Phiên giao dịch chứng khoán chiều 18/1: Cổ phiếu nhỏ nóng rẫy, VN-Index hạ nhiệt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Một lần nữa VN-Index gặp thất bại khi thử thách vùng đỉnh lịch sử 1.200 điểm do áp lực bán gia tăng ở nhóm cổ phiếu bluechip. Tuy nhiên, nhóm penny tiếp tục dậy sóng với hàng loạt mã nóng đua nhau tăng trần.
Phiên giao dịch chứng khoán chiều 18/1: Cổ phiếu nhỏ nóng rẫy, VN-Index hạ nhiệt

Áp lực bán chốt lời khi VN-Index tiệm cận vùng đỉnh lịch sử khiến thị trường diễn biến rung lắc với những nhịp tăng giảm đan xen trong phiên sáng đầu tuần ngày 18/1. Trong khi đó, dòng tiền có dấu hiệu xoay chuyển và hướng tới nhóm cổ phiếu penny giúp hàng loạt mã nóng đồng loạt tăng trần, trở thành điểm nhấn của thị trường.

Bước sang phiên giao dịch chiều, lực cầu gia tăng mạnh đã tiếp sức giúp thị trường đảo chiều hồi phục. Chỉ số VN-Index dần nới rộng đà tăng điểm và thử thách thành công mốc đỉnh lịch sử 1.200 điểm chỉ sau khoảng 30 phút giao dịch.

Tuy nhiên, ngay khi tiếp cận ngưỡng kháng cự này, áp lực bán gia tăng mạnh và tập trung vào nhóm cổ phiếu bluechip đã khiến thị trường thoái lui. Chỉ số VN-Index đảo chiều giảm và lùi về mốc 1.190 điểm.

Đóng cửa, sàn HOSE có 273 mã tăng (70 mã tăng trần) và 201 mã giảm, VN-Index giảm 2,26 điểm (-0,19%), xuống 1.191,94 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 747,35 triệu đơn vị, giá trị 17.168,32 tỷ đồng, giảm 4,57% về khối lượng và 8,18% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 15/1. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 35,6 triệu đơn vị, giá trị gần 1.160 tỷ đồng.

Nhóm Vn30 có 19 mã giảm và 11 mã tăng, trong đó dòng bank là lực cản chính khi hầu hết đều giao dịch trong sắc đỏ ngoại trừ duy nhất VCB nhích nhẹ 100 đồng/CP.

Cụ thể, MBB giảm 2,06% xuống 26.200 đồng/CP, CTG giảm 2,28% xuống 38.600 đồng/CP, EIB giảm 2,5% xuống 21.450 đồng/CP, HDB giảm 2,33% xuống 27.250 đồng/CP, TCB giảm 1,76% xuống 36.200 đồng/CP, STB giảm 2,37% xuống 20.600 đồng/CP, VPB giảm 2,15% xuống 36.450 đồng/CP.

Tuy nhiên, STB vẫn là mã có thanh khoản vượt trội với khối lượng khớp lệnh tiếp tục lập kỷ lục mới, đạt 59,66 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, nhiều mã lớn khác như VHM, VIC, VNM, SAB kết phiên giảm nhẹ, các mã GAS, NVL, MWG, SSI giảm hơn 1%.

Ngược lại, trong số các mã tăng, đáng kể có MSN tăng 2,26% lên 95.100 đồng/CP, VRE tăng 1,8% lên 37.350 đồng/CP, PNJ tăng 1,7% lên 83.900 đồng/CP, SBT tăng hơn 5% lên 25.000 đồng/CP.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, các mã FLC, HQC, FIT, TTF, CIG, DLG, HAI, TNI, AMD… đều kết phiên tăng trần. Trong đó, FLC lên mức 5.540 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 22,65 triệu đơn vị; còn ITA tăng 2,39% lên 8.560 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh chỉ thua STB, đạt hơn 24,8 triệu đơn vị.

Đáng chú ý, cổ phiếu ROS đột ngột giảm mạnh thanh khoản do vắng bóng lực cung. Kết phiên, ROS chỉ khớp 2,36 triệu đơn vị nhưng dư mua trần tới hơn 18,3 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, các mã lớn vẫn là động lực tăng chính của thị trường, giúp HNX-Index giữ vững mốc 230 điểm.

Đóng cửa, sàn HNX có 131 mã tăng (với 49 mã tăng trần) và 93 mã giảm, HNX-Index tăng 5,04 điểm (+2,23%), lên 230,5 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 155,62 triệu đơn vị, giá trị 2.313,16 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,5 triệu đơn vị, giá trị 43,43 tỷ đồng.

Như đã nói ở trên, một số mã lớn hỗ trợ tốt cho đà tăng của thị trường như THD tăng 10% lên mức giá trần 137.500 đồng/CP, NVB tăng hết biên độ 9,8% lên mức 14.500 đồng/CP, các mã IDC và PVI tăng nhẹ.

Ngoài ra, nhóm nhóm HNX30 còn có các mã TNG, NRC cùng tăng trần.

Trong khi đó, bên cạnh các cổ phiếu họ P như PVS, PVB, PVC đều giảm, cổ phiếu ngân hàng SHB tiếp tục nới rộng biên độ giảm với mức giảm 3,1% xuống 18.600 đồng/CP nhưng vẫn dẫn đầu thanh khoản trên HNX, đạt hơn 37,5 triệu đơn vị.

Cũng tô điểm cho nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ là hàng loạt mã như KLF, ART, ACM, APS, MPT, PVL… cùng đua nhau tăng trần.

Trên UPCoM, thị trường giao dịch khá rung lắc và UPCoM-Index đã không thoát khỏi phiên điều chỉnh nhẹ.

Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,09 điểm (-0,11%), xuống điểm với 193 mã tăng và 104 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 59,27 triệu đơn vị, giá trị 860,59 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,18 triệu đơn vị, giá trị hơn 25 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR giữ mức giá 12.300 đồng/CP, giảm 2,4% với khối lượng giao dịch dẫn đầu thị trường UPCoM, đạt 9,41 triệu đơn vị.

Trong khi đó, cổ phiếu SBS tăng 14,8% lên mức giá trần 7.000 đồng/CP với thanh khoản chỉ thu BSR, đạt gần 5,4 triệu đơn vị.

Ngoài ra, các mã nhỏ như VHG, KSH, VNH, ATB, CDO, PVV… đều kết phiên tăng trần.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm, trong đó VN30F2101 giảm 1,1% xuống 1.177 điểm và khớp lệnh 91.660 đơn vị, khối lượng mở 55.318 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, CTCH2002 có khối lượng giao dịch cao nhất với gần 1,8 triệu đơn vị khớp lệnh, kết phiên giảm 1% xuống 1.980 đồng/cq, tiếp theo là CVNM2011 khớp 1,53 triệu đơn vị và tăng 14,3% lên 2.400 đồng/cq.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,204.97 -0.64 -0.05% 141,739 tỷ
HNX 227.57 -0.3 -0.13% 1,224 tỷ
UPCOM 88.33 -0.04 -0.04% 488 tỷ