Phiên giao dịch chứng khoán chiều 19/7: VCB không thể gánh nổi thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VCB và HDB nới rộng đà tăng, thêm sự góp sức của HPG, VNM, MSN, nhưng nỗ lực đó là không đủ để giữ cho VN-Index duy trì sắc xanh trong phiên hôm nay.
Phiên giao dịch chứng khoán chiều 19/7: VCB không thể gánh nổi thị trường

Trong phiên sáng, thị trường tiếp tục mở cửa trong sắc xanh và duy trì đà tăng cho đến khi bước vào giờ nghỉ trưa nhờ sự hỗ trợ của VCB dù chịu nhiều áp lực do lệnh bán chốt lời xảy ra ở nhiều mã.

Lực cung chốt lời khiến nhiều mã bất động sản quay đầu điều chỉnh hoặc hãm bớt đà tăng, nhưng dòng tiền vẫn tìm đến nhóm ngành này giúp nhóm có được thanh khoản tốt nhất trên sàn.

Trong khi đó, trên HNX, mọi sự chú ý đều đổ dồn về CEO khi cổ phiếu này bất ngờ được săn đón trong ngày giao dịch không hưởng quyền mua cổ phiếu phát hành thêm tỷ lệ 100:98 với giá 10.000 đồng/CP, thấp hơn khoảng 40% so với thị giá. Lực mua lớn, trong khi ít người muốn bán ra khiến CEO có thanh khoản sụt giảm so với các phiên trước, trong khi lượng dư mua trần lên tới hơn 13 triệu cổ phiếu, trong đó có nhiều nhà đầu tư đua lệnh mua không được đã hủy lệnh để tìm kiếm cơ hội khác.

Bước vào phiên giao dịch chiều, dư âm lực bán của cuối phiên sáng khiến VN-Index theo quán tính đi xuống dưới tham chiếu. Tuy nhiên, rất nhanh chóng, chỉ số này được kéo tăng trở lại, nhưng áp lực chốt lời gia tăng ở nhiều nhóm ngành một lần nữa khiến VN-Index trở lại dưới tham chiếu. Sau đó, với việc VCB bứt tốc, nới rộng đà tăng, VN-Index cũng được kéo vọt trở lại mức cao nhất ngày. Tuy nhiên, một mình VCB không thể gánh nỗi thị trường khi lực cung chốt ngắn hạn sau chuỗi 8 phiên tăng liên tiếp của thị trường diễn ra khá mạnh, khiến VN-Index lao xuống giống như lúc đi lên và chốt phiên với mức giảm nhẹ, chấm dứt chuỗi 8 phiên tăng liên tiếp.

Chốt phiên, VN-Index giảm 1,11 điểm (-0,09%), xuống 1.172,98 điểm với 185 mã tăng và 276 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 896,6 triệu đơn vị, giá trị 17.685,5 tỷ đồng, tăng 7% về khối lượng và 5% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 98,5 triệu đơn vị, giá trị 2.208,4 tỷ đồng.

VCB nới rộng đà tăng khi đóng cửa ở mức 106.500 đồng, tăng 2,1% với thanh khoản gần 1 triệu đơn vị. HDB cũng nới đà tăng lên 2,4% đóng cửa ở mức 16.850 đồng, khớp 3,32 triệu đơn vị. Ngoài 2 mã này, nhóm ngân hàng chỉ có thêm 2 sắc xanh nhạt tại LPB và CTG, cùng 4 mã đứng giá là ACB, SSB, TCB và VIB, còn lại đều giảm. Tuy nhiên, mức giảm cũng không quá lớn, trong đó có 4 mã giảm trên 1% là EIB, VPB, TPB và MBB.

Nhóm chứng khoán cũng chỉ có 4 sắc xanh tại APG (+2,2%), VCI (+1%), VIX (1,6%) và BSI (+1,4%), trong khi đó, mã giảm mạnh nhất là VDS giảm 3,3% xuống 14.800 đồng. Tiếp đến là HCM giảm 1,8% xuống 30.300 đồng, VND giảm 1,6% xuống 18.100 đồng…, SSI chỉ giảm nhẹ 0,2% xuống 28.500 đồng.

Nhóm bất động sản cũng tương tự với sắc đỏ chiếm ưu thế, số mã tăng có biên độ không lớn, tuy nhiên nhóm này là nhóm có thanh khoản tốt nhất thị trường. Trong đó, DIG đứng đầu với 39,47 triệu đơn vị, quay đầu giảm 1,7% khi đóng cửa, xuống 22.950 đồng. Tiếp đến là NVL giảm 2,3% xuống 14.700 đồng, khớp 34,69 triệu đơn vị. DXG khớp lớn thứ 4 trên sàn với 30,4 triệu đơn vị và cũng giảm 4% xuống 15.700 đồng. Xen kẽ giữa 3 mã bất động sản là VIX với thanh khoản 34,5 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,3% lên 13.100 đồng.

Trong nhóm thép, HPG và HSG có được sắc xanh nhạt khi đóng cửa với mức tăng lần lượt là 0,7% lên 27.400 đồng và 0,6% lên 17.350 đồng, thanh khoản 15,38 triệu đơn vị và 13,94 triệu đơn vị.

Trong khi đó, dù cũng chịu rung lắc do lực bán gia tăng trong phiên chiều, nhưng sàn HNX vẫn giữ được sắc xanh khi chốt phiên.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,51 điểm (+0,22%), lên 231,47 điểm với 89 mã tăng và 110 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 94,6 triệu đơn vị, giá trị 1.673,5 tỷ đồng, giảm 6,7% về khối lượng, nhưng tăng nhẹ 4,5% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,3 triệu đơn vị, giá trị 46,6 tỷ đồng.

CEO vẫn duy trì sắc tím với dư mua trần và ATC hơn 14 triệu đơn vị, trong khi lượng khớp không thanh đổi nhiều khi chỉ có thêm hơn 200.000 đơn vị được khớp trong phiên chiều, nâng tổng khối lượng khớp cả ngày lên 1,26 triệu đơn vị.

Trong khi đó, SHS vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất sàn với 16,78 triệu đơn vị, đóng cửa ở mức tham chiếu 14.500 đồng. Tiếp đến vẫn là IDC với 7,89 triệu đơn vị, đóng cửa hạ nhiệt gần 1 nửa so với phiên sáng khi chỉ còn tăng 1,8% lên 44.800 đồng.

Hai mã có thanh khoản tiếp theo là PVS và MBS đều đóng cửa giảm với thanh khoản 5,21 triệu đơn vị và 3,74 triệu đơn vị.

Trên thị trường UPCoM, phần lớn thời gian lình xình dưới tham chiếu, nhưng cũng kịp bứt lên trong ít phút cuối phiên, giữ được mức tăng như phiên sáng.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,11 điểm (+0,13%), lên 87,14 điểm với 126 mã tăng và 137 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 56,7 triệu đơn vị, giá trị 749,7 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,9 triệu đơn vị, giá trị 40,9 tỷ đồng.

BSR vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất UPCoM với 8,5 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,6% xuống 17.900 đồng. Tiếp đến là DDV với 4,41 triệu đơn vị và cũng đóng cửa giảm 4,5% xuống 10.700 đồng. Trong khi đó, mã có thanh khoản thứ 3 là ABB với 4,34 triệu đơn vị lại đóng cửa tăng nhẹ 1,1% lên 9.000 đồng.

Trên thị trường phái sinh, hợp đồng đáo hạn tháng 7 cũng đóng cửa giảm nhẹ như VN30. Cụ thể, VN30F2307 giảm 0,9 điểm (-0,1%), xuống 1.164,1 điểm với 123.478 hợp đồng được giao dịch, tương đương giá trị 14.418 tỷ đồng, mức thấp nhất gần 2 tháng. Khối lượng mở 44.548 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, hôm nay chỉ có duy nhất 1 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị là CVRE2220 do HSC phát hành và đóng cửa giảm 13,2% xuống 330 đồng. Đây cũng là mã có mức giảm mạnh thứ 2 hôm nay, trong khi mã giảm mạnh nhất là CTCB2212 do SSI phát hành cũng chỉ giảm 16,7% xuống 50 đồng, mức khiêm tốn rất nhiều so với mức biến động của chứng quyền. Ở chiều ngược lại, 2 mã tăng mạnh nhất đều là chứng quyền của HDB và đều do KIS phát hành cũng chỉ tăng 10%.

Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, phiên chiều nay không có thêm giao dịch nào được thực hiện. Trước đó, trong phiên sáng khai trương thị trường, có hơn 5 triệu đơn vị, tổng giá trị chuyển nhượng 720 tỷ đồng được chuyển nhượng, chủ yếu là tại mã VIF12101 do Công ty cổ phần Sản xuất kinh doanh Vinfast (VIFC) phát hành. Hai mã còn lại là chỉ giao dịch 199 và 200 đơn vị do TCD và Vietcombank phát hành.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục