Sau khi xác lập mức điểm cao nhất trong phiên sáng, thị trường đã hãm đà tăng điểm bởi áp lực chốt lời xuất hiện. Tuy nhiên, lực bán cũng không còn quá lớn trong khi cầu cũng không có thêm đột biến khiến VN-Index ngập ngừng trong vùng 543-545 điểm.
Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường không có thêm biến động, VN-Index vẫn giao động trong vùng giá trên trong gần nửa thời gian đầu. Dòng tiền khá yếu khi không khí đào quất đã rộn ràng phố phường, cơ hội tăng giá các cổ phiếu ngày giáp tết đã không còn được quan tâm khiến thị trường thiếu động lực để tăng điểm. Trong khi đó, lực bán có phần chiếm ưu thế hơn bởi đây cơ hội đẩy bán kiếm tiền mua sắm tết ngày cuối năm khiến thị trường dần hạ nhiệt vào cuối phiên.
Bản tin tài chính trưa 4/2 |
Đóng cửa, toàn sàn HOSE có 143 mã tăng và 68 mã giảm, chỉ số Vn-Index tăng 3,08 điểm (+0,57%) lên 542,15 điểm. Thanh khoản giảm mạnh với tổng khối lượng giao dịch đạt 67,89 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 1.053 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp đáng kể đạt 8,9 triệu đơn vị, trị giá 222,09 tỷ đồng.
Tương tự, sàn HNX cũng ngập trong sắc xanh với 104 mã tăng và 50 mã giảm. Chỉ số HNX-Index tăng 0,51 điểm (+0,68%) lên 76,32 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 21,36 triệu đơn vị, trị giá 214,56 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận chưa tới 5 tỷ đồng.
Ở nhóm cổ phiếu bluechip, trong khi các điểm tựa như VNM, VCB hãm đà tăng điểm, VIC lùi về mức giá tham chiếu thì MSN lại thành sao đổi ngôi khi tỏa sáng trong phiên chiều nhờ lực cầu khối ngoại tích cực. Chốt phiên, VNM chỉ tăng 1.000 đồng (+0,8%), VCB tăng 400 đồng (+1,%), còn MSN giữ vững mức tăng của phiên trước, tương ứng tăng 1.500 đồng (+2,1%).
Ở nhóm cổ phiếu dầu khí, trong khi GAS đã chịu áp lực chốt lời và không còn giữ sắc xanh nhạt khi quay đầu giảm 200 đồng (-0,5%) thì các mã lớn vẫn hỗ trợ tích cực cho đà tăng thị trường như PVD tăng 500 đồng (+2,3%), PVC tăng 500 đồng (+3,9%), PVS tăng 300 đồng (+2,2%), PVB tăng 400 đồng (+1,9%).
Nhóm cổ phiếu đầu cơ vẫn giao dịch sôi động hơn so với các nhóm ngành khác. FLC giữ vững vị trí vua thanh khoản với 6,74 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công, tuy nhiên, cổ phiếu này đã không giữ được nhịp tăng và lùi về mức giá tham chiếu 6.300 đồng/CP.
Cặp đôi cổ phiếu họ Hoàng Anh Gia Lai có diễn biến trái chiều. Trong khi HAG được hỗ trợ bởi lực cầu hấp thụ tích cực và đã chuyển xanh sau 6 phiên giảm liên thì chuỗi ngày dài HNG chưa thấy ánh sáng vẫn tiếp tục duy trì khi xác nhận phiên giảm sàn thứ 9 liên tiếp.
Chốt phiên, HAG tăng 100 đồng (+1,3%) với lượng khớp 4,55 triệu đơn vị, còn HNG giảm 800 đồng (-6,4%) xuống mức sàn 11.700 đồng với lượng khớp chỉ hơn 0,25 triệu đơn vị và dư bán sàn lên tới hơn 6 triệu đơn vị.
Ngoài ra, trong nhóm cổ phiếu hàng nóng như HQC, OGC, HAR, SHI, VHG cũng có khối lượng khớp lệnh hơn 2 triệu đơn vị.
Còn trên HNX, các cổ phiếu đầu cơ SCR, TIG và PVX cũng đã chuyển nhượng thành công hơn 1 triệu đơn vị.