Trong phiên hôm qua (13/12), sau phiên sáng và nửa đầu phiên chiều dao động trong biên độ hẹp 1.025 - 1.040, thị trường đã có cú nhảy vọt cuối phiên lên mức cao nhất ngày, gần ngưỡng 1.050 điểm sau khi nhận thông tin hỗ trợ được chờ đợi bấy lâu là giãn thời gian thực hiện Nghị định 65/2022 thêm 1 năm.
Việc giãn thời gian thực hiện Nghị định 65 dù về bản chất không có nhiều thay đổi nhiều, nhưng cũng giúp cho các doanh nghiệp, ngân hàng và phần nào là các công ty chứng khoán giảm bớt áp lực về thanh khoản đang khá căng hiện nay. Ngoài ra, điều này cũng hỗ tâm lý tốt cho thị trường và nhà đầu tư, do đó ngay khi thông tin Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ giãn thời gian thực hiện Nghị định 65 được công bố, thị trường đã tăng dựng đứng cuối phiên.
Trong đà tăng này, các mã được quan tâm nhất dĩ nhiên là nhóm bất động sản, ngân hàng – những lĩnh vực phát hành trái phiếu lớn nhất, cùng với đó là nhóm công ty chứng khoán – khối tư vấn và đại lý cho nhiều doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu.
Bước vào phiên hôm nay, thị trường nhận thêm thông tin tích cực từ bên ngoài với chỉ số lạm phát tháng 11 của Mỹ tiếp tục hạ nhiệt khi CPI chỉ tăng 0,1% trong tháng này, thấp hơn mức 0,4% của tháng 10 và thấp hơn cả mức dự báo 0,3% của giới phân tích.
Ngoài ra, chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng nhỏ nhất kể từ tháng 12/2021.
Thông tin này khiến kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ nhiệt nhịp tăng lãi suất càng lớn hơn, qua đó sẽ có tác động tích cực với các thị trường khác. Giá vàng tăng vọt sau thông tin trên, chứng khoán Mỹ và tiền điện tử cũng có sắc xanh, nhưng đà tăng hạ nhiệt so với đầu phiên.
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, nhận các thông tin tích cực cả trong nước và bên ngoài, thị trường duy trì sắc xanh khi mở cửa phiên sáng nay (14/12), VN-Index tăng hơn 10 điểm, lên sát ngưỡng 1.060 điểm. Tưởng chừng thị trường sẽ có phiên bùng nổ với các thông tin tích cực được công bố.
Tuy nhiên, dường như nhiều nhà đầu tư xem thông tin tích cực này là cơ hội để chốt lời ngắn hạn hơn là để mua vào đón con sóng trung, dài hạn, nên thị trường quay đầu hạ nhiệt sau đó. Nhóm cổ phiếu bị bán mạnh là các mã bluechip trong rổ VN30, trong khi các mã nhỏ lại nhận được sự quan tâm của dòng tiền nên nhiều mã vẫn đua nhau khoe sắc tím như TCH, HHS, LDG, OCG, SCR, DLG, HQC.
Áp lực chốt lời khiến VN30 bị đẩy xuống dưới tham chiếu, kéo theo VN-Index cùng về gần điểm xuất phát, dù trên bảng điện tử, sắc xanh vẫn chiếm ưu thế so với sắc đỏ.
Chốt phiên sáng, VN-Index tăng 2,88 điểm (+0,27%), lên 1.050,33 điểm với 273 mã tăng (12 mã trần), trong khi chỉ có 127 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 389,8 triệu đơn vị, giá trị 6.600 tỷ đồng, tăng 11% về khối lượng và 15% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 41,9 triệu đơn vị, giá trị 938 tỷ đồng.
Trong nhóm VN30, PDR tiếp tục chịu sức ép với mức giảm 2,9% xuống 15.050 đồng, thanh khoản gần 4 triệu đơn vị. Tiếp đến là VJC giảm 2% xuống 109.800 đồng, MSN và VRE cùng giảm 1,8% xuống 95.300 đồng và 27.500 đồng. PLX giảm 1,6% xuống 30.900 đồng. ACB, VHM giảm 1,1% và VIC cũng mất 1%. Ngoài ra, nhóm VN30 còn có BVH, VNM, FPT và TPB giảm giá. Trong khi đó, NVL lại trái ngược với PDR khi tăng 2,2% lên 18.600 đồng, thanh khoản 9,93 triệu đơn vị, cao nhất nhóm bất động sản và đứng thứ 3 trên sàn HOSE. STB tăng 2% lên 23.000 đồng, khớp 9,79 triệu đơn vị, cao nhất nhóm ngân hàng, đứng kế sau NVL trên sàn; trong khi GAS trái ngược với PLX khi tăng 1,7% lên 107.400 đồng.
Các mã ngân hàng đa số đều có sắc xanh, chỉ trừ TPB, ACB, LPB và OCB, cùng CTG và VIB đứng giá tham chiếu.
Tăng mạnh nhất nhóm này là EIB tăng 6,7% lên 27.200 đồng, STB tăng 2% lên 23.000 đồng, TCB tăng 1,6% lên 29.250 đồng, MBB tăng 1,1% lên 18.200 đồng, còn các mã khác tăng trên dưới 0,5%.
Về thanh khoản, ngoài STB, 2 mã SHB và VPB cũng có giao dịch sôi động với tổng khớp đều trên dưới 9,5 triệu đơn vị.
Trong nhóm chứng khoán, đã không còn sắc tím nào được duy trì cho tới cuối phiên, nhưng chỉ có duy nhất TVS giảm nhẹ 1,3% còn lại đều tăng, thậm chí TVB cũng bật tăng 3,7% lên 4.490 đồng, bất chấp thông tin về lãnh đạo.
Trong nhóm này, CTS là mã tăng mạnh nhất với 6,3% lên 15.100 đồng, nhưng VND là mã có thanh khoản tốt nhất với 22,87 triệu đơn vị, đứng đầu sàn, đóng cửa tăng 3,9% lên 16.050 đồng.
Nhóm bất động sản, xây dựng, các mã nhỏ vẫn giữ được sắc tím như CCI, SZC, SCR, LDG, HQC. Trong khi các mã giảm cũng không lớn, PDR giảm 2,9% là mức giảm lớn thứ 2 trong nhóm, đứng sau NVT giảm 4,6% xuống 8.260 đồng.
Nhóm thép đa số đều có sắc xanh, trong đó HPG tăng 1,1% lên 19.200 đồng, khớp thứ 2 thị trường với 11,05 triệu đơn vị. Nhóm dầu khí chỉ duy nhất PLX giảm giá.
Sàn HNX cũng xác lập mức đỉnh của phiên sáng khi mở cửa, sau đó đà tăng hạ nhiệt, nhưng vẫn duy trì được mức tốt hơn nhiều VN-Index.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 1,79 điểm (+0,84%), lên 215,38 điểm với 111 mã tăng và chỉ 28 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 53,7 triệu đơn vị, giá trị 727 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,2 triệu đơn vị, giá trị 68,6 tỷ đồng.
Các mã có thanh khoản tốt trên sàn này đều tăng giá, trong đó SHS khớp lớn nhất 13,26 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 3,2% lên 9.700 đồng. TVC bất chấp thông tin Chủ tịch HĐQT bị khởi tố, nhưng lại có sức hút kỳ lạ với nhà đầu tư khi khớp 4,74 triệu đơn vị, đứng sau SHS, đóng cửa tăng mạnh 6,3% lên 5.100 đồng. Có thể mã này nhận được trợ lực từ thông tin thành viên HĐQT đăng ký mua vào 2 triệu cổ phiếu.
PVS, CEO và HUT là 3 mã có thanh khoản trên 3 triệu đơn vị, đóng cửa tăng lần lượt 4,4% lên 23.800 đồng, 0,9% lên 23.500 đồng và 2,3% lên 17.600 đồng…
Thị trường UPCoM cũng xác lập đỉnh lúc đầu phiên, sau đó lao thẳng về tham chiếu, may mắn bật lại trong ít phút cuối phiên để giữ được sắc xanh nhạt.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,13 điểm (+0,18%), lên 71,97 điểm với 169 mã tăng, 52 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 17 triệu đơn vị, giá trị 217,8 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.
Sáng nay thị trường này chỉ có 3 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị và đều tăng giá tốt. Trong đó, BSR đứng đầu với 5,74 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 5% lên 14.800 đồng; VGI khớp 1,39 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 10,4% lên 22.200 đồng; SBS khớp 1,27 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 3,6% lên 5.800 đồng.