Phiên giao dịch chiều 27/12: Lực bán sau 14h hạ gục VN-Index

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index được kéo lên ngưỡng 1.125 điểm, nhưng lực bán gia tăng mạnh sau 14h đã đẩy chỉ số này quay đầu đi xuống nhanh như lúc đi lên, đóng cửa dưới tham chiếu.
Phiên giao dịch chiều 27/12: Lực bán sau 14h hạ gục VN-Index

Kịch bản cũ đã được tái diễn trong phiên chiều nay. Ngay khi mở cửa phiên chiều, giao dịch thỏa thuận lớn tại VHM dường như đã tạo hiệu ứng tốt cho thị trường, kích thích dòng tiền nhập cuộc, qua đó kéo VN-Index trở lại mốc 1.125 điểm. Tuy nhiên, đến “giờ nhạy cảm” - 14h, lực bán gia tăng đã đẩy VN-Index quay đầu trở lại nhanh và dốc như lúc được kéo lên và không thể có may mắn như phiên sáng, VN-Index đóng cửa dưới tham chiếu, dù mức giảm rất nhỏ.

Đóng cửa, VN-Index giảm 0,26 điểm (-0,02%), xuống 1.121,99 điểm với 219 mã tăng và 250 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 776,8 triệu đơn vị, giá trị 19.333,4 tỷ đồng, tăng 20,5% về khối lượng và 31,2% về giá trị so với phiên hôm qua. Tuy nhiên, thanh khoản thanh mạnh hôm nay chủ yếu đến từ giao dịch thỏa thuận, trong đó đáng chú ý là giao dịch sang tay tại VHM. Cụ thể, giao dịch thỏa thuận hôm nay đóng góp tới 206,6 triệu đơn vị, tổng giá trị 7.129 tỷ đồng, trong đó riêng VHM có tới gần 90,23 triệu cổ phiếu được sang nhượng, tổng giá trị 4.038,26 tỷ đồng, tương đương mức giá 44.760 đồng/cổ phiếu. Ngoài VHM, cũng có một số cổ phiếu ngân hàng có giao dịch thỏa thuận lớn phiên hôm nay, gồm EIB với 31,4 triệu cổ phiếu, giá trị 574,82 tỷ đồng, TCB có 8,48 triệu cổ phiếu, giá trị 261,76 tỷ đồng, VPB 17,63 triệu cổ phiếu, giá trị 330,05 tỷ đồng, cùng MSN có 4,72 triệu cổ phiếu, giá trị 311,53 tỷ đồng.

Trong phiên khớp lệnh, dòng tiền vẫn tập trung chủ yếu vào các mã có thanh khoản cao trong phiên sáng như nhóm chứng khoán, thép, một số mã bất động sản.

Trong đó, đứng đầu vẫn là 2 mã chứng khoán VND (21,42 triệu đơn vị) và VIX (19,91 triệu đơn vị), nhưng về giá đã có sự khác nhau khi VND giữ đà tăng 0,69% lên 22.000 đồng, còn VIX lùi về tham chiếu 17.100 đồng.

Hai mã khác trong nhóm là SSI và HCM cũng duy trì được phong độ cả về giao dịch và giá, trong đó SSI khớp 16,1 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 0,15% lên 32.800 đồng, còn HCM khớp 14,38 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,98% lên 33.400 đồng.

Trong nhóm thép, trong khi HSG duy trì đà tăng 1,58% lên 22.450 đồng, khớp 15,15 triệu đơn vị, thì HPG quay đầu giảm 0,18% xuống 27.750 đồng, khớp 19,85 triệu đơn vị.

Lực bán mạnh cuối phiên cũng khiến nhiều mã có liên quan tới bất động sản quay đầu giảm, dù mức giảm không lớn, như NVL giảm 0,59% xuống 16.800 đồng, khớp 16,8 triệu đơn vị, GEX giảm 0,43% xuống 23.350 đồng, khớp 19,83 triệu đơn vị, DIG giảm 0,75% xuống 26.550 đồng, khớp 12,9 triệu đơn vị. DXG, DPR cũng giảm nhẹ, còn HQC tăng 1,96% lên 4.170 đồng, khớp 9,49 triệu đơn vị.

VHM dù giao dịch thỏa thuận khối lượng lớn ở mức giá gần với mức trần, nhưng trong phiên khớp lệnh, mã đầu ngành bất động sản này chỉ đứng giá tham chiếu 41.900 đồng, khớp hơn 6 triệu đơn vị, mức cao nhất trong ngày của VHM cũng chỉ là 42.150 đồng.

Trong nhóm dẫn dắt khác là ngân hàng, dù sắc xanh nhiều hơn sắc đỏ, nhưng mức tăng giảm chỉ trong biên độ hẹp, ngoại trừ TPB có mức tăng 2,06% lên 17.350 đồng, còn lại chủ yếu chỉ tăng, giảm trên dưới 0,5%.

Ở nhóm đơn lẻ khác, HNG ngay khi bước vào phiên chiều xuất hiện lực cầu, giúp mã này có giao dịch khá sôi động, nhưng lực cầu này chỉ bằng 1/4 so với lượng dư mua trần, nên không ảnh hưởng đến giá của HNG. Đóng cửa, HNG ở mức trần 4.280 đồng, khớp 5,18 triệu đơn vị và còn dư mua trần hơn 4,3 triệu đơn vị.

Trong khi đó, sàn HNX có giao dịch trầm hơn và không một lần chỉ số chính của sàn này trở lại trên tham chiếu trong suốt phiên giao dịch chiều.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,66 điểm (-0,29%), xuống 230,6 điểm với 81 mã tăng và 75 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 67 triệu đơn vị, giá trị 1.222,7 tỷ đồng, tăng 8,8% về khối lượng, nhưng tương đương về giá trị giao dịch. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 4,1 triệu đơn vị, giá trị 52,4 tỷ đồng.

Khác với phiên sáng, trong top 5 mã có thanh khoản tốt nhất HNX trong phiên chiều chỉ còn SHS và MBS giữ sắc xanh nhạt (tăng trên dưới 0,5%), còn lại đều giảm, nhưng mức giảm không nhẹ. Trong đó, SHS khớp lớn nhất 14,86 triệu đơn vị, MBS khớp 3,1 triệu đơn vị, đứng thứ 3 sau CEO.

CEO khớp 8,09 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 0,87% xuống 22.800 đồng; đứng thứ tư và thứ năm là PVS (2,97 triệu đơn vị) và HUT (2,81 triệu đơn vị). Các mã gây bất ngờ trong phiên sáng là NRC và TKG không có thêm đột biến trong phiên chiều khi giao dịch trầm hơn, trong đó NRC chỉ còn giữ được mức tham chiếu 4.900 đồng, khớp 2,34 triệu đơn vị, còn TKG hạ độ cao, không còn giữ được sắc tím khi đóng cửa mức 7.700 đồng, tăng 8,45%, khớp 1,9 triệu đơn vị.

UPCoM phiên chiều nay lại có may mắn hơn 2 sàn niêm yết khi dù cũng giao dịch lình xình, nhưng lại lấy lại được sắc xanh khi đóng cửa phiên.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,21 điểm (+0,25%), lên 86,24 điểm với 155 mã tăng và 103 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 51,7 triệu đơn vị, giá trị 911,9 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn một nửa với 25,7 triệu đơn vị, giá trị 456,6 tỷ đồng.

Sau phiên sáng trầm lắng, BSR đã lấy lại được vị thế độc tôn trên UPCoM với tổng khớp 2,14 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 0,54% lên 18.600 đồng. SBS bị đẩy xuống vị trí thứ 2 về thanh khoản với 1,85 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,39% lên 7.300 đồng. Trong khi đó, DGT trở lại mức giá trần 5.800 đồng khi đóng cửa, thanh khoản 1,59 triệu đơn vị. Ngoài ra, có thêm 2 mã nữa có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị là VTP (1,56 triệu) và BCR (1,22 triệu), đều đóng cửa tăng giá 3,33% lên 55.800 đồng và 1,09% lên 9.300 đồng.

Trên thị trường phái sinh, tất cả các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm, trong khi chỉ số VN30-Index hôm nay nhích nhẹ 0,42 điểm (+0,04%), lên 1.115,94 điểm. Trong đó, hợp đồng đáo hạn tháng 1/2024 giảm 4,6 điểm (-0,41%), xuống 1.116,9 điểm với 135.934 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 57.545 hợp đồng.

Thị trường chứng quyền hôm nay có 7 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó có 2 mã do KIS phát hành và 5 mã do SSI phát hành. Trong số đó, có 2 mã có thanh khoản trên 2 triệu đơn vị là CVRE2310 do SSI phát hành với 2,36 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 50% lên 30 đồng/chứng quyền và CSTB2309 do KIS phát hành với 2,32 triệu đơn vị, đóng cửa giảm kịch sàn xuống 10 đồng/chứng quyền.

Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, hôm nay có 83 mã có giao dịch, với tổng khối lượng gần 17,36 đơn vị, tổng giá trị 6.708,6 tỷ đồng. Trong đó, giá trị lớn nhất là mã AQC12301 của Công ty TNHH Dịch vụ và Tư vấn xây dựng Anh Quân với 14.950 trái phiếu được giao dịch ở mức giá 122.719.074 đồng, tổng giá trị 1.834,65 tỷ đồng. Tiếp đến là CPL12303 của Capitaland với 11.493 trái phiếu, giá 80 triệu đồng/trái phiếu, tương đương giá trị 919,44 tỷ đồng. Trong khi đó, mã có khối lượng khớp lớn nhất là SHL12101 của Công ty TNHH Mặt trời Hạ Long với 7,8 triệu đơn vị, tổng giá trị 800,97 tỷ đồng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục