt nhất sàn HOSE sáng nay (7/10).

Trong khi đó, nhóm chứng khoán lại có diễn biến giá kém tích cực, trong khi nhóm bất động sản và thép có sự phân hóa.

Tuy nhiên, sau khi VN-Index được kéo lên gần mốc 1.235 điểm, lực bán chốt lời xuất hiện mạnh, đẩy hàng loạt mã quay đầu. Trên bảng điện tử, sắc đỏ dần chiếm ưu thế và lấn át sắc xanh, VN-Index theo đó cũng rơi dần đều, để lùi về trong dải bollinger. Tuy nhiên, nhóm ngân hàng dù đã hạ nhiệt, trong đó có một số mã quay đầu giảm, nhưng số còn lại cũng đã góp phần không nhỏ giúp VN-Index giữ lại được ngưỡng 1.225 điểm.

Chốt phiên, VN-Index giảm 4,96 điểm (-0,40%), xuống 1.225,1 điểm với 149 mã tăng, trong khi có tới 312 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 540,9 triệu đơn vị, giá trị 12.156,4 tỷ đồng, tăng 9% về khối lượng và 11% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 59,8 triệu đơn vị, giá trị 1.016 tỷ đồng.

Nhóm ngân hàng có thêm TCB, ACB quay đầu giảm nhẹ, MBB, OCB, SHB lùi xuống tham chiếu, số tăng còn lại thì hạ nhiệt đáng kể. Trong đó, STB vẫn là mã có mức tăng tốt nhất nhóm với 2,61% lên 31.500 đồng, đồng thời là mã có thanh khoản tốt nhất thị trường với 33,45 triệu đơn vị.

Tiếp đó là TPB với mức tăng 1,87% lên 19.100 đồng, khớp 17,71 triệu đơn vị, đứng thứ 4 thị trường và thứ 2 trong nhóm ngân hàng. CTG cũng có mức tăng trên 1% lên 35.600 đồng, thanh khoản hơn 6 triệu đơn vị. Ngoài ra, các mã khác có mức tăng nhẹ là VIB, MSB, BID, LPB, EIB, VPB.

Trong khi đó, nhóm chứng khoán đã bị nhuộm đỏ toàn bộ, với mã giảm mạnh nhất là TVB giảm hơn 3% xuống 7.390 đồng, tiếp đến là APG giảm 2,08% xuống 14.100 đồng, VND giảm 1,96% xuống 22.550 đồng. Ngoài ra, SSI giảm 1,27% xuống 34.850 đồng, HCM giảm 0,93% xuống 26.550 đồng, VCI giảm 0,89% xuống 44.600 đồng. Trong nhóm này, VND là mã có thanh khoản tốt nhất với gần 18,1 triệu đơn vị.

Nhóm bất động sản, NVL là mã có thanh khoản tốt nhất với 21,36 triệu đơn vị và đóng cửa giảm 1,14% xuống 17.350 đồng. Tương tự, nhóm thép là HPG với 13,57 triệu đơn vị và đóng cửa giảm 1,03% xuống 28.900 đồng.

Nhóm Vingroup, VIC giảm 2,37% xuống 47.350 đồng, khớp 2,73 triệu đơn vị; VHM giảm 2,28% xuống 45.100 đồng, khớp 3,88 triệu đơn vị. Hai mã này đã lấy đi của VN-Index 2,2 điểm trong phiên sáng nay. Ngoài ra, VRE cũng giảm 1,57% xuống 25.100 đồng, khớp 6,71 triệu đơn vị. Đây cũng là 3 mã giảm mạnh nhất VN30 sáng nay.

Trên sàn HNX, dù duy trì sắc xanh trong phần lớn thời gian của phiên sáng, nhưng chịu áp lực tâm lý trên sàn HOSE, nên HNX cũng quay đầu giảm điểm trong những phút cuối phiên.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,68 điểm (-0,29%), xuống 232,82 điểm với 52 mã tăng và 87 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 42 triệu đơn vị, giá trị 782,7 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 8,4 triệu đơn vị, giá trị 147 tỷ đồng.

Trong Top 5 mã thanh khoản tốt nhất sàn HNX sáng nay, chỉ có duy nhất C69 tăng giá, mà là tăng kịch trần lên 7.700 đồng, khớp 1,3 triệu đơn vị, còn lại đều giảm. Trong đó, SHS vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất 6,16 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,11% xuống 17.800 đồng; CEO khớp 3,91 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 0,91% xuống 21.700 đồng; PVS khớp 2,05 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 0,54% xuống 37.100 đồng; MBS khớp 1,9 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,83% xuống 26.800 đồng.

UPCoM cũng chỉ le lói sắc xanh khi mở cửa, sau đó quay đầu và giao dịch trong sắc đỏ suốt thời gian còn lại của phiên sáng, dù có lúc nỗ lực trở lại, nhưng bất thành.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,35 điểm (-0,39%), xuống 90,18 điểm với 111 mã tăng và 97 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 16,8 triệu đơn vị, giá trị 261 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp chưa tới 1 triệu đơn vị, giá trị 27 tỷ đồng.

UPCoM sáng nay chỉ có 2 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị là BSR với 1,88 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,52% xuống 19.500 đồng và NAB khớp 1,72 triệu đơn vị, đóng cửa ở mức tham chiếu 16.600 đồng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục