Phiên giao dịch chiều 4/9: Không thể đứng vững

(ĐTCK) Áp lực chốt lời tăng mạnh trong đợt ATC khiến mọi nỗ lực níu giữ đà tăng cho VN-Index bất thành.
Phiên giao dịch chiều 4/9: Không thể đứng vững

Kết quả này khá đúng với nhận định của hầu hết các công ty chứng khoán khi cho rằng, thị trường sẽ đón nhận phiên điều chỉnh. Tuy nhiên, điểm tích cực trong phiên hôm nay chính là dòng tiền vẫn chảy mạnh vào thị trường, giúp đà giảm điểm của Vn-Index được hãm lại và mốc 640 điểm vẫn được giữ.

Đóng cửa, toàn sàn HOSE có tới 121 mã giảm, 97 mã tăng và 69 mã đứng giá. Chỉ số VN-Index giảm nhẹ 0,53 điểm (-0,08%) xuống 640,22 điểm với tổng khối lượng giao dịch hơn 160 triệu đơn vị, trị giá 2.915,71 tỷ đồng. Còn HNX-Index tăng 0,17 điểm (+0,2%) lên 87,5 điểm với 82 mã tăng, 109 mã giảm và 78 mã đứng giá.

Giao dịch thỏa thuận trên sàn HOSE có đóng góp khá tích cực với khối lượng gần 15,7 triệu đơn vị, trị giá 517,89 tỷ đồng. Trong đó, riêng KBC thỏa thuận 5,83 triệu đơn vị với tổng giá trị 90,37 tỷ đồng và FPT thỏa thuận 4,2 triệu đơn vị ở mức giá trần với tổng giá trị 254,1 tỷ đồng. Còn trên HNX, giao dịch thỏa thuận đạt 4,68 triệu đơn vị, trị giá 57,64 tỷ đồng.

Trong nhóm VN30, VNM và VIC trở lại sắc đỏ với mức giảm tương ứng 1.000 đồng (-0,9%) và 500 đồng (-0,87%), BVH nới rộng đà giảm tới 500 đồng (-1,1%). Các bluechip khác như SSI, HSG, OGC… cũng lần lượt chuyển sắc đỏ là tác nhân chính khiến VN-Index giảm điểm.

Trong khi đó, PNJ lại bất ngờ bật tăng mạnh, từ dưới mốc tham chiếu lên gần chạm trần và đóng cửa với mức tăng 2.000 đồng (+5,92%) lên 33.800 đồng/CP.

Còn HPG vẫn duy trì đà tăng khá mạnh. Đóng cửa, HPG tăng 1.500 đồng (+2,46%) lên 61.000 đồng/CP với khối lượng khớp hơn 1,78 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn là tâm điểm hút dòng tiền. Trong đó, dẫn đầu thanh khoản toàn sàn vẫn thuộc về FLC với hơn 11,67 triệu đơn vị, tuy nhiên, áp lực bán khiến FLC giảm điểm và đóng cửa ở mức 13.000 đồng/CP, giảm 200 đồng. ITA đứng ở mức tham chiếu với khối lượng khớp lệnh đạt 10,9 triệu đơn vị, HQC giảm 200 đồng/CP và khớp hơn 4,28 triệu đơn vị.

Trong khi nhóm dẫn dắt giảm giá, thì nhóm cổ phiếu bất động sản nhỏ khác lại đồng loạt tăng giá, trong đó có nhiều mã tăng trần như UDC, HDC, PPI, KAC. 

Bên cạnh đó, dòng tiền đầu cơ tiếp tục đẩy nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ bứt phá mạnh. Phiên chiều có thêm nhiều cổ phiếu tăng kịch trần như VST, TS4, TMT, PPI, NKG, HAP, HVG…

Trong nhóm cổ phiếu dầu khí, PXS và PXT cùng tăng kịch trần với lượng dư mua trần khá lớn. Trong đó, PXS khớp 1,88 triệu đơn vị và dư mua 6.700 đơn vị, còn PXT khớp hơn 410.000 đơn vị và dư mua trần 244.050 đơn vị.

Còn PVD tăng 1.000 đồng (+1,03%) lên 97.000 đồng/CP với lượng khớp hơn 186.000 đơn vị. DPM tăng 500 đồng (+1,51%), lên 33.700 đồng với 2,36 triệu đơn vị được khớp.

Trên sàn HNX, nhóm cổ phiếu dầu khí tăng điểm khá mạnh. Trong đó, PVC tăng 700 đồng (+2,1%) lên 33.400 đồng/Cp với khối lượng khớp 1,45 triệu đơn vị, trong khi PVS tăng 600 đồng (+1,5%) lên 40.100 đồng/CP với khối lượng khớp 3,24 triệu đơn vị.

Trong khi đó, bất chấp thông tin không mấy tích cực về việc kết quả kinh doanh bị điều chỉnh tăng khoản lỗ lên hơn 40 tỷ đồng sau soát xét, nhưng PVX cũng giữ được mốc tham chiếu 5.700 đồng/CP với khối lượng khớp dẫn đầu, đạt 12,99 triệu đơn vị.

KLF cũng hấp thụ dòng tiền khá mạnh với hơn 12 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công và đóng cửa giảm nhẹ 100 đồng xuống 13.000 đồng/CP.

Giao dịch nhà đầu tư nước ngoài trong phiên hôm nay có sự trái chiều. Trong khi khối này tiếp tục mua ròng mạnh trên HOSE, thì trên HNX, khối này lại bán ròng khá lớn. Cụ thể, trên sàn HOSE, khối ngoại mua ròng hơn 3,64 triệu đơn vị, trị giá 155,64 tỷ đồng, tuy nhiên trên HNX, khối này bán ròng hơn 1 triệu đơn vị, trị giá 15,35 tỷ đồng.

Thanh Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục