Phiên giao dịch chứng khoán chiều 18/5: Nhà đầu tư dè dặt gom hàng, thị trường giữ vững nhịp tăng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tuy dòng tiền không mạnh, nhưng với việc một số bluechip khởi sắc như MSN, GAS, STB, TCB, SHB, BID…, giúp VN-Index duy trì đà tăng đà tăng thứ 2 liên tiếp, trở lại ngưỡng 1.240 điểm.
Phiên giao dịch chứng khoán chiều 18/5: Nhà đầu tư dè dặt gom hàng, thị trường giữ vững nhịp tăng

Sau phiên bùng nổ ngày thứ Ba (17/5), nhà đầu tư bước vào phiên giao dịch sáng nay (18/5) với sự thận trọng, lo sợ bị bulltrap, nên giao dịch diễn ra chậm và VN-Index giằng co nhẹ quanh tham chiếu trong nửa đầu phiên sáng. Tuy nhiên, nhờ sự khởi sắc của nhóm tài chính và một số mã lớn, VN-Index sau đó lấy lại đà tăng tốt, vượt qua ngưỡng 1.245 điểm trước khi bước vào giờ nghỉ trưa.

Dòng tiền cuối phiên sáng tiếp tục tạo đà quán tính kéo VN-Index nhích thêm khi bước vào phiên chiều lên sát ngưỡng 1.250 điểm. Tuy nhiên, rất nhanh chóng, lực bán vừa gia tăng nhẹ đã khiến bên mua rụt tay, khiến VN-Index đánh mất hơn 15 điểm, nhưng sau đó đã trở trở lại với sự hỗ trợ của các mã bluechip như MSN, GAS, BCM, STB, TCB, SHB, VGC, hay VCI, DCM… Chốt phiên, VN-Index đóng cửa trên ngưỡng 1.240 điểm và duy trì được đà tăng thứ 2 liên tiếp dù dòng tiền vẫn chưa cải thiện.

Dường như nhà đầu tư vẫn chưa thật sự tin tưởng rằng thị trường trở lại đà tăng, nên còn ngần ngại, mua thăm dò là chủ yếu. Nhiều nhà đầu tư vẫn đang đợi thị trường xác nhận xu hướng tăng ngắn hạn chắc chắn, vượt qua đường MA20 mới xuống tiền.

Chốt phiên chiều, VN-Index tăng 12,39 điểm (+1,01%), lên 1.240,76 điểm với 272 mã tăng và 177 mã giảm, trong đó có 17 mã tăng trần với nhiều mã bluechip như MSN, BCM, STB, VCI, VGC, DCM, SHB, trong khi đó chỉ có 3 mã sàn là HU1, OGC và DTT. Tổng khối lượng giao dịch đạt 566,1 triệu đơn vị, giá trị 13.829,7 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% cả về khối lượng và giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 51,8 triệu đơn vị, giá trị 873 tỷ đồng.

STB sau khi lao dốc từ vùng 34.000 đồng từ cuối tháng 3 về dưới 19.000 đồng, đã có 2 phiên bật lại mạnh mẽ. Trong phiên hôm qua, sau khi xác lập mức đáy hơn 1 năm, STB đã được kéo thẳng đứng lên mức kịch trần với hơn 30 triệu đơn vị được khớp. Phiên này ngoài STB, cũng chứng kiến nhiều mã ngân hàng khác khoe sắc tím như SHB, VPB, TCB, MBB, CTG, BID, LPB, OCB.

Tuy nhiên, trong phiên hôm nay, trong khi nhiều mã hạ nhiệt, thì STB và SHB vẫn duy trì sức nóng với phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp lên 21.750 đồng và 13.900 đồng. Trong đó, STB tiếp tục dẫn đầu thị trường về thanh khoản với 27,1 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần hơn 1,2 triệu đơn vị. Trong khi đó, SHB khớp khiêm tốn hơn với 6,46 triệu đơn vị, nhưng còn dư mua trần tới hơn 4 triệu đơn vị.

Ngoài ra, dù không giữ được sắc tím, nhưng LPB và TCB cũng duy trì đà tăng tốt 5,7% lên 14.800 đồng và 3,4% lên 36.050 đồng, trong khi VPB quay đầu giảm nhẹ. Ngoài VPB còn có 3 mã khác giảm là VCB, ACB và TPB, trong đó TPB giảm 2,4% xuống 32.200 đồng, còn lại chỉ giảm nhẹ.

Nhóm chứng khoán cũng duy trì sự tích cực với 3 sắc tím tại VCI, VIX và TVS, trong đó VCI khớp gần 6,5 triệu đơn vị, VIX khớp 5,3 triệu đơn vị và còn dư mua trần.

Các mã lớn khác như VND, HCM có được sắc xanh với mức tăng 2,3% lên 24.750 đồng và 1,3% lên 22.900 đồng, trong khi SSI dưới sức ép lớn của nhà đầu tư nước ngoài nên giảm 1,7% xuống 28.650 đồng, là mã duy nhất trong nhóm công ty chứng khoán trên HOSE giảm giá hôm nay.

Ngoài ra, phải kể đến sự khởi sắc của một số bluechip khác, đáng kể là MSN khi tăng trần lên 103.200 đồng, khớp gần 1,3 triệu đơn vị và còn dư mua trần trên nửa triệu đơn vị. Đây cũng là phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp của MSN.

Trong nhóm bất động sản, BCM, DIG, HDG, VGC và DXS cũng khoe sắc tím, trong đó DIG lên 55.400 đồng, khớp 9,2 triệu đơn vị, HDG lên 43.350 đồng, khớp 1,8 triệu đơn vị, VGC lên 35.050 đồng, khớp hơn 1 triệu đơn vị, DXS có thanh khoản khiêm tốn hơn, chưa tới nửa triệu đơn vị, đóng cửa lên 22.650 đồng và còn dư mua trần.

Các mã khác trong nhóm bất động sản, xây dựng tăng tốt có TDH (+5,4%), HBC (+4,4%), KBC (+3,9%), CTD (+3,6%), HTN (+3,5%), NHA (+3,4%), LDG (3,2%).

Nhóm phân bón cũng có phiên hồi phục tốt thứ 2 liên tiếp, trong đó DCM duy trì được sắc tím lên 29.850 đồng, còn DPM tăng 6,4% lên 52.400 đồng, BFC tăng 3,9% lên 26.600 đồng.

Nhóm thép cũng duy trì đà tích cực, ngoại trừ TNI, TNA giảm và mã đầu ngành đứng giá tham chiếu 38.200 đồng, nhưng thanh khoản hơn 16 triệu đơn vị, đứng thứ 3 sau STB và SSI.

Trong các mã thị trường, như nhóm FLC, Louis đều hoạt động kém tích cực, đa số chìm trong sắc đỏ, dù đà giảm không quá lớn. Các mã khác như HQC, TTF, TSC, HAR, SJF cũng chìm trong sắc đỏ, thậm chí OGC đóng cửa kịch sàn 13.100 đồng, khớp hơn 3 triệu đơn vị và còn dư bán sàn.

Trong khi đó, trên HNX, 2 mã lớn nhất sàn lại khiến HNX-Index lao mạnh trong phiên chiều, đóng cửa ở mức thấp nhất ngày dù số mã tăng, giảm khá cân bằng nhau.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 5,6 điểm (-1,77%), xuống 309,84 điểm với 98 mã tăng và 96 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 83,3 triệu đơn vị, giá trị 1.835 tỷ đồng, tăng 4,5% về khối lượng và 6,4% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 5,3 triệu đơn vị, giá trị 144,5 tỷ đồng.

Trong các mã lớn, chỉ còn CEO, IDC, HUT tăng với mức tăng lần lượt là 2,7% lên 38.100 đồng, khớp 5,16 triệu đơn vị; 2,3% lên 49.400 đồng, khớp 2,42 triệu đơn vị; 1,7% lên 23.800 đồng, khớp 2,23 triệu đơn vị.

Trong khi đó, PVS giảm 2,5% xuống 26.900 đồng, khớp 14,7 triệu đơn vị; SHS giảm 1,8% xuống 16.500 đồng, khớp 12,25 triệu đơn vị; PVC giảm 3,6% xuống 21.400 đồng, khớp 2,3%. Đặc biệt, mã đứng đầu về vốn hóa THD giảm mạnh 9,4% xuống 66.300 đồng, phiên giảm mạnh phiên thứ 5 liên tiếp. Tính từ giữa tháng 4 tới nay, THD đã mất hơn một nửa giá trị.

Tiếp đến là cũng có phiên giảm sâu thứ 2 liên tiếp khi mất 7,4% xuống 91.800 đồng, sau khi đã giảm 6,5% trong phiên hôm qua. Đây chính là 2 mã lấy đi nhiều điểm số nhất của HNX với hơn 4 điểm.

Các mã thị trường cũng đồng loạt giảm hôm nay như KLF giảm 4,3% xuống 4.400 đồng, khớp 4,2 triệu đơn vị; IDJ giảm 2,6% xuống 18.600 đồng, khớp 2,8 triệu đơn vị; ART giảm 5,9% xuống 6.400 đồng, khớp 2,8 triệu đơn vị; APS giảm 9% xuống 19.200 đồng, khớp 2,45 triệu đơn vị.

UPCoM cũng có giao dịch kém tích cực như HNX khi nới dần đà giảm trong phiên chiều và chỉ có khác biệt là kịp thoát khỏi mức thấp nhất ngày trong những phút cuối, dù số mã tăng chiếm ưu thế so với số mã giảm.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 1,16 điểm (-1,21%), xuống 94,73 điểm với 188 mã tăng và 111 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 35,5 triệu đơn vị, giá trị 643,3 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 3 triệu đơn vị, giá trị 64 tỷ đồng.

Tất cả các mã có thanh khoản tốt nhất trên UPCoM đều đóng cửa trong sắc xanh hôm nay, trong đó BSR có thanh khoản tốt nhất với 7,88 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 4,8% lên 21.700 đồng. Tiếp đến là VHG tăng 1,9% lên 5.400 đồng, khớp 3,85 triệu đơn vị, C4G tăng 2,2% lên 13.800 đồng, khớp 3,08 triệu đơn vị; ABB tăng 4,5% lên 11.700 đồng, khớp 1,82 triệu đơn vị; VGT tăng 1,1% lên 18.600 đồng, khớp 1,56 triệu đơn vị…

Trên thị trường phái sinh, chỉ có 1 hợp đồng đáo hạn tháng 6 giảm, còn lại tăng theo thị trường cơ sở. Trong đó, hợp đồng đáo hạn ngày mai (19/5) VN30F2205 tăng nhẹ 0,1 điểm (+0,01%), lên 1.281 điểm, cách hơn 5 điểm so với VN30 (VN30-Index đóng cửa hôm nay 1.286,41 điểm, tăng 6,86 điểm, tương đương 0,54%). Thanh khoản đạt 511.543 hợp đồng, khối lượng mở 29.931 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm ưu thế, trong đó 4 giảm mạnh nhất đều do VCSC phát hành là CPNJ2110 giảm 71,4% xuống 40 đồng, CFPT2111 giảm 68,4% xuống 60 đồng, CMWG2113 giảm 60% xuống 20 đồng và CVRE2114 giảm sàn 50% xuống 10 đồng. Trong khi đó, tăng mạnh nhất là CVIC2203 do ACBS phát hành tăng trần 56,8% lên 1.490 đồng, nhưng thanh khoản thấp. Hôm nay có 4 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị đều do VND và KIS phát hành và đều đóng cửa giảm giá. Cụ thể, CVPB2202 do VND phát hành có thanh khoản 1,83 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 4,3% xuống 450 đồng; CPOW2202 do KIS phát hành giảm 7% xuống 400 đồng, thanh khoản 1,35 triệu đơn vị; CFPT2203 do VND phát hành giảm 11,9% xuống 2.600 đồng, thanh khoản hơn 1 triệu đơn vị; và CNVL2204 do KIS phát hành giảm 20,6% xuống 500 đồng, thanh khoản hơn 1 triệu đơn vị.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục