Phiên giao dịch chứng khoán chiều 18/10: Lệnh bán tăng mạnh, thị trường chao đảo

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường lại chứng kiến lệnh bán tháo ồ ạt trong phiên chiều nay đẩy VN-Index lao dốc và chỉ dừng lại khi chạm đáy cũ 1.100 điểm.
Phiên giao dịch chứng khoán chiều 18/10: Lệnh bán tăng mạnh, thị trường chao đảo

Trong phiên giao dịch sáng, sau nửa đầu phiên thận trọng, thăm dò nhau, lực cầu bắt đáy nhập cuộc khá tự tin trong nửa cuối phiên khi VN-Index về vùng hỗ trợ 1.110 điểm (đường MA200). Lực cầu bắt đáy này không chỉ kéo hàng chục mã hồi phục và hãm đà giảm của thị trường, mà còn giúp giao dịch trở nên sôi động, thanh khoản thị trường tăng mạnh so với phiên sáng qua.

Diễn biến của nửa cuối phiên sáng giúp nhiều nhà đầu tư kỳ vọng vào việc chỉ số đã tìm được điểm tựa vững chắc để bật hồi kỹ thuật trở lại trong phiên chiều, thậm chí những người lạc quan còn kỳ vọng vào phiên hồi phục mạnh khi lực cầu hoạt động khá tốt vào nhóm dẫn dắt là ngân hàng.

Kỳ vọng này càng được củng cố hơn khi bước vào phiên chiều, VN-Index đã nhích lên tham chiếu. Tuy nhiên, sau 2 lần thử thách không thể vượt qua được vạch xuất phát, bên nắm giữ cổ phiếu dường như đã mất kiên nhẫn, ồ ạt ra hàng, đẩy hàng trăm mã giảm giá, trong đó có hàng chục mã giảm sàn, trong khi phiên sáng chỉ có 2 mã kịch sàn, VN-Index theo đó cũng lao mạnh xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ đường MA200 và lùi về thử thách vùng đáy ngắn hạn cũ 1.100 điểm.

Lực bán mạnh diễn ra trên HOSE cũng lây lan sang cả sàn HNX và UPCoM, khiến 2 sàn này cũng có diễn biến tương đồng với VN-Index. Trên bảng điện tử, có thời điểm số mã giảm trên HOSE lên tới hơn 500 mã, trong đó có hơn 45 mã giảm kịch sàn, trong khi số mã tăng chỉ khoảng 30 mã. Số mã giảm trên HNX và UPCoM cũng gấp 4-6 lần so với số mã tăng, với hàng chục mã giảm sàn.

Sau cú rơi hơn 30 điểm, đẩy VN-Index về ngưỡng 1.090 điểm, lực bán có phần dịu lại, giúp chặn đà rơi của thị trường, các chỉ số hồi dần, nhưng thanh khoản cũng giảm so với những phút trước đó. Trong đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa (ATC), lực cầu bắt đáy hoạt động tích cực, giúp VN-Index tiếp tục lấy lại thêm được 7 điểm, qua đó đòi lại được phân nửa số điểm so với mức đáy của ngày, giữ được mốc 1.100 điểm, nhưng không đủ sức để kéo VN-Index đóng cửa trên đường MA200. Việc chỉ số đóng cửa dưới đường MA200, có thể phát tín hiệu thị trường bước vào khu vực giá xuống trung hạn.

Chốt phiên, VN-Index giảm 18,25 điểm (-1,63%), xuống 1.103,4 điểm với 53 mã tăng, trong khi có tới 465 mã giảm, trong đó có 31 mã giảm sàn. Điểm khác so với phiên lao dốc hôm qua là thanh khoản phiên hôm nay tăng mạnh, báo hiệu phiên tiếp diễn đà giảm trở lại. Cụ thể, tổng khối lượng giao dịch phiên hôm nay đạt 1.034,8 triệu đơn vị, tổng giá trị 21.855,3 tỷ đồng, tăng 71% về khối lượng và 62% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 107,7 triệu đơn vị, giá trị 2.188,8 tỷ đồng.

Trong các nhóm ngành dẫn dắt, nhóm ngân hàng đã không còn sắc xanh nào, trong khi phiên sáng có 5 mã tăng, may mắn chỉ còn 3 mã giữ mức tham chiếu là HDB, LPB và VCB. Trong đó, có 2 mã giảm mạnh là OCB giảm 3,97% xuống 12.100 đồng và BID giảm 3,15% xuống 40.000 đồng. Ngoài ra, có MSB giảm 2,59% xuống 13.150 đồng, cùng 7 mã khác giảm hơn 1%. Kể cả mã tăng mạnh nhất của nhóm trong phiên sáng là VPB cũng quay đầu đảo chiều giảm 0,88% xuống 22.500 đồng, khớp 39,74 triệu đơn vị, không còn giữ được vị trí số 1 về thanh khoản.

Nhóm chứng khoán số sắc xanh cũng chỉ còn 3 mã tại VIX, VND và SSI, còn lại đều đóng cửa ở sắc đỏ. Cả 3 mã tăng giá này đều nằm trong Top 5 về thanh khoản, trong đó VIX vượt qua VPB trở thành mã có thanh khoản tốt nhất với 48,85 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 3,85% lên 14.850 đồng, thậm chí có lúc mã này còn chạm trần 15.300 đồng. Còn lại VND tăng 0,75% lên 20.150 đồng, khớp 29,54 triệu đơn vị và SSI tăng 0,32% lên 31.550 đồng, khớp 28,5 triệu đơn vị, đứng thứ 4 và 5 về thanh khoản.

Mã có thanh khoản thứ 3 là HPG với 30,93 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 3,23% xuống 24.000 đồng. Không chỉ HPG, tất cả các mã nhóm thép cũng đều đóng cửa trong sắc đỏ, trong đó TLH giảm mạnh nhất khi mất 6,67% xuống 7.000 đồng, tiếp đến là HSG giảm 5,56% xuống 17.000 đồng, DTL giảm 5,41% xuống 17.500 đồng. Các mã POM, TNI và NKG giảm từ hơn 2% đến gần 3%.

Nhóm cổ phiếu bị bán mạnh nhất chiều nay là nhóm bất động sản khi chỉ còn CCI với cung cầu không có nên giữ được mức trần, cùng SZC tăng 4,41% lên 37.900 đồng và 2 mã khác đứng giá, còn lại đều giảm, trong đó có hàng loạt mã giảm kịch sàn như DXS, DIG, DRH, HQC, CII, LGL, NHA, HTN…

Trong đó, DIG là mã có thanh khoản tốt nhất với 24,32 triệu đơn vị, đóng cửa vẫn còn dư bán sàn (20.350 đồng) tới gần 1,5 triệu đơn vị. CII cũng khớp 14,42 triệu đơn vị và còn dư bán sàn hơn nửa triệu đơn vị.

Không giảm kịch sàn, nhưng nhiều mã khác trong nhóm này giảm mạnh như NVL đảo chiều giảm 5,45% xuống 13.000 đồng, khớp 23,05 triệu đơn vị, DXG giảm 5,49% xuống 15.500 đồng, khớp 20,4 triệu đơn vị, PDR giảm 3,97% xuống 23.000 đồng, khớp 16,58 triệu đơn vị, VCG giảm 3,66% xuống 22.400 đồng, khớp 14,95 triệu đơn vị…

Cũng giảm mạnh hôm nay và có nhiều mã sàn là nhóm thủy sản, logistic, năng lượng.

Tương tự, HNX và UPCoM cũng hãm bớt đà giảm vào cuối phiên.

Trong đó, HNX-Index đóng cửa giảm 2,92 điểm (-1,27%), xuống 227,11 điểm với 33 mã tăng, trong khi có 161 mã giảm, trong đó có 10 mã giảm sàn. Tổng khối lượng giao dịch đạt 130,2 triệu đơn vị, giá trị 2.604,9 tỷ đồng, tăng 37% về khối lượng và 30% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,6 triệu đơn vị, giá trị 36,7 tỷ đồng.

Dù chịu áp lực bán lớn trong phiên chiều, nhưng đa số các mã có thanh khoản lớn nhất HNX vẫn giữ được sắc xanh khi đóng cửa. Trong đó, SHS vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất với 38,26 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,85% lên 16.500 đồng, PVS tăng 1,32% lên 38.500 đồng, khớp 12,49 triệu đơn vị, MBS tăng 1,96% lên 20.800 đồng, khớp 8,5 triệu đơn vị, IDC tăng 2% lên 51.000 đồng, khớp 7,33 triệu đơn vị… Trong khi đó, giống như các đồng nghiệp bất động sản trên HOSE, CEO bị bán mạnh và quay đầu giảm 4,21% xuống 18.200 đồng, khớp 10,86 triệu đơn vị, HUT cũng giảm 2,24% xuống 21.800 đồng, khớp 7,71 triệu đơn vị.

UPCoM-Index giảm 0,71 điểm (-0,82%), xuống 85,95 điểm với 78 mã tăng, trong khi có 216 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 55,2 triệu đơn vị, giá trị 836 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,8 triệu đơn vị, giá trị 41,4 tỷ đồng.

Sắc đỏ vẫn bao trùm các mã có thanh khoản tốt nhất UPCoM chiều nay. Trong đó, BSR giảm 1,9% xuống 20.700 đồng, khớp 11,9 triệu đơn vị, SBS giảm 5,19% xuống 7.300 đồng, khớp 3,8 triệu đơn vị, AAS giảm 4,08% xuống 9.400 đồng, khớp 3,12 triệu đơn vị, C4G giảm 4,8% xuống 11.900 đồng, khớp 2,91 triệu đơn vị…

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ hôm nay cũng giao dịch sôi động với 27 mã có giao dịch, tổng khối lượng hơn 2,79 triệu đơn vị, tổng giá trị 499,03 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch lớn nhất là BCR12101 của BCG Land với gần 1,85 triệu đơn vị, giá trị 89,72 tỷ đồng.

Thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 hôm nay cũng đồng loạt giảm theo thị trường cơ sở. Trong đó, hợp đồng đáo hạn ngày mai là VN30F2310 giảm 17,5 điểm (-1,54%), xuống 1.117,4 điểm, mạnh hơn VN30 (VN30-Index giảm 15,47 điểm, -1,36% xuống 1.125,5 điểm). Tổng khối lượng giao dịch là 257.302 hợp đồng, tương đương giá trị 29.959,2 tỷ đồng, khối lượng mở 31.348 hợp đồng.

Thị trường chứng quyền hôm nay cũng giao dịch sôi động với 17 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó có 2 mã có thanh khoản trên 3 triệu đơn vị, 6 mã có thanh khoản trên 2 triệu đơn vị, chủ yếu là do SSI phát hành, cùng 2 mã do KIS phát hành và tất cả đều đóng cửa giảm giá. Trong đó, mã có thanh khoản tốt nhất là CSTB2310 do KIS phát hành với 3,03 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 8,24% xuống 780 đồng, tiếp đến là CHPG2323 do SSI phát hành với 3,01 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 31,03% xuống 200 đồng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục