Phiên giao dịch chiều 31/7: Bán mạnh cuối phiên

(ĐTCK) Sự giằng co lình xình trong suốt thời gian của phiên chiều khiến nhà đầu tư sốt ruột nên đẩy mạnh việc bán ra trong đợt khớp lệnh ATC, khiến cả 2 chỉ số cùng giảm mạnh xuống mức thấp nhất ngày.
Phiên giao dịch chiều 31/7: Bán mạnh cuối phiên

Ở phiên giao dịch sáng, 2 chỉ số đã kết phiên trong tình trạng trái chiều, đà tăng cua thị trường gặp nhiều khó khăn khi cả hai bên mua bán đều không có tiếng nói chung. Tình trạng này kéo theo việc thanh khoản chỉ nhúc nhắc tăng.

Trong phiên giao dịch chiều, tình trạng này không những không có cải thiện, mà có phần còn tiêu cực hơn khi sự thận trọng bao trùm. Thị trường theo đó diễn biến lình xình dưới mốc tham chiếu trong suốt cả phiên giao dịch, thanh khoản nhỏ giọt.

Việc tình trạng này lặp di lặp lại dường như khiến nhà đầu tư trở nên sốt ruột. Vì vậy, ngay khi bước vào đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa, lệnh bán đã đồng loạt được đẩy vào thị trường khiến các chỉ số lao mạnh, rơi về sát các mốc 620 điểm và 85 điểm.

Đóng cửa, với 120 mã giảm và 94 mã tăng, VN-Index giảm 5,51 điểm (-0,88%) xuống 621,06 điểm. Chỉ số VN30-Index giảm 4,34 điểm (-0,67%) xuống 647,36 điểm với 21 mã giảm và 5 mã tăng.

Tổng khối lượng giao dịch đạt 112,6 triệu đơn vị, giá trị 2.092,6 tỷ đồng, tăng 13% so với phiên trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp tích cực với gần 11,5 triệu đơn vị, giá trị 228,32 tỷ đồng. Ngoài SHI và PAN ở phiên sáng, giao dịch thỏa thuận trong phiên chiều đáng chú ý còn có thêm 3,05 triệu cổ phiếu KBC, trị giá hơn 48,8 tỷ đồng và 0,9 triệu cổ phiếu BCI, trị giá hơn 18 tỷ đồng.

Với 102 mã giảm và 76 mã tăng, HNX-Index giảm 0,67 điểm (-0,79%) xuống 85,13 điểm. Chỉ số HNX30-Index giảm 1,66 điểm (-1,01%) xuống 162,54 điểm với 18 mã giảm và 6 mã tăng.

Tổng khối lượng giao dịch đạt 35,5 triệu đơn vị, giá trị 449,58 tỷ đồng, tăng gần 9%. Trong đó, đóng góp từ giao dịch thỏa thuận không đáng kể chỉ hơn 5 tỷ đồng.

Áp lực bán mạnh và trên diện rộng khiến nhiều nhóm cổ phiếu đảo chiều giảm điểm.

Các mã ngân hàng như MBB, VCB, EIB, CTG và BID đều giảm điểm, trong đó VCB giảm mạnh nhất 1.100 đồng xuống 49.900 đồng/CP. MBB và CTG khớp trên 2,1 triệu đơn vị, BID khớp 1,5 triệu đơn vị. Riêng STB lại bất ngờ đảo chiều tăng khá mạnh 600 đồng và khớp 1,84 triệu đơn vị.

Nhóm bảo hiểm, BVH giảm 2.500 đồng, BMI giảm 800 đồng, BIC giảm 400 đồng, còn PGI lại tăng nhẹ 100 đồng.

Nhóm chứng khoán và dầu khí cũng không ngoại lệ khi SSI, HCM, AGR, BSI, GAS, PVD, DPM... đồng loạt giảm điểm. SSI giảm 200 đồng và khớp 2,68 triệu đơn vị.

Trong nhóm VN30, chỉ còn STB, VNM, HSG, HVG, DRC và KDC tăng điểm nhẹ, HVG khớp 2,3 triệu đơn vị, KDC khớp hơn 1 triệu đơn vị.

Ngay với nhóm cổ phiếu thị trường vốn đang được dòng tiền “nuôi dưỡng” cũng nhiều mã quay đầu giảm điểm như FLC, CII, DLG, DXG, HAI, GTN, VHG, ... CII giảm 400 đồng và khớp hơn 7 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản trên HOSE. FLC khớp 4,85 triệu đơn vị, các mã khác thanh khoản cũng từ hơn 1-2 triệu đơn vị.

Một vài mã vẫn giữ được sắc tím từ đầu phiên như ASM, ATA, BT6, CDC, LCM... trong đó ASM khớp 1,4 triệu đơn vị.

Trong khi đó, sắc xanh nhẹ chỉ còn giữ ở một số mã như JVC, HAP, IDI, KMR, KSA, PDR... trong đó, PDR khớp hơn 3 triệu đơn vị, còn lại các mã khác đều có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị.

OGC cũng mất sắc tím ở đợt ATC và tụt về mốc tham chiếu 2.500 đồng/CP với 1,5 triệu đơn vị được khớp. KSS giảm sàn về 1.400 đồng/CP và khớp 1,26 triệu đơn vị.

Trong bối cảnh đó, nhóm cổ phiếu mía đường chính là điểm nhấn của thị trường. SBT tăng khá mạnh 600 đồng với thanh khoản tăng vọt đạt tới gần 5,88 triệu đơn vị. Các mã khác như BHS, LSS, NHS cũng đều tăng điểm, thanh khoản mạnh với BHS và LSS đều khớp trên 1,2 triệu đơn vị.

Trên HNX, các nhóm dẫn dắt như chứng khoán, dầu khí, ngân hàng, bảo hiểm và bất động sản đa phần giữ sắc đỏ.

Nhóm HNX30 cũng chỉ còn PLC, SD6, SD9, VGS và BII tăng nhẹ 1-2 bước giá, còn lại chủ yếu giảm điểm. FIT giảm 200 đồng và khớp 3,15 triệu đơn vị, cao nhất sàn. Các mã như SHB, KLF, VND cũng giảm điểm, thanh khoản từ hơn 1-2 triệu đơn vị.

SCR đứng giá tham chiếu và khớp 2,1 triệu đơn vị.

Các mã như KVC, VIX, PVX cũng giảm nhẹ, trong đó KVC khớp 3,13 triệu đơn vị, còn PVX và VIX đều khớp hơn 1 triệu đơn vị.

Như vậy, thị trường phiên cuối cùng của tháng 7 đã giảm điểm mạnh đi kèm việc thanh khoản gia tăng cho thấy tín hiệu không mấy tích cực. Tuy nhiên, việc khối ngoại tiếp tục mua ròng phần nào giúp ổn định tâm lý thị trường. Tuần giao dịch tới hứa hẹn sẽ là tuần giao dịch có nhiều kịch tính hơn.

Nguyễn Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục