Phiên giao dịch chứng khoán chiều 20/1: Vuột mất cơ hội

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Diễn biến thị trường trong phiên chiều khá ám đạm khi các lệnh mua bán không gặp được nhau. Đã có những lời phản ánh tiếc nuối từ nhà đầu tư khi không vào được lệnh trong phiên chiều nay.
Phiên giao dịch chứng khoán chiều 20/1: Vuột mất cơ hội

Trong phiên giao dịch sáng, thị trường đã trải qua những đợt rung lắc dữ dội khi những đợt bơm, xả liên tục được 2 bên tung ra. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của các trụ cứng, VN-Index vẫn giữ được cứ điểm 1.130 điểm, dù sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế.

Bước vào phiên giao dịch chiều, thị trường gần như bị đứng hình khi thanh khoản nhỏ giọt. Nhiều nhà đầu tư trên các diễn đàn đã than phiền về hệ thống bị lỗi khiến lệnh không vào được. Một số tỏ ra tiếc nuối khi đặt lệnh mua không được, nên không thể cover lại được hàng. Ở chiều ngược lại, một số nhà đầu tư lại cho biết muốn bán nhưng cũng không thể bán được.

Theo dõi bảng điện tử, lệnh mua khá lớn nhưng không được khớp. Một số nhà đầu tư cho rằng, nếu hệ thống trên sàn HOSE thông, thì thị trường phiên chiều nay đã hồi mạnh như HNX.

Chốt phiên, VN-Index tăng 3,68 điểm (+0,33%), lên 1.134,68 điểm với 209 mã tăng và 235 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 839,3 triệu đơn vị, giá trị 17.790,4 tỷ đồng, giảm 15% về khối lượng và 12,6% về giá trị so với phiên giao dịch hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 36,5 triệu đơn vị, giá trị 1.312 tỷ đồng.

Do bị tắc đường nên thanh khoản các mã trong Top không có nhiều cải thiện trong phiên chiều, diễn biến giá do đó cũng không có nhiều thay đổi, dù số mã tăng đã nhiều hơn.

Trong các mã lớn VIC, VNM, GAS, TCB, VJC, ACB, FPT, POW tăng hơn 1%, MWG tăng hơn 2% và mạnh nhất vẫn là NVL tăng 5,2% lên 72.800 đồng. Trong số này, HPG có thanh khoản tốt nhất với 37,9 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 0,2% lên 41.700 đồng. Tiếp đến là STB với 34,4 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1% xuống 19.000 đồng. TCB khớp 25,77 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,8%.

Trong nhóm cổ phiếu nhỏ, HQC vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất và tốt nhất thị trường, nhưng cũng chỉ có thêm hơn 7 triệu đơn vị được khớp trong phiên chiều so với 38,2 triệu đơn vị trong phiên sáng, nâng tổng khối lượng khớp lên 45,55 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 3,2% xuống 2.740 đồng, hẹp hơn mức giảm 5,3% trong phiên sáng. ROS vẫn duy trì đà tăng, thậm chí nới rộng đà tăng lên 2,7%, đóng cửa ở mức 3.740 đồng, khớp 33,3 triệu đơn vị. FLC khớp gần 30,9 triệu đơn vị, đóng cửa giảm nhẹ 2,8% xuống 5.130 đồng. HAG giảm 2,7% xuống 5.700 đồng, khớp gần 22 triệu đơn vị. ITA giảm 3,4% xuống 7.700 đồng, khớp 21,9 triệu đơn vị. DLG giảm 4,3% xuống 1.980 đồng, khớp 15,8 triệu đơn vị. KBC tăng 1,1% lên 37.200 đồng, khớp 11,9 triệu đơn vị…

Do dòng tiền bị tắc trên HOSE, nên nhiều nhà đầu tư quay sang sàn HNX, giúp giao dịch trên sàn này diễn ra sôi động và HNX-Index cũng hồi phục rất mạnh, lấy hết cả vốn lẫn lãi của phiên giảm hôm qua.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 9,23 điểm (+4,12%), lên 233,26 điểm với 109 mã tăng và 87 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 173,5 triệu đơn vị, giá trị 2.224,7 tỷ đồng, tăng 6,7% về khối lượng, nhưng giảm 8,7% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể, chỉ 1,5 triệu đơn vị, giá trị 62 tỷ đồng.

Việc HNX-Index tăng vọt trong phiên chiều nay nhờ sự khởi sắc trở lại của SHB và PVS. Cụ thể, từ mức giảm 2,37% của phiên sáng, SHB đóng cửa phiên chiều tăng 4,73% lên 17.700 đồng, khớp 43,4 triệu đơn vị. PVS tăng 4,23% lên 19.700 đồng, khớp 14,2 triệu đơn vị. Trong khi 2 mã có vốn hóa đứng sau SHB và trên PVS là VCS và IDC đã về tham chiếu. Ngoài ra, THD vẫn giữ mức tăng kịch trần 10%, lên 159.500 đồng, khớp chỉ hơn 300.000 đơn vị. DTK, PVI cũng có mức tăng khá tốt trên dưới 3%, nhưng thanh khoản đì đẹt.

Ngoài ra, NVB cũng được hưởng lợi từ dòng tiền dịch chuyển, đảo chiều từ mức giảm 2,29% của phiên sáng thành tăng 3,05% khi chốt phiên chiều, lên 36.000 đồng, khớp 2,26 triệu đơn vị.

Ngoài các mã lớn trên, sàn HNX chiều nay chứng kiến nhiều mã nhỏ nổi sóng như HUT tăng trần lên 5.200 đồng, khớp 21,2 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần tới hơn 2,1 triệu đơn vị, đáng chú ý, mã này phiên sáng có lúc giảm sàn xuống 4.400 đồng.

Tiếp đến là ART lên trần 6.400 đồng, dù phiên sáng cũng có lúc giảm sàn xuống 5.400 đồng. Đóng cửa khớp 10,8 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần hơn 1 triệu đơn vị. Một số mã khác như ACM, VIG, BII, KVC cũng tăng trần với thanh khoản tốt và còn dư mua giá trần khá lớn.

Tương tự, UPCoM cũng được hưởng lợi khi dòng tiền tắc trên HOSE chuyển hướng sang, giúp thanh khoản trên thị trường này tăng mạnh và chỉ số chính đảo chiều thành công, dù mức tăng không đáng kể.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,03 điểm (+0,03%), lên 76,18 điểm với 133 mã tăng và 124 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 67 triệu đơn vị, giá trị 1.118 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 13 triệu đơn vị, giá trị 248 tỷ đồng.

Dòng tiền chảy sang mạnh giúp BSR đảo chiều thành công, đóng cửa tăng mạnh 3,5% lên 11.800 đồng, khớp 11,3 triệu đơn vị. SBS cũng đảo chiều tăng 1,4% lên 7.100 đồng, khớp 3,7 triệu đơn vị. Trong khi AAS vẫn giảm 3,7% xuống 10.500 đồng, khớp 3,2 triệu đơn vị và KSH giảm về kịch sàn 2.000 đồng, khớp 2,7 triệu đơn vị.

Trong khi đó, VHG và PAS đóng cửa với sắc tím 2.300 đồng và 12.700 đồng, thanh khoản hơn 2 triệu đơn vị và đều còn dư mua giá trần.

Các mã lớn như VGI tăng 1,3% lên 46.000 đồng, khớp 1,85 triệu đơn vị. VGT tăng 1,8% lên 16.700 đồng, khớp 1,6 triệu đơn vị. ACV tăng 1,7% lên 78.200 đồng, khớp hơn nửa triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng theo chỉ số này, nhưng có mức tăng mạnh hơn nhiều. Đặc biệt, phái sinh và cơ sở có mức chênh lệch nhau khá lớn. Cụ thể, VN30-Index tăng 0,8% lên 1.116,21 điểm, trong khi VN30F2101 đáo hạn ngày mai (21/1) tăng 1,8% lên 1.125 điểm với 247.536 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 31.075 hợp đồng. Trong khi đó, hợp đồng có thời hạn đáo hạn tháng sau (18/2) là VN30F2102 tăng 2,8% lên 1.156 điểm với 35.431 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 11.012 hợp đồng.

Trên một số diễn đàn, có “thuyết âm mưu” rằng, đang có thế lực nào đó kéo cơ sở trong những phút cuối và cho đứng hình để ‘ăn” lệnh Long phái sinh khi thời hạn đáo hạn chỉ còn 1 ngày. Diễn biến này có thể sẽ lặp lại vào ngày mai, ngày đáo hạn phái sinh. Tuy nhiên, một số khác cho rằng, sở dĩ có việc lệch nhau lớn giữa cơ sở và phái sinh là do HOSE “đóng cửa sớm” vì tắc lệnh, nên chỉ số VN30 gần như ít biến động trong phiên chiều. Do đó, chênh lệch này không phải ánh đúng bản chất của thị trường.

Trên thị trường chứng quyền, số mã tăng chiếm ưu thế, trong đó tăng mạnh nhất là CVNM2007 tăng 27,1% lên 1.970 đồng/chứng quyền, thanh khoản hơn 126.000 đơn vị. Các mã tăng trên dưới 20% có CVHM2008 (+21,8%), CFPT2010 (+21,5%), CMBB2008 (+20,8%), CVPB2015 (+20%), CKDH2002 (+19,1%). Ở chiều ngược lại, CHPG2026 là mã giảm mạnh nhất khi mất 10,3% xuống 6.100 đồng/chứng quyền, thanh khoản đạt 366.200 đơn vị. Tiếp đến là CFPT2013 giảm 10%, xuống 6.840 đồng/chứng quyền, thanh khoản chỉ 24.400 đơn vị.

Về thanh khoản, có 3 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị là CVNM2011 với 1,4 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 3,1% lên 2.000 đồng/chứng quyền; CTCH2101 với 1,08 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 5,7% lên 2.050 đồng/chứng quyền; CTCH2002 với 1,07 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2% lên 1.550 đồng/chứng quyền.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục