Phiên giao dịch chiều 28/8: Giữ chắc mốc 1.280 điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Sau chuỗi tăng ấn tượng từ dưới ngưỡng 1.188 điểm (ngày 5/8) lên trên 1.284 điểm (ngày 21/8), VN-Index đã có 5 phiên rung lắc, nhưng chỉ trong biên độ hẹp. Trong đó, dù nhiều lần bị đe dọa, nhưng mốc 1.280 điểm vẫn được giữ vững.
Phiên giao dịch chiều 28/8: Giữ chắc mốc 1.280 điểm

Bước vào 3 phiên giao dịch đầu tháng 8, thị trường có 2 phiên lao dốc mạnh khiến VN-Index rơi từ ngưỡng 1.250 xuống dưới 1.200 điểm. Tuy nhiên, ngay sau đó, thị trường đã có chuỗi hồi phục với mạch tăng ấn tượng, vượt qua lần lượt các ngưỡng kháng cự cứng, kéo VN-Index từ dưới ngưỡng 1.200 điểm lên gần 1.285 điểm vào ngày 21/8, vượt ra ngoài phía trên của dải bollinger band.

Sau chuỗi tăng này, VN-Index bước vào giai đoạn rung lắc, nhưng chỉ trong biên độ hẹp và mốc 1.280 điểm trở thành ngưỡng hỗ trợ cứng cho chỉ số.

Diễn biến phiên hôm nay cũng tương tự, VN-Index chỉ lình xình trong biên độ hẹp, mở cửa phiên sáng với sắc xanh, có lúc vượt qua ngưỡng 1.285 điểm, nhưng nhanh chóng bị đẩy ngược trở lại và đóng cửa dưới ngưỡng 1.280 điểm. Bước vào phiên chiều, sau nhịp lùi nhẹ đầu phiên, VN-Index bước lên, vượt qua tham chiếu, nhưng không thể bứt phá, mà chỉ giằng co nhẹ quanh tham chiếu, trước khi đóng cửa với sắc xanh nhạt, dù trên bảng điện tử sắc đỏ chiếm ưu thế so với sắc xanh.

Chốt phiên, VN-Index tăng nhẹ 0,88 điểm (+0,07%), lên 1.281,44 điểm với 168 mã tăng và 225 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 717,6 triệu đơn vị, giá trị 16.332,6 tỷ đồng, tăng 8,6% về khối lượng và chỉ nhỉnh một chút về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 59,4 triệu đơn vị, giá trị 1.476,6 tỷ đồng.

Nhóm VN30 cân bằng với số mã tăng giảm bằng nhau, đều là 13, cùng với 4 mã đứng giá đều là các mã ngân hàng: BID, SHB, TPB, VIB. Chốt phiên, VN30-Index tăng nhẹ 1,26 điểm (+0,10%), lên 1.325,54 điểm.

Trong rổ này, GVR là mã tăng mạnh nhất với 2% lên 35.650 đồng, khớp 4,32 triệu đơn vị. Tiếp đến là SSI tăng 1,95% lên 34.050 đồng, khớp 20,05 triệu đơn vị. TCB tăng 1,55% lên 23.000 đồng, khớp 19,15 triệu đơn vị. POW tăng 1,49% lên 13.650 đồng, khớp 7,77 triệu đơn vị. MBB tăng 1,02% lên 24.650 đồng, khớp 12,09 triệu đơn vị. Các mã tăng còn lại chỉ trên dưới 0,5%.

Ở chiều ngược lại, mã giảm mạnh nhất là bộ 3 nhà Vingroup, trong đó VRE giảm 2,74% xuống 19.500 đồng, khớp 12,58 triệu đơn vị, VIC giảm 1,55% xuống 44.400 đồng, khớp 4,93 triệu đơn vị và VHM giảm 1,21% xuống 40.900 đồng, khớp 11,2 triệu đơn vị. Ngoài ra, có thêm BCM giảm 1% xuống 69.500 đồng, khớp chỉ 0,65 triệu đơn vị, còn lại giảm nhẹ.

Trong các nhóm ngành đều có sự phân hóa, trong đó nhóm ngân hàng sắc xanh chiếm ưu thế hơn sắc đỏ, với mã tăng mạnh nhất là MSB tăng 3,51% lên 11.800 đồng, trong khi các mã giảm chỉ ở mức nhẹ dưới 1%.

Nhóm chứng khoán khá cân bằng với SSI chính là mã tăng mạnh nhất, tiếp đến là VIX tăng 1,26% lên 12.050 đồng, các mã còn lại tăng dưới 1%. Ở chiều ngược lại có 2 mã giảm hơn 1% là FTS giảm 1,72% xuống 42.900 đồng và BSI giảm 1,41% xuống 48.800 đồng.

Trong khi đó, với nhóm bất động sản, sắc đỏ lại chiếm thế áp đảo. Trong đó, DIG giảm mạnh nhất sau thông tin Kết luận Thanh tra về cổ phần hóa, đóng cửa giảm 3,99% xuống 24.050 đồng, nhưng thoát được mức thấp nhất ngày. Thanh khoản dẫn đầu sàn HOSE với 41,92 triệu đơn vị, đứng trên VIX với 36,32 triệu đơn vị.

Nhóm thép sắc xanh chiếm ưu thế, nhưng mã đầu ngành HPG lại đóng cửa giảm nhẹ 0,19% xuống 25.700 đồng.

Trong các mã khác, HNG bất ngờ tăng kịch trần lên 4.350 đồng, khớp 4,4 triệu đơn vị và còn dư mua trần tới gần 6,6 triệu đơn vị. Trong khi đó, dù không giữ được sắc tím đã có lúc có được trong phiên, nhưng đóng cửa HAG cũng tăng 4,76% lên 11.000 đồng, khớp 27,36 triệu đơn vị, đứng thứ 3 trên sàn.

Ngoài DIG, một cố phiếu bất động sản khác cũng có giao dịch sôi động hôm nay là PDR với 20,78 triệu đơn vị và đóng cửa tăng nhẹ 0,69% lên 21.900 đồng. Ngoài ra, NVL cũng khớp 19,71 triệu đơn vị, đóng cửa ở tham chiếu 13.300 đồng.

Trong khi đó, HNX và UPCoM chỉ dao động dưới tham chiếu trong suốt phiên chiều và dù có nỗ lực cuối phiên, nhưng không thể thoát sắc đỏ khi chốt phiên.

Trong đó, HNX-Index đóng cửa giảm 0,68 điểm (-0,29%), xuống 238,23 điểm với 60 mã tăng và 88 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 57,6 triệu đơn vị, giá trị 1.108,4 tỷ đồng, tăng 16% về khối lượng và 8% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,4 triệu đơn vị, giá trị 117,8 tỷ đồng.

Còn UPCoM-Index giảm 0,01 điểm (-0,01%), đứng ở mức 94,13 điểm với 142 mã tăng và 122 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 36,6 triệu đơn vị, giá trị 560 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 7,3 triệu đơn vị, giá trị 192 tỷ đồng.

Trên HNX có 2 mã có thanh khoản trên 10 triệu đơn vị là CEO và SHS, trong đó CEO vượt qua SHS đứng đầu với 10,36 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,2% xuống 16.500 đồng, còn SHS khớp 10,26 triệu đơn vị, đóng cửa ở tham chiếu 16.400 đồng.

Trong Top 10 mã có thanh khoản tốt nhất HNX hôm nay chỉ duy nhất DL1 đóng cửa tăng 2,86% lên 7.200 đồng, khớp 3,21 triệu đơn vị, còn lại đều giảm hoặc đứng giá tham chiếu.

Trên UPCoM, hôm nay có 5 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó có 3 mã đóng cửa trong sắc xanh và 2 mã trong sắc đỏ. BSR vẫn giữ được vị trí độc tôn về thanh khoản trên UPCoM với 5,74 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 0,42% lên 24.100 đồng, tiếp đến là BCR khớp 1,65 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,92% lên 5.300 đồng. BVB và OIL là 2 mã khớp trên 1,5 triệu đơn vị, đóng cửa trái ngược nhau với BVB giảm 0,85% xuống 11.600 đồng, còn OIL tăng 0,65% lên 15.400 đồng. Mã còn lại khớp trên 1 triệu đơn vị là VGT với 1,23 triệu đơn vị và đóng cửa giảm 0,67% xuống 14.900 đồng.

Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng nhẹ theo thị trường cơ sở. Trong đó, hợp đồng đáo hạn tháng 9 là VN30F2409 tăng 0,3 điểm (+0,02%), lên 1.322,1 điểm với 166.593 hợp đồng được chuyển nhượng, giá trị 22.013 tỷ đồng; khối lượng mở 55.962 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, hôm nay có duy nhất 1 mã có thanh khoản trên 2 triệu đơn vị là CHPG2405 do SSI phát hành với 2,46 triệu đơn vị, đóng cửa ở tham chiếu 140 đồng. Ngoài ra, có 9 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó có 7 mã do SSI phát hành, 2 mã còn lại do ACBS và HSC phát hành, chủ yếu là chứng quyền của các mã ngân hàng, cùng 3 mã bluechip khác là VRE, MSN và VHM.

Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, hôm nay có 6,4 triệu đơn vị được giao dịch, giá trị 5.181,65 tỷ đồng. Trong đó, mã có khối lượng giao dịch lớn nhất là RHG12102 của Tập đoàn R&H với gần 1,4 triệu trái phiếu, giá trị 148,54 tỷ đồng. Tiếp đến là HQN12101 của Hưng Thịnh Quy Nhơn với 816.392 trái phiếu, giá trị 84,12 tỷ đồng. Còn xét về giá trị, MSB12003 của Ngân hàng MSB có giá trị giao dịch lớn nhất với 883,29 tỷ đồng, tương ứng 850 trái phiếu. Tiếp đến là VHM12405 của Vinhomes với 702,12 tỷ đồng, tương ứng 7.000 trái phiếu.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục