Phiên giao dịch chiều 31/8: Chốt lời mạnh

(ĐTCK) Sau 4 phiên tăng điểm liên tiếp, thị trường đã chịu áp lực chốt lời và điều chỉnh giảm khá mạnh trong phiên hôm nay. Đây là điều dễ hiểu và đã được dự báo từ trước, do đó không tạo ra tâm lý hoảng sợ cho nhà đầu tư khi lượng cung chốt lời gia tăng trong phiên chiều.
Phiên giao dịch chiều 31/8: Chốt lời mạnh

Áp lực chốt lời đã xuất hiện từ phiên giao dịch sáng, tuy nhiên nhờ có sự hỗ trợ của GAS, VNM, SSI, HCM nên VN-Index vẫn cầm cự được sắc xanh nhạt khi chốt phiên sáng, trong khi HNX-Index không có được may mắn này nên đã đảo chiều giảm từ phiên sáng nay.

Bước sang phiên giao dịch chiều, áp lực chốt lời gia tăng và đây là điều dễ hiểu, bởi những nhà đầu tư mua vào trong “ngay thứ Hai đen tối” đầu tuần trước, hay phiên thứ Sáu tuần trước đó (21/8) đã có mức lợi nhuận kha khá. Trong bối cảnh thị trường như hiện nay, nhà đầu tư đã nhanh chóng hiện thực hóa lợi nhuận, đặc biệt là ở nhóm cổ phiếu có tính đầu cơ cao, vốn rất rủi ro khi thị trường điều chỉnh.

Tuy nhiên, khi áp lực chốt lời mạnh, đẩy giá nhiều mã xuống sâu, lực mua đã hoạt động tích cực, hấp thụ hết những cổ phiếu cơ bản được bán với giá thấp, giúp đà giảm của thị trường được hãm bớt.

Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần mới, VN-Index giảm 6,12 điểm (-1,07%), xuống 564,75 điểm với 80 mã tăng và 139 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 128 triệu đơn vị, giá trị 2.245,5 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 24,81 triệu đơn vi, giá trị 629,34 tỷ đồng.

Giao dịch mạnh đến chủ yếu từ việc chuyển nhượng 14,5 triệu cổ phiếu HAG, giá trị 218,95 tỷ đồng. Ngoài ra còn có sự đóng góp của 1,32 triệu cổ phiếu VNM, giá 142,26 tỷ đồng, 3,66 triệu cổ phiếu TTP, giá trị 117,32 tỷ đồng…

Dù độ rộng tương tự như sàn HOSE, nhưng HNX-Index giảm mạnh hơn khi mất 1,37 điểm (-1,75%), xuống 76,9 điểm với 75 mã tăng và 120 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 44,2 triệu đơn vị, giá trị 463 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 8,46 triệu đơn vị, giá trị 59,56 tỷ đồng.

Tính chung trong tháng 8, VN-Index giảm 9,07%, còn HNX-Index giảm 9,67%.

Áp lực bán mạnh trong phiên chiều đẩy nhiều mà xuống mức thấp nhất trong ngày, như GAS chỉ còn tăng 3,16%, đứng ở mức 49.000 đồng với 1,94 triệu đơn vị được khớp, VNM quay đầu giảm 0,99%, xuống 100.000 đồng.

Hai mã chứng khoán là SSI và HCM cũng chỉ còn tăng 0,78% và 0,25%, đứng ở mức 25.900 đồng và 39.800 đồng với khối lượng khớp lần lượt là 5,89 triệu đơn vị và 1,42 triệu đơn vị.

Trong khi đó, dù báo cáo sau soát xét, lợi nhuận từ lãi nhẹ chuyển thành lỗ nặng, nhưng cổ phiếu OGC vẫn có sức hút kỳ lạ khi được khớp hơn 8 triệu đơn vị dù chỉ được giao dịch trong phiên chiều. Đóng cửa, OGC đứng ở mức trần 2.700 đồng và còn dư mua trần tới hơn 11 triệu đơn vị.

Trong khi đó, mã có thanh khoản lớn thứ 2 của sàn HOSE là HAI lại đóng cửa ở mức sàn 6.000 đồng với 8,47 triệu đơn vị được khớp. FLC dù không giảm sàn, nhưng cũng đóng cửa ở mức thấp nhất ngày 6.700 đồng, giảm 4,29% với 7,74 triệu đơn vị được khớp.

Một số mã có tính đầu cơ cũng đứng ở mức thấp nhất ngày như VHG, DLG, JVC cũng đóng cửa ở mức sàn, trong khi FIT, ITA, KBC, GTN, HQC, IJC… cũng đều đóng cửa trong sắc đỏ.

Không chỉ nhóm cổ phiếu có tính đầu cơ, nhiều mã bluechip cũng giảm mạnh do áp lực chốt lời như nhóm ngân hàng, nhóm dầu khí (ngoại trừ GAS), nhóm cổ phiếu “cổ” (REE, GMD, FPT, HPG, HAG…).

Trên HNX, trong khi cả trăm mã khác giảm mạnh, thì FID lại bất ngờ lội ngược dòng ngoạn mục khi tăng trần lên 18.500 đồng với 1,45 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua trần khá lớn.

Trong khi đó, SHN may mắn có được mức tăng nhẹ 1 bước giá, lên 9.700 đồng khi chốt phiên hôm nay, dù đầu phiên sáng ở mức trần 10.500 đồng.

KLF là mã có thanh khoản tốt nhất trên HNX với 3,68 triệu đơn vị được khớp, nhưng đóng cửa giảm 6%, xuống 4.700 đồng.

PVS đóng cửa ở mức thấp nhất ngày 21.000 đồng, giảm 3,67% với 2,11 triệu đơn vị được khớp, trong khối ngoại bán ròng 765.200 đơn vị.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục